Thông tin cơ bản về Thành quốc Va-ti-căng
![]() |
Cờ Va-ti-căng, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn |
I. THÔNG TIN CƠ BẢN:
Tên nước: | Vatican (Va-ti-căng), tên thường dùng: Va-ti-căng. Tên Va-ti-căng có trước khi Thiên chúa giáo ra đời, xuất phát từ chữ La tinh Mons Va-ti-căngus, nghĩa là ngọn Va-ti-căng |
Thủ đô: | Thành phố Va-ti-căng (Vatican City). |
Vị trí địa lý: | Nằm phía Tây Bắc thủ đô Rô-ma (I-ta-li-a) trên đồi Va-ti-căng. |
Diện tích: | 0,44 km2, là quốc gia nhỏ nhất thế giới, gồm thành phố Va-ti-căng, 23 địa điểm ở Rô-ma và 5 địa điểm ngoài Rô-ma. |
Khí hậu: | Ôn hòa, mùa đông có mưa (tháng 9 đến tháng 5), mùa hè khô nóng (tháng 5 đến tháng 9). |
Dân số | Khoảng 800 người trong đó hơn 450 người có quốc tịch Va-ti-căng, số còn lại được tạm trú hoặc thường trú; 50% người mang quốc tịch Va-ti-căngsống bên ngoài Va-ti-căng do đa số họ là các nhà ngoại giao. Ngoài ra còn có khoảng 2880 người làm việc cho 64 tổ chức của Tòa thánh. |
Dân tộc | Hơn 50 quốc tịch, người I-ta-li-a chiếm đa số, còn có người Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Việt Nam... |
Ngôn ngữ | Tòa thánh không có quy định về ngôn ngữ chính thức, sử dụng tiếng Latin trong các văn bản chính thức quan trọng và tiếng I-ta-li-a trong các văn bản luật; trang web của Thành phố Va-ti-căngdùng tiếng I-ta-li-a, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và trang web của Tòa thánh dùng thêm tiếng La-tinh, Bồ Đào Nha và Trung Quốc. |
Đơn vị tiền tệ | Euro. |
Tôn giáo: | Công giáo La Mã |
Lãnh đạo chủ chốt: | Giáo hoàng Phờ-ran-xít (Francis, từ 13/3/2013 đến nay); Quốc vụ khanh (Thủ tướng) Hồng y Pi-ê-tơ-rô Pa-rô-lin (Pietro Parolin); Bộ trưởng Ngoại giao Pôn Ri-chát Gha-la-ghơ (Paul Richard Gallagher). |
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
Ba thế kỷ đầu CN : | Giáo hội Thiên chúa giáo (Christianity) ra đời ở bờ Tây Địa Trung Hải, nhanh chóng truyền sang Sy-ri-a, Mesopotamia, Tiểu châu Á và Ai Cập. Tuy nhiên, Giáo hội bị truy quét và đặt ra ngoài vòng pháp luật đồng thời không được sở hữu đất đai. |
Năm 380 : | Vua Thê-ô-đô-xi-út I công nhận Thiên chúa giáo là tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã, tài sản đất đai của Giáo hội tăng nhanh nhờ hiến tặng. |
Năm 756 : | Vua Pê-panh của đế quốc Phờ-răng-kít (tiền thân Pháp ngày nay) tặng các vùng đất chiếm được cho Giáo hoàng. Nhà nước Giáo hoàng do Giáo hoàng đứng đầu ra đời. |
Năm 1054 : | Các phái viên La Mã tuyên bố Giáo hội La Mã (church of Rome) đứng đầu các tôn giáo. Giáo hội Công giáo La Mã chính thức ra đời, là một nhánh của Thiên chúa giáo. |
Từ 1305 – 1378 : | Giáo hoàng sống ở A-vi-nhông (Pháp). |
Từ 1378 : | Giáo hoàng quay về sống ở Rô-ma (I-ta-li-a). |
Thế kỷ XVIII : | Lãnh thổ Nhà nước Giáo hoàng được mở rộng nhất, gồm hầu hết miền Trung I-ta-li-a, hai khu vực miền Nam I-ta-li-a và vùng Com-ta Vê-nai-sin miền Nam nước Pháp. |
Từ 1831 – 1849 : | I-ta-li-a nổi dậy chống lại Nhà nước Giáo hoàng, tuyên bố lập các tỉnh I-ta-li-a thống nhất và Cộng hòa La Mã, lãnh thổ Nhà nước Giáo hoàng thu hẹp nhiều. |
Từ 1860 : | Tiến trình thống nhất I-ta-li-a bắt đầu. |
Từ 20/9/1870 : | Quân đội I-ta-li-a tiến vào Rô-ma, Giáo hoàng chỉ còn nắm giữ phần bờ Tây sông Ti-bê ở thủ đô Rô-ma gồm cả thành phố Va-ti-cănghiện nay. Dù Giáo hoàng không còn là nguyên thủ của Nhà nước Giáo hoàng, các nước có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vẫn giữ quan hệ. |
Từ 11/02/1929 : | Bê-ni-tô Mút-xô-li-ni và Hồng y Gát-xơ-pa-ri ký Hiệp ước La-tê-răng công nhận độc lập của Va-ti-căngtừ I-ta-li-a, Nhà nước Va-ti-căng ra đời. |
Từ 06/4/1964 : | Tòa thánh Va-ti-căng trở thành quan sát viên Liên hợp quốc. |
III. CHÍNH TRỊ:
Nói đến Va-ti-căng cần phân biệt hai khái niệm “Tòa thánh” (the Holy See) và “Thành quốc Va-ti-căng” (Vatican City State). Tòa thánh dùng để chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước trong khi Thành quốc Va-ti-căng là vùng lãnh thổ cụ thể của Tòa thánh, có dân số ít (thường dưới 1000 người) và có những dịch vụ cơ bản như ngân hàng, báo chí, ga xe điện, trạm xăng, bệnh viện, bưu chính...
Đứng đầu Tòa thánh là Giáo hoàng trị vì trọn đời và có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Giáo hoàng cũng là giám mục giáo phận Rô-ma. Khi Giáo hoàng tại vị qua đời, một Hội đồng Hồng y toàn cầu gồm khoảng 120 thành viên dưới 80 tuổi sẽ nhóm họp tại Va-ti-căng để bầu ra Giáo hoàng trong số này. Năm 2013, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo tuyên bố từ chức vì tuổi già sau 08 năm tại vị. Giáo hoàng hiện nay mang tước hiệu Phờ-ran-xít (Francis) được bầu ngày 13/3/2013 thay Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI.
Ngày 19/3/2022, Giáo hoàng Francis đã ký ban hành Tông hiến Preadicate Evangelium (tương đương Hiến pháp) thay thế Tông hiến Pastour Bonus. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Va-ti-căng, quy định về việc cải cách bộ máy của Va-ti-căng.
Cơ cấu tổ chức của Tòa thánh gồm: (i) Phủ Quốc vụ khanh (Nội vụ, Ngoại giao và Nhân sự ngoại giao). Người đứng đầu là Hồng y Parolin do Giáo hoàng bổ nhiệm - chức vụ như Thủ tướng các nước, vai trò quan trọng thứ hai sau Giáo hoàng. Phủ Quốc vụ khanh là cơ quan duy nhất của Giáo triều nằm trong thành phố Va-ti-căng, các cơ quan còn lại của Giáo triều nằm rải rác ở Rô-ma; (ii) 16 Bộ và (iii) Cơ quan Tư pháp.
Về an ninh và quân đội, từ năm 1506, Tòa thánh có bộ phận lính gác Thụy Sỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cá nhân của Giáo hoàng. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ phận lính gác này chỉ mang tính nghi lễ và việc giữ gìn an ninh của Tòa thánh được giao cho bộ phận lính gác dân sự. Tòa thánh không có quân đội, việc phòng vệ Tòa thánh do I-ta-li-a đảm nhiệm.
IV. KINH TẾ
Phụ trách kinh tế của Tòa thánh là Quốc vụ viện Kinh tế, được Giáo hoàng lập năm 2014. Ngoài ra còn có Cục Tài sản Tòa thánh (Administration of the Patrimony of the Apostolic See) thuộc Giáo triều quản lý tất cả tài sản của Tòa thánh kể cả bất động sản.
Khác với các quốc gia thông thường, Tòa thánh có nền kinh tế khá đặc thù với 3 nguồn thu chính: (i) ngân hàng Va-ti-căng quản lý mọi hoạt động tài chính, dùng đồng euro và đồng xu riêng; (ii) khoản thu St. Peter’s Penance là đóng góp tự nguyện của du khách thăm quảng trường Thánh Peter; (iii) các khoản đầu tư của Va-ti-căng ở các ngân hàng, tổ chức tài chính toàn cầu. Các khoản thu này dùng để chi cho hoạt động của Giáo triều, các cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa thánh và các ấn phẩm báo chí. Thành phố Va-ti-căng có ngân sách riêng thu từ việc bán tem thư, đồng xu, đồ lưu niệm, vé vào bảo tàng và in sách. Ngoài ra, hàng năm có các cuộc quyên góp ở các giáo phận trực tiếp cho vào quỹ Peter’s Pence để Giáo hoàng dùng làm từ thiện, cứu trợ nhân đạo và trợ giúp Giáo hội các nước đang phát triển.
Một điểm đặc biệt là Va-ti-căng không áp bất kỳ khoản thuế nào đối với mọi hoạt động liên quan đến kinh tế trong phạm vi thành phố Va-ti-căng. Nhân viên của Va-ti-căng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế xăng dầu hay hàng hóa mua tại Va-ti-căng.
Về cải cách trong điều hành kinh tế, triển khai Tông hiến Preadicate Evangelium, từ tháng 7/2022, Ngân hàng Va-ti-căng điều hành tất cả hoạt động về quản trị tài sản và ký thác động sản của Tòa thánh; từ tháng 12/2022, hoạt động quản lý, sử dụng ngân quỹ của các cơ quan hành chính Tòa thánh phải chịu sự giám sát của Bộ Kinh tế và Văn phòng Tổng kiểm toán.
V. VĂN HÓA:
Thành phố Va-ti-căng, thủ đô của Tòa thánh là nơi lưu giữ các công trình kiến trúc, mỹ thuật có giá trị nghệ thuật và lịch sử của nhân loại. Quảng trường và Thánh đường thánh Phê-rô, nhà nguyện Sít-xơ-tin là nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc, hội họa của các bậc thầy kiến trúc lừng danh như Bốt-ti-xeo-li, Bê-ni-ni và Michelangelo. Thư viện Va-ti-căng và những bộ sưu tập của viện bảo tàng Va-ti-căng có tầm quan trọng rất lớn về lịch sử, khoa học và văn hóa. Va-ti-căng cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu trên thế giới. Năm 1984, Va-ti-căng trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất đến nay được UNESCO công nhận toàn bộ lãnh thổ là Di sản Văn hóa thế giới.
VI. ĐỐI NGOẠI:
Cơ quan đối ngoại của Tòa thánh là Bộ Quan hệ với các Nhà nước (Bộ Ngoại giao) thuộc Phủ Quốc vụ khanh, có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước và các chủ thể của công pháp quốc tế; đại diện cho Tòa thánh tại các tổ chức và hội nghị quốc tế; phụ trách các việc liên quan đến Đặc phái viên Giáo hoàng, cơ cấu tổ chức các Giáo hội cụ thể; làm việc với các chính quyền dân sự liên quan đến thi hành Thỏa ước. Tòa thánh có quan hệ ngoại giao với 183 nước, có hơn 100 cơ quan đại diện thường trú trên toàn cầu và tham gia nhiều tổ chức, liên minh, diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có 33 cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế và 10 cơ quan, tổ chức khu vực với tư cách thành viên chính thức. Tại Liên hiệp quốc, Tòa thánh hưởng quy chế quan sát viên thường trực từ năm 1964. Cơ quan đại diện của Tòa thánh thường được tổ chức gọn nhẹ, 2 người, kiêm nhiệm nhiều nước.
Quan hệ giữa Tòa thánh và các nước có 3 hình thức phổ biến là Sứ thần (Apostolic Nuncio, gồm thường trú và kiêm nhiệm, là quan hệ đầy đủ nhất giữa Tòa thánh với một nước trên cả hai mặt ngoại giao và tôn giáo); Khâm sứ (Apostolic Delegate, gồm thường trú và không thường trú, mức thấp hơn Sứ thần do chỉ quan hệ về mặt tôn giáo); Phái viên của Giáo hoàng (legate, thay mặt Giáo hoàng đến một nước hoặc Giáo hội địa phương giải quyết vấn đề nhất định thường là các sự kiện hay lễ kỷ niệm đặc biệt của Công giáo).
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn
Vân Anh
- Điểm tin ngân hàng ngày 6/5: Khắc phục khoảng trống pháp lý, thúc đẩy xử lý nợ xấu
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 6/5: Thị trường kỳ vọng tiếp đà tăng
- Tin nhanh chứng khoán ngày 5/5: Khai trương hệ thống KRX, VN Index bứt phá vượt 1.240 điểm
- ADB nâng tổng hỗ trợ an ninh lương thực khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên 40 tỷ USD đến năm 2030
- Điểm tin ngân hàng ngày 5/5: NHNN đang nghiên cứu tiền kỹ thuật số, khẳng định không cấp phép sàn Forex
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 5/5: Kỳ vọng bứt phá với hỗ trợ từ hệ thống KRX và dòng tiền hưng phấn
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Tăng lá chắn bảo vệ người dùng trong giao dịch số
- Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VPBank và FE CREDIT, nâng triển vọng của FE CREDIT lên “Ổn định”
- Bám sát kế hoạch năm 2025, VPBank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I
- Điểm tin ngân hàng ngày 3/5: Nhiều ngân hàng chốt thời hạn ngừng giao dịch thẻ từ ATM