Tiểu sử Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres

06:22 | 20/10/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi hành động vì nhân quyền; nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa thường trực, tiếp tục gây bất ổn cho nhiều quốc gia
Tin Bộ Ngoại giao: Tiêu sử Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres

1. Năm sinh: 30/4/1949.

2. Quốc tịch: Bồ Đào Nha.

3. Sự nghiệp:

- 2017 – nay: Tổng Thư ký của Liên hợp quốc (người thứ chín giữ vị trí này kể từ khi LHQ được thành lập).

- 2005 - 2015: Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).

- 2002 - nay: Thành viên Câu lạc bộ Madrid (một liên minh lãnh đạo dân chủ của các cựu Tổng thống, Thủ tướng của các nước trên thế giới).

- 2000: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu.

- 1999 - 2005: Chủ tịch Tổ chức Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế (một tổ chức của các đảng chính trị dân chủ xã hội trên thế giới).

- 1995 - 2002: Thủ tướng Bồ Đào Nha.

- 1992 - 1999: Phó Chủ tịch Tổ chức Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế, kiêm đồng Chủ tịch của Ủy ban châu Phi và sau đó là Ủy ban Phát triển của Tổ chức này.

-1991 - 2002: Thành viên của Hội đồng Nhà nước Bồ Đào Nha.

-1981 - 1983: Thành viên của Hội đồng Nghị viện Hội đồng Châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Dân số, di cư và người tị nạn.

- 1976 - 1993: Thành viên Quốc hội Bồ Đào Nha; Chủ tịch Ủy ban Nghị viện Kinh tế, Tài chính, Kế hoạch; Ủy ban Nghị viện Hành chính lãnh thổ, Đô thị và Môi trường.

- Đầu thập niên 1970: Người sáng lập ra Hội đồng Người tị nạn Tây Ban Nha, Hiệp hội Người tiêu dùng Tây Ban Nha DECO.

4. Học vấn: Bằng Kỹ sư, Học viện Instituto Superior Tecnico

5. Ngoại ngữ: Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

6. Gia đình: Vợ là bà Catarina de Almeida Vaz Pinto, Thành viên Hội đồng Văn hóa của Thành phố Lisbon; có hai con, một con trai riêng và ba cháu.

***

Các ưu tiên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres

I. Ưu tiên trong nhiệm kỳ 2 (2021-2026)

1. Ứng phó với dịch COVID-19 và các hậu quả của đại dịch: xây dựng một kế hoạch ứng phó toàn diện với dịch COVID-19, bao gồm các biện pháp y tế, nhân đạo, chính sách, khắc phục các hậu quả và thúc đẩy sự phục hồi về kinh tế-xã hội. Các biện pháp cụ thể bao gồm: (i) đẩy lùi dịch bệnh thông qua đảm bảo tiếp cận vắc-xin cho mọi người dân trong thời gian sớm nhất; (ii) phục hồi kinh tế-xã hội, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và thu nhập trung bình đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh thông qua các biện phát phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, xóa đói giảm nghèo; (iii) chuẩn bị các kế hoạch ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch trong tương lai.

2. Đảm bảo hòa bình và an ninh: Tăng cường trao đổi, phối hợp với các nước thành viên để nâng cao năng lực ngăn ngừa xung đột của hệ thống LHQ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế mà trọng tâm là Hiến chương LHQ; phát huy vai trò trung gian, hòa giải của Tổng thư ký; xây dựng một tầm nhìn mới về hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và tiến trình giải trừ quân bị; thúc đẩy đối thoại trong chống phổ biển vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt, kiểm soát hiệu quả vũ khí thông thường và hoàn thiện các quy định đối với các loại vũ khí mới; thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ và thanh niên trong các tiến trình hòa bình; thúc đẩy các nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề khủng bố.

3. Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường: Kêu gọi đầu tư cho các biện pháp tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu; kêu gọi sự chuyển đổi xanh trong các ngành năng lượng, hàng không, giao thông vận tải, du lịch, hàng hải, nông nghiệp, công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

4. Thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua chương trình Thập kỷ Hành động, hướng tới một thế giới công bằng hơn: Thúc đẩy công bằng giữa các quốc gia, thúc đẩy đoàn kết xã hội, chống phân biệt đối xử trong mọi khía cạnh, bao gồm giới, chủng tộc, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người tị nạn và người mất nhà cửa, người vô gia cư; đảm bảo lương thực, dịch vụ y tế, nước sạch, vệ sinh, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội không phải là hàng hóa mà là quyền cơ bản của mỗi con người; kêu gọi đầu tư và hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện các SDGs; đảm bảo phát triển bao trùm, bền vững tại các quốc gia kém phát triển, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc gia đảo nhỏ; tăng cường sự phối hợp, giữa các cơ quan trong hệ thống LHQ nhằm giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển bền vững và nhân đạo một cách tổng thể, có tính liên kết và mang tính ngăn ngừa.

5. Đảm bảo quyền con người: Thúc đẩy quan tâm, nhận thức về quyền con người; gắn kết với các vấn đề hòa bình, phát triển, xóa đói giảm nghèo, tăng cường tiếp cận giáo dục và y tế cho người dân, tìm hiểu quan hệ giữa vấn đề nhân quyền với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, giải quyết khía cạnh nhân quyền trong lĩnh vực số và trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền mà không bị trừng trị, nâng cao khả năng tiếp cận nhân đạo và bảo vệ các nhà hoạt động nhân đạo; chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phát ngôn kích động thù hận; thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

6. Nâng cao bình đẳng giới: Thúc đẩy công nhận quyền của phụ nữ thông qua xóa bỏ các luật lệ mang tính phân biệt đối xử, thông qua các biện pháp thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ; đảm bảo quyền bình đẳng kinh tế của phụ nữ thông qua các biện pháp trả lương công bằng, bảo đảm việc làm, củng cố hệ thông chăm sóc và an sinh xã hội; nâng cao sức khỏe sinh sản và giới tính; xây dựng các kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến mang tính hệ thống về giới.

7. Tập trung vào con người: Bảo đảm người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội được nói lên nhu cầu của mình thông qua các quy định cụ thể; thúc đẩy đối thoại giữa mọi người dân và các cơ quan, thể chế.

8. Đối phó với các thách thức đến từ chuyển đổi số: Bảo đảm một tương lai số cởi mở, tự do và an toàn, tôn trọng đầy đủ việc bảo vệ thông tin dữ liệu, quyền riêng tư và các tiêu chuẩn nhân quyền; thúc đẩy lộ trình kết nối Internet cho 4 tỷ người trên thế giới chưa được kết nối; tăng cường các quy định về sử dụng trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy quản trị hiệu quả Internet và không gian mạng; xóa bỏ các bất bình đẳng trong tiếp cận số; thúc đẩy hợp tác số.

9. Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và các chương trình nghị sự chung: Tăng cường niềm tin, đoàn kết quốc tế; thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế; thúc đẩy các chính sách, cơ chế mang tính bao trùm, có sự tham gia của tất cả các bên.

10. Cải tổ Liên hợp quốc (LHQ 2.0): Xây dựng một LHQ gắn kết hơn nhằm đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống cho các vấn đề quốc tế thông qua: (i) cải cách hệ thống dữ liệu, phân tích và giao tiếp; (ii) chuyển đổi số và sáng tạo; (iii) nâng cao công tác dự báo chiến lược; (iv) xây dựng các biện pháp hướng tới kết quả; (v) cải thiện văn hóa làm việc, đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục hành chính, nâng cao văn hóa hợp tác.

11. Tiếp tục thúc đẩy các cam kết chung hướng tới các giá trị lâu dài: Nhấn mạnh các giá trị cơ bản được nêu trong Hiến chương LHQ; kêu gọi tăng cường cam kết đối với các giá trị này.

II. Ưu tiên trong năm 2022

1. Ứng phó COVID-19: TTK cho rằng biến chủng Omicron đang lan rộng một cách báo động, đây là vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự; cho rằng chính phủ các nước đang áp đặt các hạn chế không cân xứng để phạt các nước đang phát triển; tỷ lệ tiêm vắc-xin ở các nước có thu nhập cao cao hơn 7 lần so với các nước châu Phi, trong khi các nước châu Phi không thể đạt được tỷ lệ 70% tiêm chủng đến tháng 8/2024; cho rằng việc phân phối vắc-xin không đồng đều, do đó, cần tất cả các nước, các nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vắc-xin cho COVAX và tạo điều kiện cho các nước sản xuất thử nghiệm vắc-xin và điều trị; cần chống lại nạn thông tin sai lệch về vắc-xin.

2. Cải cách tài chính toàn cầu: TTK cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu đã phá sản về mặt đạo đức, hệ thống này ủng hộ người giàu và trừng phạt người nghèo; nhấn mạnh chức năng chính của hệ thống tài chính toàn cầu là bảo đảm ổn định, hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua các cú sốc tài chính; nhiều quốc gia có thu nhập trung bình không đủ điều kiện để được xóa nợ trong khi tỷ lệ nghèo gia tăng, cùng với tình trạng mất việc làm, hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe yếu kém; cho rằng khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển đang mang tính hệ thống, đây là nguyên nhân dẫn đến bất ổn, khủng hoảng và buộc người dân phải di cư. Theo đó, TTK cho rằng chính phủ các nước cần có các nguồn lực đầu tư vào con người và phục hồi, thông qua ngân sách quốc gia và các kế hoạch được đưa ra trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs); đề nghị các nước đầu tư vào các hệ thống y tế và giáo dục mạnh mẽ hơn, tạo việc làm, bảo trợ xã hội toàn dân, bình đẳng giới, cũng như chuyển đổi chính đáng sang năng lượng tái tạo; cần xem xét nghiêm túc các cơ chế quản trị tài chính toàn cầu, vốn được thống trị bởi các nền kinh tế lớn nhất thế giới; tăng cường nguồn lực của các Ngân hàng Phát triển Đa phương trong hỗ trợ tốt hơn các nền kinh tế đang phát triển, cả trực tiếp và bằng cách tận dụng đầu tư tư nhân; cho biết trong năm 2022, sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải cách cơ bản này và huy động LHQ thúc đẩy đầu tư vào các SDGs nhằm giải cứu Chương trình nghị sự 2030.

3. Khủng hoảng khí hậu: TTK đánh giá hành tinh chúng ta đang ấm lên 1,2 độ; năm 2020, tác động của khí hậu đã buộc 30 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, con số cao gấp 3 lần so với các cuộc chiến tranh và bạo lực, đặc biệt là những nước đảo nhỏ, các quốc gia kém phát triển và người nghèo, dễ bị tổn thương; đề nghị phải giảm lượng khí thải toàn cầu xuống 45% vào năm 2030, trong đó, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển cần phải làm nhiều hơn và nhanh hơn các nước khác; các nước cần phải cam kết không xây dựng thêm các nhà máy điện than mới, không mở rộng các hoạt động thăm dò dầu khí…; các nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần lên 5 nghìn tỷ USD mỗi năm vào 2030; nhấn mạnh các lĩnh vực và ngành công nghiệp, bao gồm cả vận tải biển và hàng không phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; nhấn mạnh COP 27 ở Ai Cập và các hội nghị sắp tới về đa dạng sinh học và đại dương sẽ là cơ hội quan trọng để cộng đồng quốc tế bảo vệ hành tinh của chúng ta và tất cả các loài sinh sống trên đó.

4. Không gian mạng: TTK cho rằng cần phải sử dụng công nghệ, nhưng phải đúng cách, đặc biệt là đảm bảo kết nối internet an toàn và bảo mật ở mọi nơi; cho rằng sự hỗn loạn kỹ thuật số ngày càng tăng và mang lại lợi ích cho những kẻ phá hoại và từ chối cơ hội cho người dân bình thường; cho biết Hội nghị thượng đỉnh về giáo dục chuyển đổi năm 2022 sẽ là một cơ hội quan trọng để giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và đảm bảo các dịch vụ internet giá cả phải chăng, an toàn và bảo mật cho tất cả mọi người; TTK đã đề xuất “Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu” như một phần của “Hội nghị thượng đỉnh về tương lai” vào năm 2023. Hiệp ước sẽ tập hợp các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự để thống nhất về các nguyên tắc chính làm nền tảng cho hợp tác kỹ thuật số toàn cầu nhằm giúp củng cố cách tiếp cận phối hợp về an ninh mạng để bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự; TTK cũng đã đề xuất Bộ Quy tắc Ứng xử Toàn cầu để chấm dứt dịch bệnh và cuộc chiến về khoa học, đồng thời thúc đẩy tính toàn vẹn trong thông tin công khai, bao gồm cả trực tuyến.

5. Hòa bình và an ninh: TTK cho rằng hiện nay số lượng các cuộc xung đột, bạo lực cao nhất kể từ năm 1945; đảo chính quân sự đã trở lại; trừng phạt tiếp tục được áp dụng; các kho dự trữ vũ khí hạt nhân hiện đã vượt quá 13.000 đầu đạn, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ; nhân quyền và pháp quyền đang bị tấn công; cho rằng chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, quyền tối cao của người da trắng và các hình thức phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan khác đang tác động tiêu cực đến sự gắn kết xã hội và các thể chế. Do đó, TTK kêu gọi hành động vì nhân quyền; nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa thường trực, tiếp tục gây bất ổn cho nhiều quốc gia; cho rằng ngăn ngừa xung đột là trọng tâm của Chương trình nghị sự mới vì hòa bình; nhấn mạnh thế giới đang đứng trước nhiều điểm nóng, từ Afghanistan, Haiti, Colombia, Ethiopia, Sahel, Iran, Myanmar... do đó, cần phải có một HĐBA thống nhất và tham gia đầy đủ vào giải quyết các vấn đề nóng hiện nay, đồng thời cần tối đa hóa các lĩnh vực hợp tác và thiết lập các cơ chế để tránh leo thang; cho rằng thế giới sẽ thành công và bền vững hơn khi phụ nữ tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyết định cũng như hòa giải và hòa bình. LHQ đang nỗ lực gia tăng số lượng phụ nữ gìn giữ hòa bình; 40% của Quỹ Xây dựng Hòa bình tập trung vào bình đẳng giới và quyền của phụ nữ; đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại các ưu tiên và nguồn lực trong quá trình hòa bình, tăng cường đầu tư vào công tác phòng ngừa và xây dựng hòa bình.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

vietinbank
ajinomoto