Tin Bộ Ngoại giao: Thông tin cơ bản về Đại Hàn Dân Quốc

15:37 | 02/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đại Hàn Dân Quốc ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên; Đông, Tây, Nam giáp biển; Bắc giáp Triều Tiên...
Quốc kỳ Đại Hàn Dân Quốc
Quốc kỳ Đại Hàn Dân Quốc, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. KHÁI QUÁT

1. Tên nước: Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc (tiếng Anh là Republic of Korea, gọi tắt là South Korea nhưng không gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên, Cộng hòa Triều Tiên bằng tiếng Việt).

2. Thủ đô: Xơ-un (Seoul, cách Hà Nội 2.740 km).

3. Quốc kỳ: Cờ Thái cực.

4. Quốc khánh và các ngày lễ lớn:

- Ngày 03/10/2333 trước CN: Ngày Lập quốc (còn gọi là Lễ Khai thiên); cơ quan đại diện Hàn Quốc ở ngoài nước tổ chức chiêu đãi Quốc khánh vào ngày này.

- Ngày 15/8/1945: Ngày Giải phóng (Bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản); Hàn Quốc tổ chức mít tinh kỷ niệm long trọng, Tổng thống đọc diễn văn; Lãnh đạo các nước gửi điện mừng.

- Ngày 15/8/1948: Ngày thành lập Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.

5. Diện tích: 100.340 km2.

6. Dân số: 51,62 triệu người.

7. Vị trí địa lý: Ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên; Đông, Tây, Nam giáp biển; Bắc giáp Triều Tiên qua giới tuyến quân sự chạy dọc vĩ tuyến 38o Bắc.

8. Đơn vị tiền tệ: KRW (Korean Won).

Tỷ giá ngày 23/11/2022: 1 KRW = 1,351 USD.

9. Thu nhập bình quân đầu người: 37.621 USD (2021).

10. Dân tộc: 01 dân tộc là dân tộc Hàn (Triều Tiên gọi là dân tộc Triều Tiên). Hàn Quốc đang chuyển dần từ một đất nước chỉ có một dân tộc, một ngôn ngữ sang xã hội “đa dân tộc, đa văn hóa”. Đến tháng 7/2021, có khoảng 2 triệu người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, trong đó có khoảng 173.000 người kết hôn di trú.

11. Tôn giáo: Phật giáo, Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo.

12. Ngôn ngữ: Tiếng Hàn Quốc, lấy âm Xơ-un làm chuẩn.

13. Chế độ chính trị: Hiến pháp năm 1948 quy định Hàn Quốc theo chế độ Cộng hoà, tam quyền phân lập, trong đó:

- Quốc hội và Tổng thống do dân bầu trực tiếp; Thủ tướng và Chánh án Tòa án Hiến pháp do Tổng thống đề cử và Quốc hội thông qua (trong vòng 20 ngày). Bộ trưởng được đề cử từ các Ủy viên Quốc vụ; Ủy viên Quốc vụ do Thủ tướng tiến cử, Tổng thống chỉ định và Quốc hội thông qua.

- Tổng thống lãnh đạo chính phủ. Thủ tướng đảm nhiệm vai trò hỗ trợ Tổng thống, quản lý các cơ quan hành chính trung ương; có quyền kiến nghị Tổng thống bãi nhiệm Ủy viên Quốc vụ.

- Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội. Quốc hội Hàn Quốc theo chế độ một viện, gồm 300 ghế. Hiện Quốc hội gồm 7 chính đảng: đảng cầm quyền Sức mạnh Quốc dân (115 ghế), đảng Dân chủ Đồng hành (170 ghế), đảng Chính nghĩa (6 ghế), đảng Thu nhập cơ bản (1 ghế), đảng Thời đại chuyển đổi (1 ghế), 06 ghế không thuộc đảng phái nào. Nghị sỹ Quốc hội được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, có nhiệm kỳ 4 năm.

- Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc được thành lập vào năm 1988, hiện có 9 thẩm phán. Nhiệm kỳ của thẩm phán là 6 năm, không được gia nhập chính đảng hoặc tham gia vào chính trị.

14. Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

- Tổng thống: ông Yoon Suk Yeol (Yun Sớc Yên), từ 10/5/2022.

- Thủ tướng: ông Han Duck-soo (Han Đấc Su), từ 21/5/2022.

- Chủ tịch Quốc hội: ông Kim Jin Pyo (Kim Chin Pi-ô), từ 04/7/2022.

- Bộ trưởng Ngoại giao: ông Park Jin (Pắc Chin), từ 12/5/2022.

15. Hành chính: gồm thủ đô Seoul, 08 tỉnh, 01 tỉnh tự trị đặc biệt (đảo Jeju), 06 thành phố trực thuộc trung ương. Các cấp hành chính gồm tỉnh, thành phố, huyện/quận, thị trấn, phường, làng.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á, thứ 10 thế giới. GDP năm 2021 đạt 2.057 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 35.168 USD. Dự trữ ngoại hối năm 2021 đạt mức 499 tỷ USD. Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 1.259,43 tỷ USD, tăng 22,2% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 644,43 tỷ USD, tăng 25,7% và nhập khẩu đạt 615 tỷ USD, tăng 31,5%; xuất siêu đạt 29,4 tỷ USD.

“Kỳ tích sông Hàn” là quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc được Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng, kéo dài từ sau Chiến tranh Triều Tiên tới trước thời kì Khủng hoảng kinh tế Châu Á (1997). Trong thời gian này, Hàn Quốc áp dụng chiến lược “Phát triển kinh tế định hướng đối ngoại” nhằm chuyển đổi hoàn toàn của nền kinh tế quốc gia thông qua xuất khẩu. Hàn Quốc xây dựng kế hoạch phát triển định hướng xuất khẩu từ những năm 1960; lấy công nghiệp hóa chất làm trọng tâm của chính sách công nghiệp quốc gia trong thập niên 1970; tái cấu trúc nền công nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm 1980; mở cửa và tự do hóa thị trường trong thập niên 1990; cải cách công nghiệp; khuyến khích minh bạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997).

Phong trào “Làng mới” (Saemaul) là mô hình phát triển nông thôn điển hình góp phần vào “Kỳ tích sông Hàn”; được Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng vào thập niên 70. Mô hình được triển khai trên toàn quốc, chủ yếu dựa vào ngân sách và lực lượng lao động địa phương.

Hiện Hàn Quốc đang hướng tới phát triển bền vững, hài hòa; điều chỉnh kết cấu kinh tế theo hướng tăng cường hướng nội thông qua tạo việc làm và kích thích tiêu dùng; lấy phát triển các ngành công nghiệp, khoa học hiện đại làm động lực tăng trưởng mới; chú trọng giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, an ninh, an toàn, phát triển cân đối, đồng đều giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Hàn Quốc đã ký 18 FTA, trong đó có FTA với nhiều đối tác quan trọng (Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN...); đã gia nhập RCEP; đang tiến tới gia nhập CPTPP.

Chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác an ninh kinh tế, công nghệ với Mỹ, phát triển năng lượng xanh, ổn định mạng lưới cung ứng.

III. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol, Hàn Quốc chủ trương áp dụng chính sách đối ngoại thực dụng, ngoại giao tự cường để tối đa hóa lợi ích quốc gia; tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ, coi quan hệ với Mỹ là trọng tâm; xây dựng quan hệ Hàn - Nhật hướng tới tương lai; duy trì quan hệ Hàn - Trung trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tách bạch vấn đề chính trị và kinh tế; nâng cao vị thế Hàn Quốc thông qua việc tích cực tham gia và đảm nhận trách nhiệm quốc tế. Riêng về vấn đề hạt nhân, tên lửa Triều Tiên, Hàn Quốc thể hiện thái độ và tăng cường biện pháp cứng rắn cùng với Mỹ để đối phó với những nguy cơ về tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên; để ngỏ cánh cửa đối thoại, đàm phán và sẵn sàng viện trợ Triều Tiên trong bối cảnh Triều Tiên đang bùng dịch Covid-19, qua đó tích cực thể hiện vai trò đương sự chính.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

vietinbank
ajinomoto