Tin bất động sản ngày 3/7: Bắc Giang sắp có "siêu dự án" đô thị sân golf hơn 6.000 tỷ đồng

10:00 | 03/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Một Tập đoàn Nhật Bản muốn rót 400 triệu USD làm KCN 650 ha ở Thanh Hóa; Thaiholdings muốn hợp tác với DIC Corp làm Khu đô thị Đại Phước hơn 7.500 tỷ đồng; Khánh Hòa quy hoạch 2 phân khu đô thị ở Khu kinh tế Vân Phong… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 1/7: 5 tỉnh bị đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phépTin bất động sản ngày 1/7: 5 tỉnh bị đề nghị điều tra việc buôn bán đất hiếm trái phép
Tin bất động sản tuần qua: 62 dự án ở TP HCM không đủ điều kiện làm nhà ở thương mạiTin bất động sản tuần qua: 62 dự án ở TP HCM không đủ điều kiện làm nhà ở thương mại

Bắc Giang sắp có "siêu dự án" đô thị sân golf hơn 6.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang và xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng.

Tin bất động sản ngày 3/7: Bắc Giang sắp có
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mục tiêu chính của dự án là từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, liên kết hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với các khu vực lân cận, nhằm tạo ra một kết cấu hạ tầng đô thị hoàn chỉnh. Đây cũng là phần quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực xung quanh.

Dự án sẽ khai thác tiềm năng và lợi thế về cảnh quan và sinh thái của núi Nham Biền, từ đó hình thành một khu vui chơi giải trí cao cấp, đáp ứng các yêu cầu về dân cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường. Mục tiêu là đảm bảo phát triển bền vững và tận dụng hiệu quả tiềm năng của quỹ đất đô thị trong khu vực, đồng thời đáp ứng nhu cầu về chỗ ở đô thị của người dân.

Dự án đô thị sân golf này bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như đường, cầu, hệ thống điện và nước. Ngoài ra, dự án cũng sẽ xây dựng các loại hình nhà ở, bao gồm lô đất để xây thô và các căn nhà đã hoàn thiện mặt tiền. Các cơ sở thể thao cũng sẽ được xây dựng để phục vụ cộng đồng, cùng với sân golf hiện đại và các câu lạc bộ thể thao khác.

Dự án cũng sẽ có nhà hàng và dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, cho thuê thiết bị thể thao và vui chơi giải trí, cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn ngày và kinh doanh bất động sản đối với phần đất ở Nhà nước giao cho nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có bán nhà ở cho các căn đã xây thô và đã hoàn thiện mặt tiền, bán căn hộ chung cư cao tầng, bán và cho thuê căn hộ nhà ở xã hội, cho thuê công trình thương mại - dịch vụ. Dự án cũng đầu tư xây dựng và kinh doanh các cấp trường học từ mầm non đến trung học cơ sở.

Tổng diện tích đất thực hiện dự án là khoảng 134,01 ha, trong đó khu vực phát triển du lịch thể thao và sân golf chiếm diện tích lớn nhất với 88,18 ha, còn lại là khu vực phát triển đô thị với diện tích 45,83 ha.

Tổng mức đầu tư của dự án là 6.380.586 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng dự án được ước tính là 566.502 tỷ đồng.

Thời gian hoạt động của dự án dự kiến là 50 năm, tính từ ngày chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.

Một Tập đoàn Nhật Bản muốn rót 400 triệu USD làm KCN 650 ha ở Thanh Hóa

Mới đây, tại UBND tỉnh Thanh Hóa diễn ra buổi làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sumitomo Corporation về việc thực hiện việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN phía Tây TP Thanh Hóa; trung tâm tiếp vận và phát triển đô thị xung quanh KCN tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Dự án KCN phía Tây TP Thanh Hóa tại tỉnh Thanh Hóa với diện tích phát triển dự kiến quy mô 650 ha và tổng vốn đầu tư dự án khoảng 400 triệu USD (tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng). Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025.

Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ nghiên cứu phát triển trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh KCN với diện tích phát triển dự kiến khoảng 168,5 ha.

Ông Takashi Yanai, thành viên ban điều hành Tập đoàn Sumitomo Corporation, Tổng quản lý Ban Kinh doanh Hạ tầng tiếp vận chia sẻ, đây là KCN thứ 5 mà tập đoàn triển khai đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn Sumitomo Corporation kỳ vọng sẽ phát triển KCN phía Tây TP Thanh Hóa thành KCN hàng đầu về chất lượng, thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản có công nghệ hiện đại, gia tăng nhiều sản phẩm công nghiệp chất lượng và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Ông Takashi Yanai cũng đề xuất, quá trình thực hiện dự án sẽ có nhiều thủ tục pháp lý cần hoàn thiện với các bộ, ngành Trung ương và mong muốn tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tập đoàn để dự án sớm đi vào giai đoạn triển khai. Tập đoàn Sumitomo Corporation sẽ nỗ lực khảo sát và thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật để dự án đi vào hiện thực trong thời gian sớm nhất.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 17 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chiếm tới 86% số vốn (12,532 tỷ USD). Trong đó, số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI và đang là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thaiholdings muốn hợp tác với DIC Corp làm Khu đô thị Đại Phước hơn 7.500 tỷ đồng

Mới đây, Công ty cổ phần Thaiholdings (mã:THD) đã gửi thư ngỏ tới Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp; mã:DIG) với mong muốn hợp tác đầu tư tại dự án Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Đồng Nai.

Theo thư ngỏ, Thaiholdings cho hay được biết DIC Corp hiện là chủ đầu tư của dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai và đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư phát triển đối với dự án khu biệt thự cao cấp ven sông thuộc PK8 và khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước thuộc PK2,3 của dự án.

Qua nghiên cứu sơ bộ về dự án, Thaiholdings đánh giá đây là cơ hội tiềm năng để hai bên cùng phát triển. Vì vậy, bằng thư ngỏ này Thaiholdings mong muốn có cơ hội được hợp tác cùng DIC Corp.

Theo giới thiệu của Thaiholdings, công ty tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành, hoạt động đa ngành nghề. Có năng lực tài chính và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây dựng, Thaiholdings là tổng thầu của các dự án lớn, trọng điểm với tổng giá trị hợp đồng đã và đang thực hiện đến nay gần 40.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Thaiholdings cho biết công ty còn là chủ đầu tư nhiều dự án như: Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam), Nhà máy xi măng Xuân Thành (Hà Nam), Nhà máy xi măng Minh Tâm (Bình Phước); các dự án Thủy điện tại Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Nhà máy điện mặt trời Ea Súp (Đắk Lắk); Nhà máy sản xuất thiết bị điện mặt trời tại Hòa Bình; Nhà máy điện mặt trời Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận và chủ đầu tư nhiều dự án khu đô thị tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Về dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước, vào tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có kết luận đối với chủ trương góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để thực hiện dự án cấp 2 theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước, UBND tỉnh Đồng Nai, DIC Corp căn cứ các quy định pháp luật liên quan, rà soát toàn diện về pháp lý hồ sơ nêu trên, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước tại Đồng Nai có quy mô 465ha với tổng vốn đầu tư 7.506 tỷ đồng.

Khánh Hòa quy hoạch 2 phân khu đô thị ở Khu kinh tế Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn và Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông của Khu kinh tế Vân Phong.

Tin bất động sản ngày 3/7: Bắc Giang sắp có
Khánh Hòa quy hoạch 2 phân khu đô thị ở Khu kinh tế Vân Phong/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn thuộc 19 phân khu trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Nơi đây bao gồm khu vực đất liền khoảng 4.445ha, vùng mặt nước biển khoảng 3.831ha.

Phân khu này được quy hoạch là khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, cảng biển quốc tế. Dự báo, phân khu có khoảng 29.000 người, trong đó khoảng 17.000 dân thường trú và khoảng 12.000 dân quy đổi.

Còn khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông có tổng diện tích khoảng 6.631ha thuộc các xã: Vạn Thọ, Vạn Bình, Vạn Phước, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Long của huyện Vạn Ninh. Phân khu này bao gồm khu vực đất liền khoảng 5.386ha, vùng mặt nước biển khoảng 1.245ha.

Nơi đây được quy hoạch là khu đô thị, dịch vụ, tài chính, văn phòng. Dự báo, có khoảng 122.000 người, trong đó khoảng 107.200 dân số thường trú và khoảng 14.800 dân số quy đổi.

Mục tiêu quy hoạch khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông nhằm tổ chức các trung tâm dịch vụ công cộng ven biển để làm tăng giá trị chung của toàn khu vực.

Cùng với đó là khu đô thị gần kề sân bay, đáp ứng nhu cầu phát triển đa chức năng cao cấp, thương mại dịch vụ, trung tâm nghiên cứu, cảng hàng không, bến thủy phi cơ, tổ chức hội nghị hội thảo, du lịch kết hợp đô thị biển, công viên chuyên đề, du lịch cộng đồng…

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết vào tháng 10/2023 và phê duyệt đồ án quy hoạch vào tháng 11/2023 đối với 2 phân khu trên. Đồ án quy hoạch nếu được phê duyệt sẽ nâng quy mô dân số tổng của 2 phân khu nói trên hơn 140.000 người.

Trước đó, vào cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu kinh tế Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha, với phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền và đảo hơn 70.000ha.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)