Tin ngân hàng ngày 20/2: Sacombank lên tiếng về tỷ lệ sở hữu room ngoại

10:26 | 20/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhiều ngân hàng rao bán loạt bất động sản để thu hồi nợ; Room ngoại tại ngân hàng Việt nơi thiếu, chỗ còn nguyên; Agribank hỗ trợ tích cực khách hàng kinh doanh bất động sản vượt qua khó khăn… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 18/2: Manulife thông tin vụ tiền gửi SCB thành hợp đồng bảo hiểmTin ngân hàng ngày 18/2: Manulife thông tin vụ tiền gửi SCB thành hợp đồng bảo hiểm
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lợi nhuận VIB tăng 32% so với cùng kỳTin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lợi nhuận VIB tăng 32% so với cùng kỳ

Sacombank lên tiếng về tỷ lệ sở hữu room ngoại

Chiều 17/2, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, MCK: STB) đã lên tiếng phản hồi sau văn bản của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại ngân hàng này.

Tin ngân hàng ngày 20/2: Sacombank lên tiếng về tỷ lệ sở hữu room ngoại
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đến ngày 10/2/2023, thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu của Sacombank đã tăng lên 30%. Tuy nhiên, Sacombank không nhận được bất kỳ văn bản nào từ VSD về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu. Do đó, Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định thực hiện việc này.

Việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng, đến Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của Sacombank, làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời.

Do đó, Sacombank đã có văn bản số 06/2023/CV-HĐQT ngày 14/2/2023 đề nghị VSD thay vì đưa ra lý do kỹ thuật như hiện nay, cần có văn bản giải thích thỏa đáng và hướng xử lý minh bạch, cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Trước đó, VSD ngày 10/2/2023 công bố khối lượng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank là 565 triệu cổ phiếu STB, tương ứng với tỷ lệ 29,99%.

Sau công bố trên, Sacombank có văn bản số 06/2023/CV-HĐQT ngày 14/2/2023 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nước ngoài (room ngoại).

Trong văn bản nêu rõ từ thời điểm 19/9/2016 khi VSD ra thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu STB là 23,64%, ngân hàng này chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Vì vậy, Sacombank đề nghị các đơn vị trên kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nước ngoài theo đúng thông báo ngày 19/9/2016 là 23,63468%.

Nhiều ngân hàng rao bán loạt bất động sản để thu hồi nợ

Vừa qua, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Tài sản là Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tìa sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 46 phố Ngọc Hà (số 3 phố Đội Cấn cũ), phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thanh phố Hà Nội. Đây là BĐS đất ở đô thị, có diện tích 65,4m2. Nhà ở riêng lẻ xây dựng trên đất có diện tích xây dựng 65,4m2, diện tích sàn 95,2m2. Giá khởi điểm của bất động sản này là 17,5 tỷ đồng.

BIDV cũng đang chọn đơn vị đấu giá khoản nợ tới gần 219 tỷ đồng của Công ty TNHH Công Bình tại BIDV Long An. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này bao gồm nhà máy, máy móc, thiết bị, ô tô và hàng loạt bất động sản tại ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Bất động sản chủ yếu là đất sản xuất kinh doanh, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất trồng cây, đất chuyên trồng lúa nước…

VietinBank cũng đang rao bán nhiều tài sản bảo đảm của khách hàng, chủ yếu là bất động sản để thu hồi nợ. Theo đó, VietinBank KCN Hải Dương thông báo bán tài sản của Công ty CP Thép An Phú, gồm 859m2 đất tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; 221m2 đất tại thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn; 1.324m2 đất tại thông Lương Đình, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. VietinBank cho biết, giá bán và phương thức bán theo thoả thuận.

VietinBank chi nhánh 7 TP HCM thì đang đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu Hà. Khoản nợ đến 31/12/2022 là hơn 1.422 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 567 tỷ, còn lại là nợ lãi và phạt quá hạn. TSĐB cho khoản nợ gồm 5 quyền sử dụng đất tại Khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Ngoài ra còn có 4 quyền sử dụng đất tại phương Tân An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và nhà kho, công trình xây dựng, hàng hoá… Giá khởi điểm mà VietinBank đưa ra là 148 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 giá trị nợ gốc.

Ngoài những khoản nợ lần đầu rao bán, ngân hàng tiếp tục đấu giá những tài sản chưa thanh lý xong. Chẳng hạn như Agribank đấu giá lần 9 Thửa đất số 1282, Tờ bản đồ số 111, Dự án khu đô thị mới 67,5ha, khu phố 9, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Lần rao bán này, giá khởi điểm được đưa ra là 7,3 tỷ đồng, giảm khoảng 2 tỷ đồng so với các đợt chào bán cuối năm 2022, tức chỉ cách đây khoảng 3-4 tháng.

Room ngoại tại ngân hàng Việt: Nơi thiếu, chỗ còn nguyên

Vừa qua, Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài - room ngoại tại nhiều ngân hàng Việt Nam đã chạm trần.

Theo đó, trong số 27 ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên mức 15% vốn điều lệ.

Trong đó, nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại như ACB, TPBank, Sacombank, ABBank, MBBank, Techcombank, VIB và VPBank, với khối lượng chứng khoán được phép mua thêm thấp hơn 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh những ngân hàng đã chạm ngưỡng tối đa 30% về room ngoại, một số ngân hàng lại lựa chọn phương án khóa room ngoại làm của để dành, tạo dư địa cho huy động vốn như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,46%), MB (23,23%).

Trong nhóm này, VIB và OCB được tin rằng sẽ sớm nới room ngoại lên mức 30% vốn điều lệ. Cụ thể, cuối tháng 11/2022, VIB đã chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo ngân hàng VIB cho biết, tỷ lệ này có thể được điều chỉnh tăng lên 30% nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trong khi đó, đại hội đồng cổ thường niên năm 2021 của OCB đã thông qua việc chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới room ngoại lên mức tối đa 30%.

Ngoài ra, VPBank cũng chủ động khóa room ngoại ở mức 17,64% vốn nhằm dọn đường cho việc tìm kiếm đối tác chiến lược. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo ngân hàng này cho biết thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược vẫn đang diễn ra tích cực và dự kiến được thực hiện trong năm 2023.

Trái ngược với các nhà băng Top đầu, nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức rất thấp, thậm chí là vẫn còn nguyên room ngoại như: NCB, Eximbank, SHB, LienVietPostBank, SeABank, VietCapital Bank, Nam A Bank, SaigonBank,

Tương tự VPBank, SeABank và LienVietPostBank đã khóa room ngoại ở mức rất thấp 5% để giữ chỗ cho đối tác chiến lược. Trong khi đó, mặc dù mở room ngoại ở mức tối đa 30% vốn điều lệ, song tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NCB và SHB chỉ lần lượt là 8,87% và 6,08% vốn điều lệ.

Đối với Eximbank, sau khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này tính đến ngày 15/2 chỉ là 8,21% vốn điều lệ.

Agribank hỗ trợ tích cực khách hàng kinh doanh bất động sản vượt qua khó khăn

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, nhất là Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tiếp tục chủ động làm việc đối với khách hàng kinh doanh bất động sản đã được cấp tín dụng và thường xuyên giám sát về tình hình, tiến độ triển khai dự án, kế hoạch bán hàng, doanh thu, dòng tiền, đánh giá khả năng trả nợ, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của khách hàng và kịp thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể (cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…).

Tin ngân hàng ngày 20/2: Sacombank lên tiếng về tỷ lệ sở hữu room ngoại
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid -19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Cụ thể khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

Dự kiến trong năm 2023, Agribank tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto