Tin bất động sản ngày 20/10: Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng không có nguồn cung mới

10:15 | 20/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Lâm Đồng ra "tối hậu thư" cho dự án Khu Du lịch Nam Hồ; Doanh nghiệp nào mua lại khách sạn của Bầu Đức?; Khánh Hòa còn 36 dự án cần xác định giá thu tiền sử dụng đất... là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 19/10: Long An xử phạt 14 công ty vi phạm trong lĩnh vực xây dựngTin bất động sản ngày 19/10: Long An xử phạt 14 công ty vi phạm trong lĩnh vực xây dựng
Tin bất động sản ngày 18/10: Bình Dương dành 10.000 ha đất quy hoạch thêm 15 KCNTin bất động sản ngày 18/10: Bình Dương dành 10.000 ha đất quy hoạch thêm 15 KCN

Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng không có nguồn cung mới

Mới đây, Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA công bố tại bản Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận quý III/2023.

Tin bất động sản ngày 20/10: Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng không có nguồn cung mới
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo DKRA, trong quý III/2023, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và vùng phụ cận tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới mở bán ở tất cả các phân khúc. Hầu hết nguồn cung thị trường đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án đã mở bán trước đó. Như vậy, đây là quý thứ hai liên tiếp của năm 2023 mà DKRA ghi nhận cho thấy bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và vùng phụ cận không có nguồn cung mới.

Cụ thể, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, trong quý III/2023, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong hơn một năm qua. Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp giảm xấp xỉ 59% so với cùng kỳ, giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án đã bàn giao nhà và được quản lý - vận hành bởi các đơn vị quốc tế 4 - 5 sao. Mặt bằng giá sơ cấp của các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 9,1 - 131,1 tỷ đồng/căn. Các chính sách chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất… vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi nhằm tăng thanh khoản.

Ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, DKRA cho biết thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch mới. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với cùng kỳ, dao động ở mức 7,1 - 16,3 tỷ đồng/căn. Giữa bối cảnh thị trường chung trầm lắng, tình hình du lịch chưa tăng trưởng như kỳ vọng, mặt bằng lãi suất tuy có hạ nhiệt nhưng vẫn khó tiếp cận… đã tác động tiêu cực đến thị trường khiến thanh khoản tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Phân khúc condotel cũng được ghi nhận không ghi nhận nguồn cung mới trong quý III/2023. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

DKRA đưa ra dự báo, trong quý IV/2023, nguồn cung loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận tiếp tục duy trì ở mức thấp. Thanh khoản thị trường dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, giãn tiến độ thanh toán… vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Lâm Đồng ra "tối hậu thư’’ cho dự án Khu Du lịch Nam Hồ

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có văn bản mời các đơn vị liên quan kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ tại dự án Khu du lịch Nam Hồ (đường Hùng Vương, phường 11, TP Đà Lạt).

Theo đó, dự kiến sáng ngày 20/10, đoàn công tác sẽ kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ tại dự án Khu du lịch Nam Hồ.

Việc kiểm tra nêu trên là nhằm thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại văn bản số 6975/UBND-VX2 ngày 10/08/2023 về việc xử lý kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu du lịch Nam Hồ của Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ.

Tại văn bản nói trên, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất các nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra tỉnh về thanh tra việc lập dự án, quá trình đầu tư và khai thác sử dụng tại dự án Khu du lịch Nam Hồ của Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, đất đai, xây dựng, lâm nghiệp.

Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, quản lý sử dụng các hạng mục công trình cũng như toàn bộ dự án đúng công năng theo giấy phép xây dựng và mục tiêu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ thủ tục về kinh doanh du lịch tại dự án đúng theo quy định; thực hiện khai báo lưu trú đối với khách du lịch (kể cả những người lưu trú lâu dài) tại dự án và kê khai, thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước đầy đủ, đúng quy định.

Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ phải khắc phục dứt điểm, triệt để toàn bộ các tồn tại, vi phạm tại dự án trong vòng 12 tháng (kể từ ngày 10/08/2023). Hết thời hạn trên mà Công ty vẫn không thực hiện dứt điểm thì Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét ngừng hoạt động dự án đầu tư theo quy định.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, hướng dẫn Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ thực hiện đầy đủ thủ tục kinh doanh du lịch tại dự án Khu du lịch Nam Hồ theo đúng quy định.

Sở Tài chính cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán và yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng du lịch Nam Hồ bồi thường thiệt hại do để mất rừng tại dự án.

Doanh nghiệp nào mua lại khách sạn của Bầu Đức?

Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố bán khách sạn ngay trung tâm thành phố Pleiku. Theo đó, bên mua là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai.

Được biết, doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT muốn bán tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku.

Khách sạn bao gồm 117 phòng ngủ, gồm 3 loại phòng Suite, Deluxe và Superior với không gian rộng rãi và đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là khách sạn và bất động sản nằm ở vị trí đắc địa cuối cùng của Bầu Đức.

Hoàng Anh Gia Lai thanh lý khách sạn này để thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL 2016 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Toàn bộ tiền bán bất động sản trên sẽ được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ trái phiếu này tại BIDV.

Về kết quả kinh doanh, trong tháng 9, doanh thu thuần của HAG đạt 679 tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi đạt 196 tỷ đồng; ngành cây ăn trái đạt 375 tỷ đồng và ngành phụ trợ đạt 108 tỷ đồng. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ từng ngành: Ngành chăn nuôi trong tháng đạt sản lượng 34.911 con heo thịt và ngành cây ăn trái đạt 38.469 tấn chuối.

Ngoài ra, HAG cũng ghi nhận khoản doanh thu khác về việc thanh lý tài sản với giá trị 180 tỷ đồng

Như vậy, doanh thu khác từ việc thanh lý tài sản mà HAG báo cáo nhiều khả năng đến từ thương vụ bán Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Bên mua là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai mới được thành lập khoảng ngày 20/6, tức chỉ mới 4 tháng trước. Công ty có trụ sở chính lại Đường 3/2, quận 10, TP.HCM. Lĩnh vực kinh doanh chính là hoạt động các câu lạc bộ thể thao. Công ty cũng hoạt động chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do 2 cổ đông sáng lập là ông Đỗ Xuân Đức và bà Nguyễn Thị Huyền. Trong đó, ông Đức sở hữu 49% vốn còn bà Huyền nắm 51% vốn. Ông Đức giữ chức danh Giám đốc công ty.

Ngoài Hoàn Sinh Gia Lai, ông Đức đang góp mặt trong một công ty khác với vai trò HĐQT. Bên cạnh đó, ông Đức hiện còn làm Giám đốc Công ty CP Làng quê Việt.

Khánh Hòa còn 36 dự án cần xác định giá thu tiền sử dụng đất

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xác định giá đất, nhất là đối với các dự án khắc phục. Trong trường hợp không thuê được đơn vị tư vấn, Sở Tài nguyên và Môi trường tự xây dựng phương án giá đất trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất.

Tin bất động sản ngày 20/10: Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng không có nguồn cung mới
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong tham luận gửi tới Hội thảo Chuyên đề: “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động Kiểm toán Nhà nước”, do Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, dựa trên kế hoạch định giá đất giai đoạn 2021 - 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt và cập nhật của các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Hội đồng thẩm định giá đất, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt 138 hồ sơ giá đất cụ thể để phục vụ công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh.

Các dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Nha Trang - Vân Phong; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; tuyến đường điện công trình đường dây 220kV

18 Nha Trang - Tháp Chàm; công trình Đường dây 220KV Krông Buk - Nha Trang mạch 2; Vân Phong - Vĩnh Tân; 7 khu tái định cư phục vụ cao tốc; dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang... đã kịp thời đáp ứng kế hoạch giải ngân đầu tư công của tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành xác định giá đất đối với 5 dự án khắc phục, bao gồm: The Horizon; Dịch vụ Văn hóa Sao Việt; The Arena; Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú; The Luna. Đồng thời, tỉnh phê duyệt thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với dự án Khu căn hộ dịch vụ Phước Long.

Tính đến hiện tại, Khánh Hòa còn tồn đọng 36 dự án cần xác định giá thu tiền sử dụng đất. Trong đó, 12 dự án đã ký hợp đồng tư vấn xác định giá, đang trong quá trình hoàn thiện chứng thư và 24 dự án đang mời gọi tư vấn, thương thảo hợp đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)