Tin bất động sản ngày 7/7: TP HCM được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha

10:15 | 07/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Công ty Nhật rót hơn 20 triệu USD vào dự án ở Yên Bái; Gia Lai kiên quyết cắt hợp đồng các nhà thầu không đảm bảo tiến độ; Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đô thị hơn 4.300 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 6/7: Đồng Nai thanh tra dự án du lịch sinh thái thác Giang ĐiềnTin bất động sản ngày 6/7: Đồng Nai thanh tra dự án du lịch sinh thái thác Giang Điền
Tin bất động sản ngày 5/7: Hà Nội sẽ giải quyết 712 dự án chậm triển khaiTin bất động sản ngày 5/7: Hà Nội sẽ giải quyết 712 dự án chậm triển khai

TP. HCM được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2023.

Tin bất động sản ngày 7/7: TP HCM được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Nghị quyết, đối với dự án sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác, HĐND TP HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng do HĐND quy định.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Ngoài ra, về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. TP HCM xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh;

Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

HĐND TP HCM quyết định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Công ty Nhật rót hơn 20 triệu USD vào dự án ở Yên Bái

UBND tỉnh Yên Bái vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư và động thổ dự án nhà máy nhiên liệu sinh khối với tổng mức đầu tư khoảng 20,4 triệu USD tại huyện Văn Yên.

Ngày 6/7, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) tổ chức lễ động thổ dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái.

Theo đó, công ty Nhật sẽ đầu tư với tổng vốn dự kiến gần 475 tỷ đồng, tương đương 20,4 triệu USD. Quy mô thực hiện dự án trên 3 ha, với mục tiêu sản xuất viên nén sinh khối và dăm gỗ.

Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm; dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm; kinh doanh 350.000 tấn sản phẩm dăm gỗ/năm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - đánh giá dự án sản xuất viên nén gỗ của Công ty cổ phần Erex và Công ty Năng lượng xanh Sakura phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái.

Ngoài ra, dự án này cũng phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng của Việt Nam về mức 0 vào năm 2050.

Theo ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Erex, nhà máy sản xuất viên nén được xây dựng nhằm đảm bảo nguồn nhiên liệu sinh khối trước khi xây dựng Nhà máy điện sinh khối mới ở tỉnh Yên Bái. Đây là dự án đầu tiên được triển khai trong số 14 dự án của Công ty cổ phần Erex tại Việt Nam.

"Dự án sẽ góp phần hiện thực hóa chính sách giảm phát thải ròng của Việt Nam, cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy phục hồi nền kinh tế", ông Honna Hitoshi nói.

Chúc mừng Tập đoàn Erex và tỉnh Yên Bái, ông Motoo Hayashi, Tổng thư ký Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam cho rằng, đây là nơi sẽ xây dựng nhà máy điện sinh khối quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, hứa hẹn một bước tiến nhảy vọt của lĩnh vực phát điện sinh khối tại Việt Nam trong tương lai.

Gia Lai kiên quyết cắt hợp đồng các nhà thầu không đảm bảo tiến độ

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành văn bản số 1656 về việc triển khai Thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên giải trình về “Các dự án đầu tư công chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến 2023”.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuân thủ nghiêm các quy định về đầu tư công, bám sát vào mục tiêu, yêu cầu khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán, dàn trải, kéo dài (đặc biệt các danh mục dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia).

Đồng thời, lưu ý các đơn vị liên quan cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng. Cùng với đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; thực hiện giải ngân ngay khi có khối lượng.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề nghị cần kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng.

UBND tỉnh Gia Lai cũng đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tính toán, rà soát các nguồn vốn để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cho các dự án lớn, quan trọng, cấp thiết và các dự án đã quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Đối với dự án Đường Hoàng Sa nối dài (đoạn nối từ đường Trường Chinh đến đường Nguyễn Chí Thanh, địa phận TP.Pleiku) để đảm bảo không bị Trung ương thu hồi số vốn 131,4 tỷ đồng, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND TP.Pleiku đề xuất phương án xử lý số vốn trên và các bước, quy trình, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Riêng các dự án vướng mặt bằng thi công, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương, các chủ đầu tư tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chậm trễ, không có mặt bằng thi công dẫn đến mất vốn.

Các dự án vướng mặt bằng thi công gồm: Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19); dự án đường liên huyện Chư Pưh - Chư Sê - Chư Prông; cầu qua sông Ayun vào xã Ia Yeng (từ Quốc lộ 25 đi xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện); đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ Trường Chinh đến Lê Duẩn, địa phận TP Pleiku)…

Vĩnh Phúc: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đô thị hơn 4.300 tỷ đồng

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án số 2 Khu đô thị mới phía Nam thành phố Vĩnh Yên trên địa bàn thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên với tổng diện tích gần 50ha, quy mô dân số hơn 8.000 người.

Tin bất động sản ngày 7/7: TP HCM được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Dự án Khu đô thị mới phía Nam thành phố Vĩnh Yên dự kiến có tổng mức đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu. Tiến độ thực hiện dự án khoảng 57 tháng; thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận nhà đầu tư.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra sản phẩm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thương mại gồm 585 lô biệt thự và 245 lô nhà ở liền kề thương mại; xây dựng gần 1.300 căn nhà ở xã hội; hệ thống các công trình thương mại phục vụ người dân trong và ngoài khu đô thị theo quy định.

Cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật như giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, thông tin liên lạc, vườn hoa cây xanh, thể dục thể thao…; hạ tầng xã hội bao gồm trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, không gian công cộng… được đầu tư đồng bộ theo dự án.

Đây là dự án đô thị quan trọng nhằm cụ thể hóa Đồ án quy hoạch phân khu B1 tỷ lệ 1/2.000 phát triển đô thị du lịch xung quanh hồ điều hòa thuộc huyện Bình Xuyên, Yên Lạc và thành phố Vĩnh Yên đã được phê duyệt.

Đồng thời, tạo nên một khu đô thị mới hiện đại, đẹp về mặt không gian kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội, góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)