Tin bất động sản ngày 24/1: Vì sao Hà Nội thu hồi hơn 4.000m2 đất của Công ty CP Bất động sản AIC?

10:05 | 24/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tập đoàn Hà Đô đề xuất làm cụm công nghiệp 100 ha ở Ninh Thuận; Khởi công cụm công nghiệp hơn 50ha tại Quảng Ngãi; Tập đoàn TH đề xuất thực hiện dự án khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng tại Lâm Đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 23/1: 80% đơn vị môi giới rời bỏ thị trườngTin bất động sản ngày 23/1: 80% đơn vị môi giới rời bỏ thị trường
Tin bất động sản ngày 22/1: Trả hồ sơ xin cấp phép cho tòa nhà CLB golf ở Đồi Cù - Đà LạtTin bất động sản ngày 22/1: Trả hồ sơ xin cấp phép cho tòa nhà CLB golf ở Đồi Cù - Đà Lạt

Tại sao Hà Nội thu hồi hơn 4.000m2 đất của Công ty CP Bất động sản AIC?

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT) vừa có thông báo gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai đối với Công ty cổ phần Bất động sản AIC.

Tin bất động sản ngày 24/1: Vì sao Hà Nội thu hồi hơn 4.000m2 đất của Công ty CP Bất động sản AIC?
Khu đất rộng 4.065m2 vừa bị UBND TP Hà Nội thu hồi/Ảnh: Vĩnh Hoàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Sở TN&MT Hà Nội thông báo thu hồi đối với diện tích 4.065m2 đất tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) của Công ty cổ phần Bất động sản AIC thuê do vi phạm pháp luật về đất đai.

Lô đất này được UBND TP. Hà Nội cho công ty thuê theo Quyết định số 3713/QĐ-UBND ngày 29/7/2010 để thực hiện Dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh.

Vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi được xác định tại Trích lục bản đồ số 139/TĐ-09, tỷ lệ 1/1000 ngày 31/7/2009 của Sở TN&MT Hà Nội.

Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Bất động sản AIC nộp lại các Quyết định số 3713/QĐ-UBND ngày 29/7/2010 của UBND thành phố; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI 486599 ngày 25/10/2012 và các giấy tờ có liên quan đến diện tích 4.065m2 đất thu hồi nêu trên. Đồng thời, bàn giao diện tích 4.065m2 đất thu hồi trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội).

Sở TN&MT Hà Nội giao Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội liên hệ nhận bàn giao mốc giới trên bản đồ và ngoài thực địa lô đất diện tích 4.065m2 nói trên. Đồng thời, quản lý chặt chẽ diện tích đất được giao, đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

UBND quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức thực hiện thu hồi và quản lý diện tích 4.065m2 đất thu hồi từ Công ty cổ phần bất động sản AIC.

Trước đó, ngày 6/11/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5672/QĐ-UBND về việc thu hồi diện tích 4.065m2 đất tại xã Xuân Đỉnh, huyện Bắc Từ Liêm (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) do công ty cổ phần Bất động sản AIC thuê để thực hiện Dự án xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh nhưng vi phạm pháp luật về đất đai.

UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT Hà Nội thông báo việc thu hồi đất đối với công ty AIC theo quy định.

Được biết, trước khi bị thu hồi nơi đây là khu đất trống bỏ hoang, xung quanh được quây tôn kín mít, các cánh cổng ra vào đều được khóa chặt.

Tập đoàn Hà Đô đề xuất làm cụm công nghiệp 100 ha ở Ninh Thuận

Theo thông tin từ Tập đoàn Hà Đô, mới đây công ty đã gửi công văn tới Sở Công thương Ninh Thuận về việc đề xuất chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư dự án các Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, tọa lạc gần Khu công nghiệp Cà Ná.

Trong đó, Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Cụm công nghiệp Phước Nam 2 đều có quy mô 50 ha.

Ngành nghề hoạt động của 2 cụm công nghiệp bao gồm: tập trung các ngành công nghiệp ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong đó ưu tiên sản xuất lắp ráp cơ khí, điện tử, tin học; vật liệu xây dựng; may mặc, giày da xuất khẩu...; các ngành khai khoáng, các ngành sản xuất điện, năng lượng mới như: Hydrogen, điện sinh khối...; các ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và các ngành nghề khác phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương.

Tập đoàn Hà Đô đánh giá Ninh Thuận có dư địa phát triển lớn, với vị trí cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Hiện tại, tỉnh này có 3 khu công nghiệp là Du Long, Phước Nam, Thành Hải với quy mô trên 855 ha, cùng Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827 ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khởi công cụm công nghiệp hơn 50ha tại Quảng Ngãi

Mới đây, Công ty CP ESG E&C đã khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Sơn - Đức Lân.

Cụm công nghiệp An Sơn - Đức Lân được triển khai trên khu đất rộng 50ha, tại thôn Tú Sơn II, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là dự án cụm công nghiệp đầu tiên ở Quảng Ngãi do doanh nghiệp tư nhân quản lý vận hành và đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Dự án có tổng vốn đầu tư 265 tỉ đồng, được triển khai với mục tiêu hình thành một cụm công nghiệp mới, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất có điều kiện phù hợp để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp tham gia đầu tư các loại hình công nghiệp…

Hiện dự án đã giải phóng mặt bằng được hơn 15ha (gần 30% diện tích) với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng và đã được UBND tỉnh cho chủ đầu tư thuê đất đợt 1 (hơn 11ha) để triển khai xây dựng dự án.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, đến năm 2030 tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.648ha. Trong đó có 6 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Dung Quất và 4 khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất.

Quy hoạch cũng định hướng việc thực hiện di dời 3 cụm công nghiệp, gồm 2 cụm ở thành phố Quảng Ngãi, gồm Cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây, Cụm công nghiệp phường Trương Quang Trọng và 1 cụm ở huyện Ba Tơ là Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ.

Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng 17 cụm công nghiệp hiện có và đề xuất thành lập mới 19 cụm công nghiệp.

Tập đoàn TH đề xuất thực hiện dự án khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng tại Lâm Đồng

Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng phát đi Thông báo số 464/TB-UBND, về kết luận của ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Tập đoàn TH về ý tưởng và đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, dự án Tổ hợp nhà máy tuyển bô-xít, chế biến Alumin, điện phân Nhôm Lâm Đồng 3 kết hợp các dự án mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn TH - Lâm Đồng.

Tin bất động sản ngày 24/1: Vì sao Hà Nội thu hồi hơn 4.000m2 đất của Công ty CP Bất động sản AIC?
Khu du lịch Quốc gia Đankia/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đồng thời, ngày 11/01/2024, Công ty cổ phần tập đoàn TH có Văn bản số 11A/2024/CV-THG, về việc cung cấp hồ sơ phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng.

Từ thực tiễn nói trên, UBND huyện Lạc Dương yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng, theo các nội dung đề nghị của Công ty cổ phần tập đoàn TH tại văn bản nêu trên.

Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Hạt Kiểm lâm, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, UBND thị trấn Lạc Dương chủ động phối hợp, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để tổng hợp.

Trước đó, vào năm 2023, UBND huyện Lạc Dương có Tờ trình gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch quốc gia Đankia - suối Vàng tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có diện tích 3.998,18ha, bao gồm 7 phân khu chức năng chính và 2 phân khu nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch và các khu chức năng khác năm ngoài phạm vi các phân khu.

Dự án Khu du lịch quốc gia Đankia - suối Vàng được đề xuất với tổng mức đầu tư 30.313 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu yêu cầu với nhà đầu tư tương đương 4.547 tỷ đồng; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 25.766 tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco