Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Không thêm điều kiện với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội

10:15 | 26/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhiều địa phương Đông Nam bộ khan hiếm nguồn cung căn hộ; Thủ tướng yêu cầu bảo đảm thuận lợi cho người dân sở hữu nhà ở; Hải Phòng muốn xây dựng “siêu đô thị” gần 1 tỷ USD; Kiên Giang đề xuất xây cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá hơn 25.000 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.
Tin bất động sản ngày 25/2: Yêu cầu sớm cung cấp dịch vụ trực tuyến về đất đaiTin bất động sản ngày 25/2: Yêu cầu sớm cung cấp dịch vụ trực tuyến về đất đai
Tin bất động sản ngày 24/2: Xem xét dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổiTin bất động sản ngày 24/2: Xem xét dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi

Không thêm điều kiện với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội

Trả lời Công văn số 5586/BXD-QLN của Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Dự thảo sửa Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc sửa đổi quy định “có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” thành “Thuộc khu vực đã được lập, phê duyệt quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung đối với trường hợp không yêu cầu lập quy hoạch phân khu; đồng thời, khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở phải được cơ quan chuyên môn về quy hoạch xây trực thuộc cấp phê duyệt quy hoạch chi tiết quy định về các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu liên quan về kết nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật”.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Không thêm điều kiện với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Góp ý cho Dự thảo, VCCI cho rằng, việc bổ sung thêm điều kiện “đồng thời, khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở phải được cơ quan chuyên môn về quy hoạch xây trực thuộc cấp phê duyệt quy hoạch chi tiết quy định về các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu liên quan về kết nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật” là không cần thiết và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung này.

Lý giải, VCCI viện dẫn quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 25/2020/NĐ-CP (sửa đổi) điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất phải lựa chọn nhà thầu là “quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật”.

“Một số doanh nghiệp cho rằng, quy định này là phù hợp, hiệu quả cho các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại và phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị (chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư) vừa phù hợp với thực tiễn bởi quy hoạch phân khu đã xác định được các chỉ tiêu để cơ quan nhà nước lập hồ sơ mời thầu, các nhà đầu tư lập hồ sơ mời thầu”, VCCI giải trình trong văn bản gửi Bộ Xây dựng.

Nhiều địa phương Đông Nam bộ khan hiếm nguồn cung căn hộ

Theo một khảo sát và dự báo của DKRA Group vừa được công bố ngày 23/2 về thị trường bất động sản TPHCM và vùng phụ cận năm 2023 cho thấy, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2023 giảm nhẹ so với năm trước. Nguyên nhân là do các địa phương mạnh tay trong việc siết chặt quản lý phân lô bán nền. Nguồn cung mới dao động khoảng 6.200 nền, tập trung chủ yếu tại Long An và Bình Dương. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định, khó tăng giá đột biến trong năm 2023.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo giảm mạnh, bằng khoảng 75% so với năm 2022, tương đương 20.000 căn; tập trung chủ yếu tại TPHCM khoảng 12.000 căn và Bình Dương khoảng 7.000 căn, các tỉnh, thành khác khan hiếm nguồn cung mới. Sức cầu chung tiếp tục duy trì đà giảm từ giữa năm 2022 và dự báo sẽ có những khởi sắc nhất định vào cuối quý 4/2023 khi những vướng mắc về pháp lý, tín dụng vào BĐS được tháo gỡ. Phân khúc căn hộ hạng A duy trì vị thế chủ đạo, căn hộ hạng C và nhà ở xã hội sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2023. Mặt bằng giá bán sơ cấp khó có sự tăng giá đột biến trong năm 2023, trong khi giá bán thứ cấp tiếp tục đà giảm.

Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố, biệt thự tiếp tục giảm so với năm 2022, dự kiến khoảng 5.500 căn. Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với khoảng 1.700 căn, theo sau là Long An khoảng 1.400 căn, Bình Dương khoảng 1.200 căn và TPHCM dao động khoảng 700 căn, chủ yếu tập trung ở khu Đông. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì mức ổn định trong năm 2023, các chính sách chiết khấu hướng đến khách hàng thanh toán nhanh.

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm thuận lợi cho người dân sở hữu nhà ở

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì Luật có tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; hướng tới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai đang được sửa đổi; cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án, chuyển nhượng dự án cho phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu của từng địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030.

Hải Phòng muốn xây dựng “siêu đô thịgần 1 tỷ USD

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng vừa thông báo mời gọi các nhà đầu tư thực hiện loạt dự án đô thị tại các quận, huyện. Trong đó, nổi bật nhất dự án Khu đô thị mới tại quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy với vốn đầu tư dự kiến hơn 21.600 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hải Phòng vừa thông báo mời các nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện hàng loạt dự án phát triển đô thị , tạo quỹ nhà ở thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội tại một số quận, huyện trọng điểm.

Nổi bật nhất là Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy. Dự án này có quy mô khoảng 240,6ha, bao gồm các diện tích đất thuộc quận Dương Kinh (107,3ha) và huyện Kiến Thụy (133,3ha).

Trong đó, dự kiến xây tòa chung cư cao tầng (nhà ở xã hội) 13,9ha với tổng diện tích sàn 232.000m2; khoảng 5.000 căn nhà ở liền kề trên tổng diện tích 36,6ha; khoảng 1.300 căn biệt thự trên diện tích 18,8ha.

Ngoài ra, trong khu đô thị mới Dương Kinh - Kiến Thụy sẽ xây dựng 1 trường THPT, 5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS và 1 trường liên cấp; hệ thống giao thông kết nối nội bộ; công viên cây xanh…

Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 23.200 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án hơn 21,600 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi hoàn thành, dự án với hệ thống hạ tầng đồng bộ, góp phần phát triển đô thị cửa ngõ phía Nam thành phố, tạo quỹ nhà ở, công trình công cộng, thương mại dịch vụ và cây xanh cảnh quan… phục vụ cuộc sống của nhân dân.

Kiên Giang đề xuất xây cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá hơn 25.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất trung ương đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá, với tổng mức đầu tư 25.643 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027.

Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Không thêm điều kiện với chủ đầu tư xây nhà ở xã hội
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngày 24/2, ông Đặng Vũ Bằng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh vừa có tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 86,65km, với quy mô 4 làn xe, mặt cắt nền đường rộng 24,75m.

Tuyến đường sẽ đi qua các địa phương: Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành và TP Rạch Giá (Kiên Giang). Diện tích sử dụng đất khoảng 634ha, số hộ bị ảnh hưởng thu hồi đất khoảng 3.064 hộ.

Tuyến đường có điểm đầu: Km0+000, giao với quốc lộ 80-Km202+700 (nút giao Thuận Yên). Điểm cuối: Km89+800, kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

Tổng mức đầu tư dự án là 25.643 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.800 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 17.400 tỷ đồng và chi phí khác… Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, việc đề xuất dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá nhằm thực hiện theo quy hoạch, kết nối tuyến giao thông, mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung; đảm bảo quốc phòng - an ninh.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto