Tin ngân hàng ngày 18/9: Vì sao tín dụng TP HCM tăng trưởng tích cực?

10:00 | 18/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đề xuất nâng cao mức phạt tư vấn bảo hiểm nhân thọ sai quy định; PG Bank chính thức bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Tổng Giám đốc; Giao dịch không dùng tiền mặt ngày một tăng cao... là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 16/9: NHNN có giảm lãi suất điều hành ngay trong cuối quý III?Tin ngân hàng ngày 16/9: NHNN có giảm lãi suất điều hành ngay trong cuối quý III?
Tin ngân hàng tuần qua: Dùng ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư giảm rủi ro khi cho vayTin ngân hàng tuần qua: Dùng ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư giảm rủi ro khi cho vay

Tại sao tín dụng TP HCM tăng trưởng tích cực?

Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, mặc dù còn khó khăn thị trường hàng hóa, tiêu thụ và xuất khẩu và thị trường bất động sản; tuy nhiên những điểm tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Đó là tín dụng tăng trở lại trong tháng 8/2023.

Tin ngân hàng ngày 18/9: Vì sao tín dụng TP HCM tăng trưởng tích cực?
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, quy mô tín dụng TP HCM 8 tháng đầu năm đạt 3.331 nghìn tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ. Trong đó riêng tháng 8, mức tăng trưởng đạt gần 1% so với tháng 7.

Tín dụng ngắn hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng trung, dài hạn. Theo đó, tín dụng ngắn hạn tăng 4,92% so với cuối năm 2022, tín dụng trung, dài hạn tăng 1,88%. Tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỷ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Đến nay, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, cho hơn 17.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã với lãi suất vay không quá mức quy định (hiện nay là 4%/năm).

Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng tích cực, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, nhờ các giải pháp và đồng bộ về kích cầu với 3 trụ cột: tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Đặc biệt, “điểm rơi” chính sách xuất hiện và phát huy tác dụng.

Cụ thể, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đạt trên 34.000 tỷ đồng cho trên 25.000 khách hàng vay vốn; giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất đạt 20.954 tỷ đồng cho 350 khách hàng thuộc các lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục đào tạo, nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản, thực hiện dự án xây nhà ở xã hội, giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp.

Ông Lệnh cũng cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm thấp so với cùng kỳ này các năm 2022, 2021 và 2019, chỉ tương đương mức tăng trưởng cùng kỳ của năm 2020, song kết thúc năm 2020 tín dụng tăng tới 10,35%. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng các tháng còn lại của năm thường là rất cao.

Mặc dù chưa thể khẳng định xu hướng và sự bền vững, song nếu so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của các tháng đầu năm và của tháng 7/2023, thì đây là mức tăng trưởng rất tích cực và phản ánh tác dụng của chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Trung ương đã và đang phát huy hiệu quả.

Đề xuất nâng cao mức phạt tư vấn bảo hiểm nhân thọ sai quy định

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm , kinh doanh xổ số.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng gấp đôi mức xử phạt hiện hành, lên mức 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng với nhiều hành vi vi phạm bảo hiểm nhân thọ. Các hành vi bị xử phạt ở mức này gồm: tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm.

Tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đề xuất xử phạt vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm với mức phạt 60-70 triệu đồng với nhiều hành vi. Các hành vi bị phạt như: cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Không tuân thủ phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô đã đăng ký với Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định tại Điều 145 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Luỹ kế từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tổng số tiền phạt 2,95 tỷ đồng.

PG Bank chính thức bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Tổng Giám đốc

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thông báo bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Tổng Giám đốc Ngân hàng kể từ ngày 15/09/2023. Thời hạn bổ nhiệm trong 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.

Ông Phạm Mạnh Thắng sinh năm 1962, nguyên là Phó Tổng Giám đốc Vietcombank vừa nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01/05.

Ngày 02/07/2023, PG Bank bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc, sau khi miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Phi Hùng.

Ngoài vị trí Tổng Giám đốc, PG Bank còn có nhiều xáo trộn về mặt nhân sự cấp cao kể từ khi cổ đông lớn Petrolimex thành công thoái vốn khỏi Ngân hàng.

Ngày 23/10/2023, PG Bank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm kiện toàn nhân sự thuộc HĐQT và BKS. PG Bank thông báo ngày 15/08/2023 sẽ chốt danh sách cổ đông, nhóm cổ đông thực hiện quyền đề cử, ứng cử người vào HĐQT và BKS.

Bà Dương Ánh Tuyết chỉ mới được bổ nhiệm vị trí Trưởng BKS PG Bank từ ngày 31/07/2023, thay cho ông Nguyễn Tuấn Vinh xin từ nhiệm.

Hồi đầu tháng 7, HĐQT PG Bank đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Oliver Schwarzhaupt theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 02/07/2023. Ngân hàng cũng miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Phi Hùng.

Từ ngày 02/07, ông Nguyễn Phi Hùng chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT PG Bank nhiệm kỳ 2020-2025. Ngân hàng cũng bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Quyền Tổng Giám đốc.

Trước đó, từ đầu tháng 5, ông Nguyễn Mạnh Hải cũng đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT PGB vì lý do cá nhân.

Ngày 28/08/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn tại PG Bank.

Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh dự kiến nhận chuyển nhượng gần 39.3 triệu cp PGB, tương đương 13.099% cổ phần có quyền biểu quyết tại PG Bank; CTCP Quốc tế Cường Phát dự kiến nhận chuyển nhượng hơn 40.6 triệu cp PGB, tương đương 13.541%; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức dự kiến nhận chuyển nhượng hơn 40 triệu cp PGB, đương đương 13.359%.

Giao dịch không dùng tiền mặt ngày một tăng cao

Theo số liệu thống kê của NAPAS hiện nay số lượng cùng giá trị giao dịch không dùng tiền mặt tại nước ta đã tăng cao. Chúng được sử dụng trong chi tiêu hàng ngày, thanh toán các loại hóa đơn...

Tin ngân hàng ngày 18/9: Vì sao tín dụng TP HCM tăng trưởng tích cực?
Giao dịch không dùng tiền mặt ngày một tăng cao/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Phát triển mạnh trong giai đoạn dịch COVID-19, do yêu cầu giữ khoảng cách, đến nay thanh toán không tiền mặt, thanh toán qua QR Code, quả thẻ đã đã trở nên phổ biến hơn. Hình thức thanh toán mua trước trả sau, thanh toán qua thẻ tín dụng cũng trở nên phổ cập.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng đều tăng hơn 60%, riêng thanh toán qua QR Code tăng hơn 120%. Còn trong giai đoạn 2021-2022, giao dịch không tiền mặt tăng 86%, giá trị giao dịch tăng hơn 30%.

Ngoài sự tiện lợi, Internet và điện thoại thông minh phát triển cũng là một phần nguyên nhân thúc đẩy hình thức sử dụng điện thoại thanh toán ở Việt Nam.

Hiện nay việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở lên quen thuộc. Mã QR được sử dụng ở rất nhiều nơi từ thành thị đến vùng nông thông. Điều đó đã mang đến quá trình thanh toán thuận tiện, an toàn cho mọi người tiêu dùng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)