Tin ngân hàng ngày 20/3: Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng?

10:15 | 20/03/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
NCB muốn tăng vốn điều lệ gấp hơn 2 lần trong năm nay; Giảm lãi suất điều hành là tín hiệu tốt, nhiều ngân hàng cũng đã hạ lãi suất huy động; Ngân hàng phải mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho nhà đầu tư… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Không được để nhân viên tư vấn sai khi bán bảo hiểm, trái phiếuTin ngân hàng nổi bật tuần qua: Không được để nhân viên tư vấn sai khi bán bảo hiểm, trái phiếu
Tin ngân hàng ngày 17/3: Nghiêm cấm việc “lách” vượt trần lãi suất huy độngTin ngân hàng ngày 17/3: Nghiêm cấm việc “lách” vượt trần lãi suất huy động

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng?

Cùng một doanh nghiệp nhưng có tới 2 báo cáo tài chính, một báo cáo nộp thuế, cái còn lại nộp cho ngân hàng. Đó là nguyên nhân mà nhiều ngân hàng e ngại cho các doanh nghiệp này vay vốn.

Tin ngân hàng ngày 19/3: Doanh nghiệp có 2 báo cáo tài chính, ngân hàng khó cho vay vốn
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

“Một số ngân hàng cho biết, họ cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó vì báo cáo tài chính của doanh nghiệp rất đa dạng. Cùng một doanh nghiệp nhưng họ có tới 2 báo cáo tài chính, một báo cáo nộp cho thuế, cái còn lại nộp cho NH. Thậm chí, báo cáo tài chính nộp ngân hàng, doanh nghiệp còn làm nhiều báo cáo tài chính khác nhau gửi cho ngân hàng khác nhau khi vay vốn. Đây là điều các ngân hàng rất quan ngại” - bà Thanh Huyền chia sẻ.

Thực tế tại Việt Nam, tỷ trọng cho vay bảo đảm là động sản chỉ từ 25- 39%; 70% còn lại là khoản vay yêu cầu có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Trong khi trên thế giới, đối với các khoản vay có bảo đảm là động sản phần lớn là các khoản phải thu và hàng hóa lưu chuyển trong kinh doanh. Vì đây là 2 loại tài sản gần với tiền mặt nhất và là dòng luân chuyển của tiền mặt.

Điều này đặt ra vấn đề, ngân hàng cần phải đưa ra các sản phẩm tài chính có tính cải tiến và sáng tạo hơn để phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các chuyên gia đã khuyến nghị các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam cần tận dụng tài sản là hàng hóa các khoản phải thu của doanh nghiệp là tài sản đảm bảo. Đây chính là cách ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ và vừa và giảm thiểu rủi ro lớn nhất khi cho vay.

Báo cáo từ IFC cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 19.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 164.700 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký là 119.600 lao động (giảm 3% về số doanh nghiệp, giảm 40,7% số vốn đăng ký, giảm 20,1% số lao động so với cùng kỳ).

NCB muốn tăng vốn điều lệ gấp hơn 2 lần trong năm nay

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 8/4.

Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua Đơn từ nhiệm và miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của bà Trần Thị Hà Giang (Trưởng Ban Kiểm soát) và bà Trần Thị Minh Huệ (thành viên BKS). Sau khi miễn nhiệm 2 thành viên này, ngân hàng cũng sẽ bầu bổ sung thành viên mới cho Ban Kiểm soát.

Danh sách ứng cử viên trình Đại hội đồng cổ đông bầu gồm bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Văn Quang. Trong đó, bà Minh hiện là Phó Tổng giám đốc của NCB.

Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 94.500 tỷ đồng. Huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ, cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng. NCB dự kiến lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại là 16 tỷ. Quy mô khách hàng mục tiêu là 1 triệu khách hàng.

Năm nay, NCB cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ và tăng vốn điều lệ. Ngân hàng muốn phát hành tối đa 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương quy mô 111% vốn điều lệ của NCB. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.200 tỷ đồng.

Giảm lãi suất điều hành là tín hiệu tốt, nhiều ngân hàng cũng đã hạ lãi suất huy động

Mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, thời gian qua NHNN đã nhận được 34 kiến nghị của Hiệp hội. Trong đó có 12 kiến nghị đã được xử lý xong, 9 kiến nghị liên quan đến bộ ngành NHNN đang xử lý và 13 kiến nghị đã làm việc trực tiếp với nhóm ngân hàng và đang tích cực xử lý. Trong đó đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề nhóm ngân hàng có nêu là chuyển đối số. Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo trong suốt thời gian vừa qua.

Theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Thông tư về eKYC, về xác thực điện tử. Đây là chìa khóa để thực hiện chuyển đổi số và thực hiện ngân hàng số.

NHNN đã ban hành xong Thông tư về bảo lãnh điện tử và sắp tới đây, Thống đốc cũng chỉ đạo việc cho vay trên môi trường điện tử mà các ngân hàng khá quan tâm. “Chúng tôi đang phối hợp với các bộ ngành xử lý vấn đề giao dịch điện tử, chữ ký điện tử cho hoạt động ngân hàng và hy vọng sẽ thu được kết quả tích cực đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống ngân hàng. Chúng ta biết rằng, nhiều ngân hàng hiện nay đã đưa được trên 90% giao dịch hoạt động trên nền tảng số”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Liên quan đến tín dụng xanh, ông Dũng cho biết, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị nêu rõ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh. Trong đó ưu tiên tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn vốn quốc tế phục vụ phát triển tín dụng xanh.

Về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ. NHNN đã ban hành quyết định hạ lãi suất điều hành xuống 1% và hạ lãi suất cho vay qua đêm 1%. Đây là 1 tín hiệu khá tốt với thị trường. Thông qua việc hạ lãi suất này, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động và có cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tạo động lực tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng phải mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho nhà đầu tư?

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM trả lời kiến nghị của cử tri TP HCM về việc ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho nhà đầu tư sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tin ngân hàng ngày 20/3: Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng?
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết các quy định pháp luật có liên quan như Nghị định 153/2020/NĐ-CP; Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều nêu rõ doanh nghiệp phát hành phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nếu không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi đến hạn bằng tài sản khác…

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Trong hợp đồng ký với nhà đầu tư có nêu rõ điều kiện, điều khoản về việc mua lại trái phiếu, và phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện cam kết này.

Cũng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trả lời cử tri TP HCM tại văn bản này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp theo đúng giấy phép được cấp; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được duyệt.

Đặc biệt, không cung cấp thông tin sai sự thật, dễ hiểu lầm về trái phiếu doanh nghiệp; không để xảy ra trường hợp nhân viên hoặc đơn vị kinh doanh cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư để đạt chỉ tiêu kinh doanh.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto