Tin bất động sản ngày 30/10: Vì sao cư dân chung cư Tecco Skyvillen vẫn chưa được sổ hồng?

10:00 | 30/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bình Định đấu giá đất thực hiện dự án chung cư hỗn hợp hơn 3.000 tỷ đồng; Bắc Giang khoanh lại phần đất chưa GPMB tại 2 dự án KĐT thị trấn Vôi; Nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 28/10: Vì sao TP HCM thu hồi nhà, đất của Công ty Vissan?Tin bất động sản ngày 28/10: Vì sao TP HCM thu hồi nhà, đất của Công ty Vissan?
Tin bất động sản tuần qua: TP HCM rà soát cấp sổ đỏ cho nhà đất mua bán bằng giấy viết tayTin bất động sản tuần qua: TP HCM rà soát cấp sổ đỏ cho nhà đất mua bán bằng giấy viết tay

Tại sao cư dân chung cư Tecco Skyvillen vẫn chưa được sổ hồng?

Thời gian qua, nhiều cư dân chung cư Tecco Skyvillen (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) bức xúc tố chủ đầu tư Tập đoàn Tecco - Chi nhánh Hà Nội (gọi tắt là Tecoo) không làm thủ tục cấp sổ đỏ cho cư dân sau hơn 5 năm nhận nhà.

Tin bất động sản ngày 30/10: Vì sao cư dân chung cư Tecco Skyvillen vẫn chưa được sổ hồng?
Cư dân chung cư Tecco Skyvillen yêu cầu trả sổ hồng.

Theo nội dung đơn, năm 2018, 2019, cư dân chung cư Tecco Skyvillen được chủ đầu tư bàn giao nhà về ở. Trong quá trình ký kết hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ cho người mua trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bên mua hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Sau khi ký kết hợp đồng, chủ đầu tư đã yêu cầu cư dân thanh toán hết 100% giá trị hợp đồng mua nhà, trong đó 5% tiền làm thủ tục cấp sổ đỏ . Vì tin tưởng vào uy tín của chủ đầu tư, nhiều người dân đã đóng 100% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm mua nhà đến này đã 6 năm, toàn bộ cư dân chưa nhận được sổ đỏ theo cam kết.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ phòng Tài chính của Tecco cho hay, việc chậm trễ làm sổ đỏ một phần do lỗi của chủ đầu tư.

Theo ông Trung, mọi thủ tục pháp lý thực hiện dự án đều đầy đủ; Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng cũng đã cấp phép cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng và bàn giao nhà cho cư dân. Tuy nhiên, việc thẩm định hồ sơ làm sổ đỏ có một vướng mắc do điều chỉnh thiết kế, nên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa thẩm định xong hồ sơ.

Theo kết quả đấu thầu, chung cư Tecco Skyvillen được cấp phép xây 18 tầng. Nhưng khi trúng thầu, thực hiện dự án Tecco xin thay đổi thiết kế, nâng từ 18 lên 30 tầng và điều chỉnh. Việc xin thay đổi quy hoạch, thiết kế tòa nhà đều được UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan chức năng chấp thuận.

“Vướng mắc lớn nhất, việc điều chỉ dự án phần phát sinh, cơ quan thuế Hà Nội chưa tính tiền thuế phát sinh là bao nhiêu để doanh nghiệp nộp. Việc phát sinh thuế, Cục Thuế Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có thông báo. Vì vậy, khi chúng tôi chuyển hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để thẩm định làm sổ đỏ cho cư dân thì thiếu khoản thuế phát sinh, nên hồ sơ chưa được thẩm định”, ông Trung cho biết.

Tecoo đang đề nghị với Cục Thuế TP. Hà Nội cho phép tập đoàn nộp trước 20 tỷ đồng tiền thuế phát sinh, nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành việc làm sổ cho người dân, nhưng việc này vẫn chưa được chấp thuận. “Tecoo cố gắng phối hợp với cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc và hoàn thành cấp sổ đỏ cho cư dân trong Quý I, năm 2024”, ông Trung khẳng định.

Bình Định đấu giá đất thực hiện dự án chung cư hỗn hợp hơn 3.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định về việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp tại khu đất số 72B đường Tây Sơn, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.

Theo đó, khu đất đấu giá có diện tích 7.094 m2, tại 72B đường Tây Sơn, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn. Ranh giới cụ thể có phía Đông giáp đường Tây Sơn; phía Tây giáp khu dân cư; phía Nam giáp đường Bế Văn Đàn; phía Bắc giáp đường Tống Phước Phổ.

Khu đất nói trên có 6.307,5 m2 đất ở để xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp và 786,5 m2 đất giao thông - hạ tầng kỹ thuật (vỉa hè ngoài ranh thực hiện dự án).

Dự án Xây dựng nhà ở chung cư hỗn hợp tại khu đất số 72B đường Tây Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng tối đa 4 tầng hầm; từ 35 - 46 tầng nổi (chưa bao gồm tầng tum, tầng kỹ thuật, tầng lánh nạn). Diện tích xây dựng tầng hầm được quy định tối đa 6.307,5m2 /01 tầng hầm. Tổng số căn hộ tối đa là 1.298 căn (trung bình 65m2 /căn),…

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu đất số 72B, đường Tây Sơn, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, đồng thời tạo quỹ đất ở để đầu tư xây dựng nhà chung cư hỗn hợp nhằm chỉnh trang đô thị.

Bắc Giang khoanh lại phần đất chưa GPMB tại 2 dự án KĐT thị trấn Vôi

Mới đây, tại buổi làm việc với ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình thực hiện một số dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) ở huyện Lạng Giang, đại diện huyện này cho biết, trên địa bàn đang triển khai 32 dự án KĐT, KDC với diện tích hơn 450 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5,3 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, trọng điểm có 20 dự án do UBND tỉnh Quyết định đầu tư theo các hình thức thu hút đầu tư từ vốn ngoài ngân sách nhà nước, với quy mô 363,4 ha, tổng vốn đầu tư 4.238 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện những dự án này còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Ví dụ, dự án KĐT phía Tây thị trấn Vôi, được khởi công từ năm 2015 và kéo dài đến tháng 12/2023, với quy mô diện tích 78,62 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 802 tỷ đồng. Tuy đã tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho nhà đầu tư, nhưng công việc này chưa hoàn tất do một số hộ dân chưa đồng thuận.

Dự án KĐT phía Đông thị trấn Vôi cũng đang gặp khó khăn, dự án này bao gồm quá trình hoàn thành giải phóng mặt bằng cho 55,27 ha/56,05 ha diện tích, vẫn còn 1,7 ha chưa hoàn thành giải phóng.

Huyện Lạng Giang đã đề xuất nhiều giải pháp như thu hồi đất đối với các dự án kéo dài, cưỡng chế, và tập trung vào các kế hoạch liên quan đến giao thông, quy hoạch, và việc ủy quyền cho địa phương để tận dụng tối đa tiềm năng phát triển của khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã đồng tình với các đề xuất này và nêu rõ sự cần thiết của việc hoàn tất các dự án kéo dài để tập trung vào nhiệm vụ khác. Đồng thời, ông cũng giao cho các cơ quan chuyên môn nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các điều chỉnh và quyết định cần thiết.

Nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất

Cách TP Quảng Ngãi khoảng 30km về hướng Đông Bắc, TP Vạn Tường (nay là khu đô thị Vạn Tường) với quy mô thiết kế lên đến hơn 3.800 ha, là nơi sinh sống của khoảng 20.000 dân. Thế nhưng, đến nay có rất nhiều dự án tiền tỷ trong khu đô thị này hoạt động cầm chừng hoặc phải bỏ hoang gây lãng phí.

Tin bất động sản ngày 30/10: Vì sao cư dân chung cư Tecco Skyvillen vẫn chưa được sổ hồng?
Nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Có thể kể đến khu biệt thự Thiên Tân, nơi đây từng là nơi phục vụ ăn nghỉ cho gần 900 chuyên gia, kỹ sư xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, tuy nhiên gần 10 năm nay, khu biệt thự này vắng bóng khách.

Theo tìm hiểu, năm 2005, tỉnh Quảng Ngãi giao CTCP Đầu tư & Xây dựng Thiên Tân khảo sát tại Khu kinh tế Dung Quất tìm địa điểm phù hợp xây dựng khu nhà ở cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư. Công ty đã chọn khu đất đắc địa rộng 22ha ở trên quả đồi cao, không gian mở về hướng biển giữa đô thị mới Vạn Tường.

Đến tháng 7/2006, 72 biệt thự, cùng 160 phòng đơn lập và hai khu dịch vụ gồm hồ bơi, sân tennis, siêu thị mini hoàn thành với tổng vốn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6/2010, khi các chuyên gia, kỹ sư lần lượt về nước, nơi đây rơi vào tình cảnh hoang vắng cho mãi đến nay.

Cách khu biệt thự Thiên Tân không xa là Bệnh viện đa khoa Dung Quất, được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với số vốn 75 tỷ đồng vào năm 2004.

Bệnh viện này được xây dựng với quy mô bệnh viện hạng 2 phục vụ cho người dân Khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên, bệnh viện này cũng hoạt động không hiệu quả, vắng người đến khám chữa bệnh và trở thành cơ sở 2 của Trung tâm y tế huyện Bình Sơn.

Bên trong khu đô thị Vạn Tường nhiều công trình dang dở, dần sụp đổ hiện ra. Trung tâm văn hóa - thể thao Dung Quất là một điển hình. Sau một thời gian không hoạt động, công trình này rơi vào tình cảnh hoang tàn, hư hỏng nặng, cỏ dại mọc um tùm.

Theo tìm hiểu, những dự án bỏ hoang, dở dang trong đô thị Vạn Tường chủ yếu là dịch vụ, giải trí đầu tư để phục vụ cho chuyên gia, người lao động. Nhưng, do nhu cầu phát triển chậm của đô thị Vạn Tường, nên phần lớn dự án đang xây dựng thì thua lỗ, phải dừng lại.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng ( T/h)