Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm

10:00 | 20/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%; Manulife Việt Nam ủy thác hơn 100.000 tỷ đồng cho công ty con đầu tư; Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ tăng trưởng tín dụng chậm nhất10 năm qua; Thương hiệu VPBank được định giá gần 1,3 tỷ USD… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 19/8: Sau soát xét, ABBank đạt 638 tỷ đồng lợi nhuận trước thuếTin ngân hàng ngày 19/8: Sau soát xét, ABBank đạt 638 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
Tin ngân hàng ngày 18/8: Sacombank triển khai gói tín dụng 11.000 tỷ đồng, lãi suất 6,2%Tin ngân hàng ngày 18/8: Sacombank triển khai gói tín dụng 11.000 tỷ đồng, lãi suất 6,2%

Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm

Trong tuần qua, mặt bằng lãi suất chung ở đa số các ngân hàng là: lãi suất kỳ hạn 6 - 7 tháng giảm 0,2% còn 6,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 8 - 11 tháng giảm 0,1% còn 6,9%/năm; lãi suất các kỳ hạn 12 - 36 tháng là 7%/năm.

Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm
Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Khảo sát với 34 ngân hàng tới ngày 18/8 cho thấy, gần như toàn bộ ngân hàng tư nhân từ cuối tháng 7 đến nay đều điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Riêng 4 ngân hàng quốc doanh vẫn giữ nguyên niêm yết lãi suất trong một tháng qua.

Lãi suất giảm tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm bình quân 0,3-0,35% một năm.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) công bố giảm 0,25% lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng ngân hàng này giảm lãi suất. Cụ thể, kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 6,75%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng 6,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng về 6,85%/năm.

Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng giảm đồng loạt 0,7% lãi suất với khoản tiền từ 6 tháng trở lên. Hay một số nhà băng khác như PGBank, GPBank, VietBank, ABBank cũng giảm tới 0,7-0,8% một năm.

Sau đợt giảm này, hiện chỉ còn chục ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất từ 7% trở lên cho người gửi tiền (dưới 1 tỷ đồng), gồm VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, PVComBank, NamABank, HDBank, MSB, Kienlongbank, DongABank. Khoảng 20 nhà băng còn lại đều niêm yết lãi suất dưới 7% một năm.

Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng "thừa tiền" khi khó cho vay. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.

Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Một số nhà băng gần đây tung nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng cho vay ảm đạm. Lãi suất khoản vay cũ cũng đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên giảm chậm hơn so với lãi suất khoản vay mới. Tùy từng nhà băng và nhóm khách hàng, lãi suất khoản vay hiện hữu giảm khoảng 1% đến 2% từ đầu năm tới nay.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Cùng đó, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào. Từ đó, có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Manulife Việt Nam ủy thác hơn 100.000 tỷ đồng cho công ty con đầu tư

Theo báo cáo tài chính kiểm toán nửa đầu năm 2023 của Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam), vào ngày 30/6/2023, công ty này đã nhận số tiền ủy thác đầu tư từ Manulife Việt Nam với tổng giá trị vượt quá 100.000 tỷ đồng.

Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm
Manulife Việt Nam ủy thác hơn 100.000 tỷ đồng cho công ty con đầu tư/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong khoản tiền này, Manulife Investment đã đưa 15.414,6 tỷ đồng vào việc đầu tư chứng khoán vốn, 72.096 tỷ đồng được cấp vào chứng khoán nợ, và 12.707,9 tỷ đồng đặt vào ngân hàng.

So với đầu năm, giá trị của danh mục chứng khoán vốn mà Manulife Việt Nam đã giao cho Manulife Investment để đầu tư đã tăng thêm 3.428 tỷ đồng. Trong số này, nhiều khoản đầu tư mới đã được thêm vào, chủ yếu là vào các cổ phiếu 'bluechip' như GAS, VHM, TCB, SAB, VNM, VRE, VPB, MBB và VIC. Đáng chú ý, tất cả các khoản đầu tư này đã được Manulife Investment đánh giá là "các chứng khoán có giá trị suy giảm".

Khoản đầu tư lớn nhất là vào GAS, với giá trị lên tới 625,3 tỷ đồng, tiếp theo là VHM (596,1 tỷ đồng), TCB (575,8 tỷ đồng), SAB (508,4 tỷ đồng), VNM (492,5 tỷ đồng), VPB (377,1 tỷ đồng), MBB (286,5 tỷ đồng), và VIC (206,5 tỷ đồng).

Số tiền đầu tư của Manulife Investment vào chứng khoán nợ đã tăng thêm 13.740 tỷ đồng từ đầu năm, đạt 72.096 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư mua trái phiếu từ nhiều doanh nghiệp lớn như Trungnam Group, Vingroup, Vinhomes, Masan Group, cũng như trái phiếu từ các ngân hàng như LPBank, HDBank và ACB.

Bên cạnh việc đầu tư vào chứng khoán vốn và chứng khoán nợ, Manulife Investment còn đã đặt số tiền còn lại từ Manulife Việt Nam vào ngân hàng, tổng cộng 12.707,9 tỷ đồng. Số này đã giảm đi 1.261,8 tỷ đồng so với đầu năm.

Ngoài việc ủy thác đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, Manulife Việt Nam cũng đã tích cực tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tính đến cuối năm 2022, giá trị tổng danh mục đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu của Manulife Việt Nam đã tăng thêm 2.065 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 7.875,4 tỷ đồng. Năm trước, công ty bảo hiểm này đã đạt lãi từ hoạt động mua bán cổ phiếu với số tiền hơn 480 tỷ đồng.

Manulife Investment được thành lập vào tháng 6/2005 và hoàn toàn sở hữu bởi Manulife Việt Nam với 100% vốn điều lệ. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực quản lý và lập kế hoạch đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư, cung cấp tư vấn tài chính và thực hiện các hoạt động đầu tư chứng khoán.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ tăng trưởng tín dụng chậm nhất 10 năm qua

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để phân tích và đánh giá cụ thể tình hình cũng như kết quả điều hành tín dụng trong 7 tháng đầu năm. Ông yêu cầu làm sáng tỏ những khó khăn, vướng mắc, và nguyên nhân gây ra tình trạng tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với năm 2022 và các năm trước đó, đặc biệt là trong khoảng thời gian 10 năm gần đây.

Trong cuộc họp liên quan đến các giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó Thủ tướng đã đề xuất rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần đưa ra những giải pháp đồng bộ, khả thi, và phân tách thành các nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc vay vốn và tăng cường hoạt động tín dụng.

Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý về việc tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành một cách đồng bộ, tích cực, linh hoạt và kịp thời, đặc biệt là sử dụng công cụ chính sách tiền tệ một cách hợp lý. Ông cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu chi phí, thực hiện sự chuyển đổi số để làm giảm mức lãi suất cho vay và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Sắp tới, NHNN sẽ thành lập một đội công tác để làm việc cùng với các cơ quan địa phương và doanh nghiệp để tổng hợp và xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng được nhấn mạnh. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay, cũng như các vấn đề liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh trong việc huy động và cấp tín dụng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo và lợi ích nhóm doanh nghiệp, cá nhân.

Khi phát hiện ra các quy định không phù hợp, theo quyền hạn của mình, các cơ quan chức năng cần đưa ra sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý để giải quyết các vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Thương hiệu VPBank được định giá gần 1,3 tỷ USD

VPBank tăng 32 bậc - lên vị trí 173 trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng giá trị lớn nhất toàn cầu, giá trị thương hiệu tăng gần gấp rưỡi trong một năm.

Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm
Thương hiệu VPBank được định giá gần 1,3 tỷ USD/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thông tin được nêu bởi Brand Finance tại lễ công bố Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 vào ngày 15/8. VPBank là một trong bốn doanh nghiệp có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất Việt Nam năm nay.

Năm 2016, thương hiệu VPBank lần đầu được Brand Finance định giá ở mức 56 triệu USD. Trong vòng bảy năm, giá trị thương hiệu ngân hàng này đã tăng tới 23 lần. Cùng với sự tăng trưởng giá trị thương hiệu, nhà băng nhảy vọt lên vị trí 173 trong tổng số 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp vị trí của VPBank thăng hạng trong bảng xếp hạng này.

Chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) xếp loại AA+. Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được chấm 77,61 điểm giúp VPBank là một trong hai ngân hàng có sự tăng trưởng cao nhất Việt Nam.

Ông Alex Haigh - Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét giá trị thương hiệu tăng nhờ sự vượt bậc của sức mạnh thương hiệu.

"Kết quả này đến từ hiệu quả truyền thông ấn tượng của các hoạt động tái định vị thương hiệu, thay đổi nhận diện thương hiệu từ giữa năm 2022 và cả dự báo tài chính", ông Alex Haigh chia sẻ.

Theo ông Haigh, sức mạnh thương hiệu ngân hàng tăng cao nhờ cộng hưởng tốt tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam và các thương vụ sáp nhập mới của chính VPBank (gồm việc hoàn tất mua lại Bảo hiểm OPES, Chứng khoán VPBank), qua đó mở rộng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa phân khúc.

Uy tín, sức mạnh thương hiệu góp phần giúp VPBank huy động thành công hơn một tỷ USD từ các tổ chức tài chính toàn cầu trong năm ngoái, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, bảo toàn các tỷ lệ an toàn thanh khoản. Huy động từ tiền gửi khách hàng tăng gần 30% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất theo Basel II đạt gần 15%, nằm trong top dẫn đầu thị trường. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong năm 2022 tăng 48% so với năm trước và cán mốc 1 tỷ USD.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)