Tin ngân hàng ngày 17/4: Khuyến cáo hạn chế sử dụng wifi công cộng khi chuyển khoản

10:15 | 17/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm về quanh ngưỡng 10%; NHNN cho các ngân hàng vay 66.000 tỷ trong tuần qua; HDBank bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 15/4: Tiền gửi của Techcombank tăng trưởng gần 14%Tin ngân hàng ngày 15/4: Tiền gửi của Techcombank tăng trưởng gần 14%
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Chính thức giải ngân cho vay gói ưu đãi 120.000 tỷ đồngTin ngân hàng nổi bật tuần qua: Chính thức giải ngân cho vay gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng

Khuyến cáo hạn chế sử dụng wifi công cộng chuyển khoản ngân hàng

Mới đây, các chuyên gia bảo mật và ngân hàng khuyến cáo gần đây là hạn chế tối đa việc sử dụng wifi công cộng, nhất là những wifi không có mật khẩu để giao dịch ngân hàng, chuyển tiền, thanh toán…

Tin ngân hàng ngày 17/4: Khuyến cáo hạn chế sử dụng wifi công cộng khi chuyển khoản
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - người sáng lập Dự án Chống lừa đảo, phân tích: Sử dụng wifi công cộng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân. Bởi lẽ, tin tặc có thể thiết lập mạng wifi giả mạo với tên giống hoặc tương tự các mạng wifi công cộng chính thống. Khi người dùng kết nối vào mạng giả mạo này, tin tặc có thể kiểm soát hoạt động trên mạng và đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Ngoài ra, việc kết nối wifi công cộng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác, cụ thể:

Lưu lượng truy cập không mã hóa: Nếu mạng wifi công cộng không sử dụng mã hóa, tin tặc có thể dễ dàng theo dõi và chặn lưu lượng truy cập giữa thiết bị của người dùng và điểm truy cập wifi, từ đó lấy cắp thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng.

Phần mềm độc hại: Tin tặc có thể tận dụng wifi công cộng để đưa phần mềm độc hại như virus, ransomware hay spyware vào các thiết bị của người dùng.

Sự thiếu bảo mật của các thiết bị khác: Khi kết nối wifi công cộng, người dùng cũng có thể tiếp xúc các thiết bị khác đang kết nối cùng mạng, mà không phải tất cả đều được bảo vệ đầy đủ…

Để bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng, người dùng được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng wifi công cộng. Nếu không thể tránh khỏi việc sử dụng wifi công cộng, hãy cân nhắc dùng VPN (Virtual Private Network) để mã hóa lưu lượng truy cập và bảo vệ thông tin cá nhân.

"Đối với việc quét mã QR để thanh toán, chỉ nên quét ở những cửa hàng uy tín, tránh nguy cơ bị dẫn dụ tải file và link độc hại. Khi thanh toán, nếu cần nhập mã pin và mật khẩu, người dùng cần che tay, tránh bị camera có thể vô tình hoặc cố ý ghi lại, phòng kẻ gian dùng vào việc xấu" - Hiếu PC khuyến cáo.

Các ngân hàng nhấn mạnh khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP… cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do nào; cẩn trọng và kiểm tra kỹ đối với các cuộc gọi, tin nhắn hoặc email lạ chào mời tham gia sự kiện, thông báo trúng thưởng...

Lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm về quanh ngưỡng 10%?

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, trong quý 1/2023 thanh khoản hệ thống dồi dào diễn biến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt lãi suất liên ngân hàng qua đêm và duy trì ở mức nền thấp vào cuối quý. Cụ thể, lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt là 3,55 điểm %, 3,66 điểm % và 3,47 điểm % so với cuối quý 4/2022.

Trong quý 1, mặt bằng lãi suất huy động cũng có xu hướng giảm ở cả kì hạn ngắn và dài do thanh khoản các ngân hàng dồi dào nhờ việc: 1) NHNN mua 4 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối, tương ứng NHNN bơm hơn 93 nghìn tỷ VND vào lưu thông; 2) Tăng trưởng tín dụng thấp quý 1 ở mức thấp, chỉ đạt 2% do nhu cầu vay vốn chững lại do trùng vào dịp Tết Nguyên đán, và việc đơn hàng ít hơn khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc đi vay mở rộng quy mô sản xuất, bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện để vay vốn. Bên cạnh đó, các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi NHNN hạ các lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Các ngân hàng nhỏ có mức giảm lãi suất huy động cao (dao động từ 0,5%- 1,0%), trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có mức biến động hẹp hơn (quanh 0,2%).

Theo KBSV, NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4 - 4,5%.

Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 - 2022, nhóm phân tích nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 - 5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7,0-8,0% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11,0%

“Với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, và FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%” KBSV dự báo.

NHNN cho các ngân hàng vay 66.000 tỷ trong tuần qua

Tuần qua chứng kiến hoạt động bơm ròng thanh khoản mạnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường liên ngân hàng.

Cụ thể, cơ quan này đã cho hệ thống vay mới tổng cộng gần 65.795 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với lãi suất 5%. Trong đó, ngoài kỳ hạn 28 ngày, NHNN cũng triển khai thêm OMO 7 ngày để hỗ trợ trợ thanh khoản hệ thống. Đồng thời, Nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản.

Trước đó, NHNN đã bơm ròng gần 4.400 tỷ qua kênh OMO trong 2 ngày giao dịch cuối tuần trước. Tính chung trong 7 phiên giao dịch vừa qua, Nhà điều hành đã cung ứng cho hệ thống ngân hàng gần 70.200 tỷ đồng.

Cùng với quy mô, số lượng thành viên cần hỗ trợ cũng tăng dần cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dồi dào như giai đoạn cuối tháng 3.

Thực tế, sau nhịp giảm sâu, lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn ngắn đã bật tăng mạnh trong những phiên gần đây.

Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 5,49% trong phiên 13/4. So với mức ghi nhận cuối tháng 3, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp gần 5 lần.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tăng mạnh lên lần lượt 5,47% và 5,31%. Trong khi các kỳ hạn dài hơn như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng không có nhiều thay đổi, thậm chí giảm.

Dù bật tăng mạnh trong những phiên gần đây, song giới phân tích nhận định suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng về lại mức cao như giai đoạn tháng 11/2022, khi NHNN đã phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Diễn biến của lãi suất liên ngân hàng cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã bớt dồi dào so với trước. Tuy vậy, với việc NHNN đã bắt đầu bơm ròng trở lại trên OMO, lãi suất sẽ không tăng quá mạnh trong các tuần tiếp theo”, Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Thực tế, lãi suất liên ngân hàng chỉ tăng mạnh tại các kỳ hạn dưới 1 tháng. Đường cong lãi suất liên ngân hàng gần như phẳng phản ánh thị trường đánh giá những thiếu hụt thanh khoản chỉ mang tính chất tạm thời.

HDBank bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị

Ngày 15/04, HDBank công bố tờ trình miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Tâm - Thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. Để kiện toàn, HDBank trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 bầu bổ sung ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027.

Tin ngân hàng ngày 17/4: Khuyến cáo hạn chế sử dụng wifi công cộng khi chuyển khoản
HDBank trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 bầu bổ sung ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc vào HĐQT

Được biết, bà Nguyễn Thị Tâm đã đồng hành cùng HDBank 10 năm qua trên nhiều cương vị khác nhau. Bà có đóng góp quan trọng cho HDBank trong hành trình hiện đại hóa ngân hàng. Trong suốt quá trình công tác, bà Tâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc bà Tâm từ nhiệm, HDBank trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung một thành viên HĐQT và ứng viên được đề cử là ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc HDBank. Ông Thanh sinh năm 1970, cử nhân Tài chính ngân hàng và cử nhân Ngoại ngữ. Ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng như HSBC, ACB, ABBank, Techcombank... trước khi gia nhập HDBank năm 2013.

Từ tháng 3/2020, ông Phạm Quốc Thanh được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc HDBank. Trong hơn 3 năm qua, ông đã dẫn dắt ngân hàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả với thách thức do đại dịch và biến động của thị trường để đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, bền vững, chất lượng tài sản và các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo tốt so với ngành.

Năm 2022 vượt lên sự khó khăn chung của nền kinh tế, HDBank hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh được cổ đông giao phó với lợi nhuận trước thuế đạt trên 10.268 tỉ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch. Chỉ số ROE đạt 23,5%; ROA đạt 2,1% đều cao hơn cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp 1,3%, an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt 13,4%, thuộc nhóm tốt nhất trong ngành.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)