Tin ngân hàng ngày 1/2: Vietcombank lãi hơn 27.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020

09:24 | 01/02/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Gần 600.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2021; SHB và VINATEX ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật

Tin ngân hàng ngày 31/1/2022: KienlongBank lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 6 lần năm 2020Tin ngân hàng ngày 31/1/2022: KienlongBank lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 6 lần năm 2020

Tin ngân hàng ngày 30/1/2022: Thu nhập của cán bộ nhân viên Techcombank dẫn đầu hệ thống ngân hàngTin ngân hàng ngày 30/1/2022: Thu nhập của cán bộ nhân viên Techcombank dẫn đầu hệ thống ngân hàng

Vietcombank lãi hơn 27.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 với kết quả kinh doanh có tăng trưởng, nhưng vẫn duy trì quan điểm "thận trọng" khi tiếp tục đẩy lỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục 424%.

Tin ngân hàng ngày 1/2: Vietcombank lãi hơn 27.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020
Vietcombank lãi hơn 27.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Riêng trong quý IV, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng trưởng thấp khoảng 3% so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ và ngoại hối ghi nhận mức tăng lần lượt là 17% và 24%.

Trong bối cảnh quý cuối năm ghi nhận sự chững lại từ thu nhập hoạt động, Vietcombank tiết giảm chi phí hoạt động 11% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng giảm 5% so với cùng kỳ. Nhờ đó, nhà băng lãi trước thuế hơn 8.000 tỷ trong quý IV, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét cả năm, thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 17% và lãi dịch vụ, lãi ngoại hối đều tăng trưởng ở mức vừa phải 12%. Hoạt động thu hồi nợ ghi nhận mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động của Vietcombank tăng 10%, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục tăng 18% so với năm ngoái.

Sau một năm 2020 lợi nhuận đi ngang vì đẩy dự phòng nợ xấu lên mức kỷ lục, năm 2021, Vietcombank lãi trước thuế hợp nhất gần 27.400 tỷ, tăng trưởng 19% - tiếp tục giữ ngôi quán quân ngành.

Còn nếu tính riêng ngân hàng mẹ, Vietcomank lãi trước thuế 26.456 tỷ đồng, lần đầu tiên sau nhiều năm xếp sau nhà băng khác, cụ thể là VPBank (38.000 tỷ) nhờ ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ việc bán vốn FE Credit.

Tính đến cuối 2021, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 14% so với đầu năm. Tiền gửi huy động tăng 10%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng nhẹ từ 0,62% hồi đầu năm lên 0,64% do nợ nhóm 4 tăng mạnh.

Hiện nay với mỗi 100 đồng nợ xấu, Vietcombank đang dự phòng rủi ro lên tới 424 đồng. Với tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 ở mức thấp, nhà băng đã trích dự phòng đầy đủ trước thời hạn yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Gần 600.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2021

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570 nghìn tỷ đồng (chiếm 95.8% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.34 nghìn tỷ (chiếm 4.6% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.

Trong năm 2021, nhóm ngân hàng thương mại hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành 223.01 nghìn tỷ đồng, có 55.3 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm. Một số ngân hàng có khối lượng phát hành đáng chú ý trong năm như NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (17,030 tỷ đồng), NH TMCP Sài Gòn- Hà Nội (13,350 tỷ đồng). Trong nhóm ngân hàng, tháng 12 là thời điểm phát hành nhiều nhất với tổng giá trị 46,926 tỷ đồng (chiếm trên 1/5 tổng khối lượng phát hành của cả năm 2021).

Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt 214.44 nghìn tỷ đồng, chiếm 36%. Trong đó có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8%-13%/năm, bên cạnh đó có một vài doanh nghiệp có mức lãi suất phát hành chỉ ở mức khoảng 5%-6%/năm. Kỳ hạn 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm với 142,389 tỷ đồng, chiếm 67.33%.

Trong năm 2021, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).

SHB và VINATEX ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện

Vừa qua, tại trụ sở Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng SHB và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) đã tiến hành ký kết thành công Thoả thuận Hợp tác toàn diện.

Tin ngân hàng ngày 1/2: Vietcombank lãi hơn 27.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020
SHB và VINATEX ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đây là sự kiện quan trọng nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên, đồng thời góp phần khai thác tối đa thế mạnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của từng bên.

Với Thỏa thuận hợp tác toàn diện này, SHB và VINATEX khẳng định sẽ là đối tác chiến lược của nhau, đảm bảo hợp tác lâu dài, bền vững thông qua sự hỗ trợ lẫn nhau để phát huy thế mạnh của mỗi bên trên các lĩnh vực hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ cho phép của pháp luật và phù hợp với chiến lược kinh doanh của từng bên.

Cụ thể, SHB cam kết thiết kế các sản phẩm “đo ni đóng giày”, đáp ứng tối đa nhu cầu của VINATEX và các công ty thành viên như: dịch vụ quản lý tài khoản tiền gửi, quản lý vốn tập trung, đầu tư tự động; cấp tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi, phương thức phê duyệt thuận tiện qua nền tảng số… Đồng thời, Ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính doanh nghiệp và thị trường chứng khoán; dịch vụ thanh toán, thu hộ, chi hộ; dịch vụ phát hành thẻ tín dụng; dịch vụ bảo lãnh; các sản phẩm về ngoại hối và dịch vụ trả lương CBNV… ưu việt nhất cho VINATEX.

Trên cơ sở phân tích hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, tìm hiểu các phương thức giao dịch, phương thức thanh toán, quy trình giao dịch của VINATEX và đối tác, SHB sẽ xây dựng các sản phẩm tài chính riêng biệt giúp Tập đoàn gia tăng giá trị chuỗi cung ứng. Các giải pháp của SHB sẽ góp phần giúp VINATEX tiết kiệm chi phí hoạt động, nguồn nhân lực và đặc biệt là tối đa hóa hiệu quả của dòng tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn và các công ty thành viên phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, SHB sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ do VINATEX và các đơn vị thành viên cung cấp với chất lượng dịch vụ, chính sách đặc thù, phù hợp với yêu cầu của SHB liên quan đến ngành nghề kinh doanh của VINATEX.

Trước đó, SHB đã ký kết hợp tác toàn diện với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp Hội viên của VINASME nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)