Tin bất động sản tuần qua: Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tạo động lực lớn cho thị trường

10:05 | 21/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Gần 100 nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải tạo chung cư cũ; Sẽ đấu giá Khu đất Y tế tại thành phố Thanh Hóa; Quảng Bình tìm chủ đầu tư Dự án khu đô thị hơn 100 tỷ đồng; Hà Nội khởi công hai cụm công nghiệp hơn 700 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản tuần qua.
Tin bất động sản ngày 20/1: Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp cần hạ giá thànhTin bất động sản ngày 20/1: Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp cần hạ giá thành
Tin bất động sản ngày 19/1: Khi nào các địa phương sẽ công bố bảng giá đất mới?Tin bất động sản ngày 19/1: Khi nào các địa phương sẽ công bố bảng giá đất mới?

Luật Đất đai (sửa đổi) tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 (trừ một số điều khoản cụ thể).

Tin bất động sản tuần qua: Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tạo động lực lớn cho thị trường
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Luật Đất đai được đánh giá là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, ảm đạm, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua kỳ vọng sẽ giúp thị trường tốt dần lên.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), việc 4 dự án Luật bao gồm Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), và Luật Đất đai (sửa đổi), đã được ban hành bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, sát với thực tế, tạo lập thị trường bền vững.

Theo Savills Việt Nam, việc thông qua Luật Đất đai sẽ tạo động lực lớn cho thị trường bên cạnh Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam bị tác động bởi hai yếu tố lớn là tài chính và pháp lý. Pháp lý trong trường hợp này các luật lớn như Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu giải quyết được các vấn đề luật thì thị trường sẽ phát triển bền vững.

Do vậy, việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi sẽ tác động rất nhiều đến việc lâu nay các doanh nghiệp đang bị áp lực về tiền sử dụng đất. Việc đấu giá các tài sản của nhà nước khi có luật rõ ràng và cách tiếp cận giá trị đất đai cũng như các vấn đền bù giải tỏa thuận lợi hơn thì thị trường bất động sản sẽ từng bước cải thiện.

Hà Nội: Gần 100 nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải tạo chung cư cũ

Trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của UBND Thành phố Hà Nội vào chiều ngày 19/1, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Mạc Đình Minh, thông báo rằng Hà Nội đã phê duyệt đề án cải tạo chung cư cũ cùng với 6 kế hoạch triển khai. Các kế hoạch này đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, và UBND các quận, huyện để triển khai.

Phó Giám đốc Mạc Đình Minh cho biết, sau cuộc tuyên truyền do Sở Xây dựng tổ chức, đã có khoảng 100 nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm đối với dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội. Ông cũng nhấn mạnh, quá trình triển khai đề án không tránh khỏi khó khăn và vướng mắc liên quan đến quy hoạch, xây dựng hệ số K, và tiêu chí chọn chủ đầu tư. Hai nội dung này đã được hướng dẫn cụ thể bởi Sở Xây dựng, và trong thời gian sắp tới, quyền ủy quyền sẽ được giao cho các quận, huyện thực hiện xây dựng hệ số và tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư cho từng dự án.

Về kết quả cải tạo chung cư cũ, theo kế hoạch, đợt đầu tiên sẽ triển khai 10 khu, trong đó có 4 khu cấp độ D. Công việc đầu tiên sẽ là kiểm định và quy hoạch. Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm kiểm định cho 1.022 chung cư cũ, trong đó có 126 tòa được kiểm định trực tiếp bởi Sở. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ công bố kết quả kiểm định cho 53 dự án cải tạo chung cư cũ.

Sẽ đấu giá Khu đất Y tế tại thành phố Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định Số: 04 /QĐ-UBND về giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khu đất Y tế (ký hiệu là YT-01) thuộc mặt bằng quy hoạch khu dân cư dọc hai bên đường dự án CSEDP thuộc khu đô thị Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa.

Tin bất động sản tuần qua: Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tạo động lực lớn cho thị trường
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, vị trí: Khu đất đấu giá thuộc địa giới hành chính phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hoá, theo Trích lục bản đồ địa chính số 237/TLBĐ tỷ lệ 1/1000 do Văn phòng đăng ký đất đai Thanh Hoá lập ngày 16/5/2023; Cụ thể, Phía Đông Bắc, giáp đường CSEDP; Phía Tây Nam: Giáp khu đất trường Mầm non; Phía Đông Nam: Giáp đường quy hoạch; Phía Tây Bắc: Giáp đường quy hoạch.

Tổng diện tích khu đất đấu giá: 3.651,8 m2, mục đích sử dụng đất: Đất cơ sở y tế (DYT) theo hình thức: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Khu đất đấu giá đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng và có hạ tầng kỹ thuật như hiện trạng, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khớp nối với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài phạm vi khu đất đấu giá theo đúng quy hoạch, dự án đầu tư được phê duyệt theo quy định.

Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khu đất Y tế (ký hiệu là YT-01) thuộc mặt bằng quy hoạch khu dân cư dọc hai bên đường dự án CSEDP thuộc khu đô thị Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa (thời hạn thuê đất 50 năm, thu tiền thuê đất 01 lần cho cả thời gian thuê, sau khi trừ đi các chi phí không bao gồm chi phí GPMB): 18.921.538.770 đồng.

Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên có hiệu lực trong thời gian 06 tháng kể từ ngày phê duyệt và được xác định trong điều kiện nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Quyết định số 2652/QĐ-UBND ngày 26/7/2023, Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 15/8/2023 của UBND tỉnh và các văn bản pháp lý, quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

Trường hợp trong quá trình thực hiện dự án, người trúng đấu giá đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất, thay đổi các chỉ tiêu sử dụng đất, xây dựng theo quy hoạch, văn bản pháp lý liên quan thì tiền thuê đất chênh lệch nộp ngân sách nhà nước được xác định theo quy định hiện hành.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 19/01/2024 đến hết ngày 02/02/2024. Thời gian tổ chức đấu giá là 08 giờ 30 phút ngày 05/02/2024, đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá hợp danh Anh Phát.

Quảng Bình tìm chủ đầu tư Dự án khu đô thị hơn 100 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đang mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Kiến Giang 1, huyện Lệ Thủy.

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 127 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 19 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất khoảng 81.760 m2 tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ. Quy mô đầu tư gồm các hạng mục chính: hạ tầng kỹ thuật (san nền, đường giao thông; bãi đỗ xe; cấp nước, phòng cháy chữa cháy; thoát nước thải và vệ sinh môi trường, cấp điện sinh hoạt, điện chiếu sáng; cây xanh...); công trình nhà ở thương mại, trong đó xây thô, hoàn thiện mặt ngoài khoảng 30 căn, chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở khoảng 113 lô đất ở.

Dự án có tiến độ đầu tư từ năm 2022 - 2024. Nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án trước 17 giờ 15 ngày 8/3/2024.

Trước đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, ba trung tâm đô thị của tỉnh Quảng Bình gồm trung tâm đô thị TP Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó TP Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối TP Đồng Hới, gồm đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung, Dinh Mười.

Trung tâm đô thị phía bắc với hạt nhân là TX Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, khu kinh tế (KKT) Hòn La, Tiến Hóa; trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang (tương lai sẽ là thị xã), đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38%; 100% đô thị trực thuộc tỉnh đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, đến năm 2030, Quảng Bình dự kiến có 16 đô thị, bao gồm một đô thị loại II (Đồng Hới); một đô thị loại III (Ba Đồn), hai đô thị loại IV (Hoàn Lão mở rộng; Kiến Giang mở rộng).

12 đô thị loại V gồm có 6 đô thị hiện có (Đồng Lê, Phong Nha, Quán Hàu, Quy Đạt, Nông trường Việt Trung, Nông trường Lệ Ninh) và 6 đô thị xây dựng mới (Hòn La, Quảng Phương, Dinh Mười, Tiên Hóa, Cha Lo và Phúc Trạch).

Hà Nội khởi công hai cụm công nghiệp hơn 700 tỷ đồng

Sáng 19/1, UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã khởi công Cụm công nghiệp Tam Hiệp và Cụm công nghiệp Liên Hiệp (giai đoạn 2) với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Tin bất động sản tuần qua: Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tạo động lực lớn cho thị trường
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụm công nghiệp Liên Hiệp (giai đoạn 2) có quy mô 12,2ha, có tổng mức đầu tư 249 tỷ đồng và Cụm công nghiệp Tam Hiệp với quy mô khoảng 20ha, có tổng mức đầu tư 454 tỉ đồng. Dự án do Công ty CP Tập đoàn Minh Dương Nguyễn Duy Hồng làm chủ đầu tư.

Các hạng mục đầu tư của hai dự án bao gồm: san nền, giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, cây xanh, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, nhà điều hành, nhà dịch vụ, bảo vệ và các công trình phụ trợ khác.

Theo UBND huyện Phúc Thọ, hiện 2 dự án đã hoàn thiện đầy đủ điều kiện, thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện.

Đồng thời đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tiềm năng phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã liên tiếp khởi công các cụm công nghiệp tại các huyện như Đông Anh với 4 dự án là Cụm công nghiệp Thiết Bình (xã Vân Hà) có diện tích khoảng 20,98ha, tổng vốn đầu tư khoảng 492 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Liên Hà 2 (xã Liên Hà) có diện tích 21,99ha, tổng vốn đầu tư khoảng 427 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Dục Tú (xã Dục Tú) có diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 337 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Thụy Lâm (xã Thụy Lâm) có diện tích 17ha, tổng vốn đầu tư khoảng 326 tỷ đồng.

Huyện Thanh Oai cũng khởi công ba cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng là Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy giai đoạn 2 có diện tích quy hoạch 7,7ha, diện tích xây dựng 6,5ha; Cụm công nghiệp Phương Trung có quy mô 9,55ha và Cụm công nghiệp Hồng Dương có diện tích 11,4ha.

Theo Kế hoạch 276/KH-UBND do UBND TP.Hà Nội vừa ban hành, hiện trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, với tỷ lệ lấp đầy gần 100%; 1 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, và tích cực thu hút dự án đầu tư...

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco