Thông tin cơ bản về quan hệ Việt Nam - Mông Cổ

22:10 | 27/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - Mông Cổ không ngừng được củng cố, tăng cường, phát triển kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 17/11/1954

2. Khuôn khổ quan hệ: Quan hệ hữu nghị truyền thống

3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ

- Tháng 7/1955: Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta lần đầu tiên thăm Mông Cổ.

- Tháng 9/1959: Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yu. Tsedenbal dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Mông Cổ thăm Việt Nam.

- 09/6/1959: Mở Cơ quan đại diện thường trú Mông Cổ tại Hà Nội.

- 13/02/1960: Mở Cơ quan đại diện thường trú Việt Nam tại Ulaanbaatar

- 1961: Ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác đầu tiên (hai lần sau vào các năm 1979, 2000). Thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ.

- 03/12/1979: Thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học và kỹ thuật (đến nay đã tổ chức 18 lần).

- Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ thành lập năm 1961 và Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam thành lập năm 1960.

Đoàn Lãnh đạo ta thăm Mông Cổ: Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức, ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (2000); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức (2008); Thủ tướng Phan Văn Khải thăm (1999) và thăm chính thức (2004); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức (2003); Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thăm chính thức (2009);

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm chính thức (2015). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu Nhân có chuyến thăm chính thức nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (Ulaanbaatar, 13-14/7/2016);

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức (5/2017); Bộ trưởng Công an Tô Lâm thăm (7/2019); Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Mông Cổ tháng 10/2023. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương với Tổng thống Mông Cổ nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (Bỉ, 18/10/2018); nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 (22/9/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc song phương với Thủ tướng Mông Cổ L. Oyun - Erdene bên lề WEF tại Thiên Tân, Trung Quốc 6/2023; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm Mông Cổ đồng chủ trì Kỳ họp thứ 18 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ (9/2022) .

Đoàn Lãnh đạo Mông Cổ thăm Việt Nam: Tổng thống Mông Cổ P. Ochirbat thăm chính thức (1994); Tổng thống Mông Cổ N. Bagabandi thăm hữu nghị chính thức (2005); Thủ tướng Mông Cổ N. Enkhbayar thăm chính thức (2002); Tổng thống Mông Cổ Ts. Elbegdorj thăm cấp Nhà nước (11/2013); Chủ tịch Quốc hội S.Tumur Ochir (2004); Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ D. Demberel (2010); Bộ trưởng Ngoại giao Ts. Munkh-Orgil (2017); Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ M. Enkhbold (01/2018), Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia

A. Gansukh (4/2018); Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ Ts. Nyamdorj (10/2018). Tổng Thư ký Đảng Nhân dân Mông Cổ D.Amarbayasgalan thăm Việt Nam và ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Đảng (3/2019); Bộ trưởng Quốc phòng N. Enkhbold thăm chính thức (11/2019); Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ thăm Việt Nam đồng chủ trì Kỳ họp thứ 17 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ (12/2019); Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ G. Saikhanbayar thăm Việt Nam tháng 12/2022; Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Mông Cổ J. Enkhbayar thăm tháng 5/2023; Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ Kh. Nyambaatar thăm tháng 9/2023.

Mông Cổ viện trợ cho Việt Nam: Từ năm 1956 đến 1990, tổng viện trợ Chính phủ của Mông Cổ cho Việt Nam trên 200 triệu tugrik (200 nghìn USD) và trên 1,5 triệu USD (chuyển từ quà tặng 100 nghìn gia súc thành tiền- năm 1959) và trên 900 nghìn tugrik (900 nghìn USD) viện trợ của các tổ chức xã hội, trong đó gồm miễn phí hàng hóa quá cảnh bằng đường sắt; hàng tiêu dùng; đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật; đón nhiều đoàn Việt Nam sang Mông Cổ dự các hội nghị quốc tế, dự các hoạt động của Mông Cổ; (phía Mông Cổ đài thọ toàn bộ chi phí); tài trợ toàn bộ chi phí cho Cơ quan đại diện ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam (từ 1969-1975). Năm 2020, Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ hỗ trợ ta 100 con ngựa giống thành lập Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.

Việt Nam viện trợ cho Mông Cổ: Sau khi đất nước ta thống nhất, đặc biệt những năm gần đây, Mông Cổ có khó khăn, Việt Nam đã giúp bạn: Thủ đô

Hà Nội cử 55 công nhân xây dựng, 25 công nhân phục chế sang làm việc tại Mông Cổ theo điều kiện như công nhân Mông Cổ; cử hai chuyên gia nông nghiệp sang Mông Cổ nghiên cứu khả năng trồng lúa cạn và rau quả (năm 1982), 04 chuyên gia cầu đường nghiên cứu thiết kế cầu treo, tặng và lắp đặt hai máy phát thủy điện 200 kW. Viện trợ không hoàn lại: năm 1993: 200.000 USD, 1998: 15.000 USD; 2000: 10.000 USD, 2001: 2000 tấn gạo. Thành phố Hồ Chí Minh tặng tỉnh Khuvsgul (Mông Cổ) 50.000 USD năm 2003, Quốc hội ta tặng 50.000 USD hiện vật máy vi tính (đã trao tặng tượng trưng trong dịp đoàn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nước ta thăm Mông Cổ tháng 6/2004).

Trong chuyến thăm Mông Cổ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (30-31/10/2008), ta đồng ý bán cho Mông Cổ 20.000 tấn gạo không tính lãi, viện trợ 300.000 USD để mua xe cứu thương (chuyển từ khoản viện trợ xây dựng Trạm thủy điện) và 1.000 tấn gạo, tặng trường PTTH số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh 50.000 USD, 20 bộ máy vi tính và 10 máy in. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Tô Lâm (7/2019), ta tặng trường THPT số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh 10 bộ máy tính. Tháng 11/2021, ta ủng hộ Mông Cổ 50.000 USD giúp phòng chống dịch Covid-19.

3. Tình hình quan hệ Việt Nam - Mông Cổ gần đây

3.1.Về chính trị, hợp tác an ninh và quốc phòng: Các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương được duy trì thường xuyên trước khi dịch Covid-19 bùng phát (2019). Lãnh đạo cấp cao ta đã gửi lời mời Tổng thống Mông Cổ thăm Việt Nam nhân dịp Bộ trưởng Công an Tô Lâm thăm Mông Cổ (07/2019) và Chủ tịch Quốc hội ta dự kiến thăm Mông Cổ nhưng chưa thực hiện được do dịch Covid-19 bùng phát (tháng 3/2020).

Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị truyền thống, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau. Từ năm 1992, mặc dù đã chuyển sang chế độ đa nguyên đa đảng, nhưng Mông Cổ vẫn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trong tiếp xúc gần đây, Mông Cổ nhiều lần nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Hiện ta đang xem xét, nghiên cứu đề nghị của Mông Cổ về thiết lập khuôn khổ quan hệ mới “Đối tác toàn diện”.

Hai bên đang duy trì cơ chế Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (thiết lập năm 2002). Gần đây nhất, hai bên đã tiến hành phiên họp lần thứ 10 tháng 9/2022.

- An ninh, quốc phòng: Nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm (07/2019), hai bên đã ký Hiệp định về trao đổi, bảo vệ thông tin mật (là hiệp định đầu tiên mà Mông Cổ ký với nước ngoài) và Hiệp định dẫn độ tội phạm. Năm 2020, Mông Cổ trao 105 con ngựa giống để hỗ trợ trang bị cho Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh của Bộ Công an. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng N. Enkhbold (11/2019), hai bên đã ký Thỏa thuận giữa về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Mới đây, Mông Cổ thông báo đã bổ nhiệm biên chế Tùy viên Quốc phòng thuộc Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam).

3.2.Về hợp tác kinh tế:

- Hợp tác kinh tế: Do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Mông Cổ duy trì ở mức khiêm tốn.

Cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ (cấp Thứ trưởng) về hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học kỹ thuật được thiết lập năm 1979, được khôi phục hoạt động từ năm 1996 và đã được nâng lên cấp Bộ trưởng từ năm 2012. Từ năm 2022, phía ta do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; phía Mông Cổ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp nhẹ chủ trì. Hai bên tiến hành họp thường xuyên 2 năm 1 lần. Đến nay, hai bên đã tổ chức được 18 lần, Kỳ họp gần đây nhất được tổ chức tại Ulaanbaatar vào tháng 9/2022. Dự kiến năm 2024, hai bên sẽ đồng tổ chức kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ tại Việt Nam.

Tháng 6/2022, Đoàn đại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang thăm làm việc và phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ tại Mông Cổ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã hai lần thăm Mông Cổ trong năm 2022.

- Về các hiệp định ký kết: Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại năm 2021; Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa năm 5/2022; Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực Quản lý xuất nhập cảnh; Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022. Hai bên đang tiến hành trao đổi dự thảo về các Hiệp định dự kiến ký như: Hiệp định về điều kiện đi lại của công dân (thay thế Hiệp định năm 2000 theo hướng miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông lưu trú dưới 30 ngày); dự thảo Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (ký lại)...

Về đầu tư: Tính đến tháng 11/2019, Mông Cổ có 03 dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 96/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của cả 3 dự án còn thấp, chỉ đạt 1,1 triệu USD. Các dự án này không thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam. Ta chưa có dự án đầu tư chính thức sang Mông Cổ (ngoài các dự án đầu tư trực tiếp của người Việt Nam tại Mông Cổ, dự kiến trên 10 triệu USD).

Về thương mại: Trước năm 1990, trao đổi thương mại mỗi năm khoảng 2 triệu rúp chuyển đổi và đã chấm dứt vào cuối những năm 1990. Năm 1996, hai bên ký Hiệp định về hợp tác thương mại. Trao đổi ngoại thương những năm 1994-1995 đạt 5-6 triệu USD, gần đây tăng trưởng nhanh, năm 2020 đạt khoảng 50 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 80 triệu USD, năm 2022 đạt 85 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2023 dự kiến đạt 75 triệu USD (trong đó Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các loại hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tân dược của Mekopharm, Bidipharm, Hậu Giang, Habaco, thuốc lá Sài Gòn, cà phê G7, phở khô, bia Saigon ... Hàng Mông Cổ xuất sang Việt Nam chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da, găng tay da...

Hai bên đang nỗ lực triển khai mở rộng các mặt hàng hai bên có thế mạnh như các mặt hàng nông, thủy sản, tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm thịt gia súc, da giày của Mông Cổ. Tháng 4/2018, Bộ Công Thương cung cấp 01 gian hàng miễn phí cho doanh nghiệp Mông Cổ tham gia hội chợ Vietnam Expo 2018. Tháng 3/2019, đoàn công tác do Phó Chủ tịch tỉnh Orkhon thăm Việt Nam tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa tỉnh Đắc Lắk (10-13/3).

- Hợp tác trong lĩnh vực du lịch: Từ ngày 24/3/2022, hai bên đã thúc đẩy Aeromongolia tổ chức các chuyến bay thuê bao (chatter) phục vụ nhu cầu khách du lịch hai bên (trung bình từ 2-3 chuyến/ tuần); Hãng hàng không quốc gia MIAT cũng triển khai các chuyến bay tới Phú Quốc và Tp. Hồ Chí Minh.

3.3.Về hợp tác lao động: tính tới tháng 8/2023, tại Mông Cổ hiện có khoảng 400 lao động Việt Nam sinh sống, chủ yếu làm việc trong các xưởng sửa chữa ô tô. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về lao động năm 2017.

3.4.Về hợp tác văn hóa, nghệ thuật và thể thao: hai bên đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ năm 2009. Năm 2013, Việt Nam và Mông Cổ phối hợp cùng sản xuất bộ phim “Cuộc sống như một bộ phim” của Mông Cổ với các cảnh quay tại Việt Nam và được trình chiếu rộng rãi tại Mông Cổ và Việt Nam. Từ Năm 2014, phía Mông Cổ thường xuyên cử đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế. Năm 2019, Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia Mông Cổ (MNB) hợp tác với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) sản xuất phim tài liệu về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn nhân dịp này). Đài Truyền hình quốc gia (MNB) công chiếu phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 74 năm Quốc khánh Việt Nam, chiếu phim truyện Việt Nam “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Mông Cổ đã đoạt giải đặc biệt (trong số 888 tác phẩm quốc tế) tại cuộc thi quốc tế Hát lên Việt Nam - Let’s sing Viet Nam do VOV tổ chức trao giải năm 2022.

Đoàn Robocom Việt Nam đã giành giải ba tại Giải vô địch ABU Robocom châu Á tổ chức tại Mông Cổ tháng 8/2019. Đoàn nhạc công do Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh thăm và biểu diễn tại Mông Cổ tháng 9/2022.

3.5. Về hợp tác giáo dục, đào tạo: trao đổi sinh viên được thực hiện từ những năm 60. Hai bên hợp tác theo Hiệp định về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục ký giữa hai Chính phủ. Cho đến trước năm 1990, Mông Cổ đã đào tạo cho Việt Nam trên 100 cán bộ khoa học kỹ thuật đại học và trên đại học. Theo Hiệp định về Hợp tác giáo dục giai đoạn năm 2011 - 2016, hàng năm Việt Nam tiếp nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Từ năm 2018, hai bên thỏa thuận tăng 05 chỉ tiêu và tăng mức học bổng so với Hiệp định. Do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới việc đi lại và học tập của sinh viên, từ năm 2021 và 2022, Việt Nam chỉ còn 04 lưu học sinh tại Mông Cổ.

3.6. Về hợp tác địa phương: có một số chuyển biến tích cực trong thời gian qua, thông qua các chuyến thăm, làm việc và ký kết Bản ghi nhớ giữa tỉnh Tuv và tỉnh Hòa Bình, tỉnh Orkhon với tỉnh Đắc Lắc, giữa quận Chingeltei của Thủ đô U-lan-ba-to và quận Thủ Đức của Tp. Hồ Chí Minh.

3.7. Về giao lưu nhân dân: tính đến tháng 8/2023, ta có khoảng 500 công dân thường trú tại Mông Cổ, trong đó có 28 người kết hôn với người Mông Cổ, 26 người có vốn đầu tư kinh doanh, số người còn lại theo hợp đồng lao động. Người Việt Nam tại Mông Cổ chủ yếu sinh sống, làm việc tại các xưởng sửa chữa ô tô Việt Nam (khoảng trên 100 xưởng) tại thủ đô Ulaanbaatar.

3.8. Về hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực: hai bên duy trì phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động quốc tế. Mông Cổ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ủng hộ ta trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA/LHQ khóa 2008-2009 và 2020-2021, ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO khóa 2010-2013 và thành viên Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025, ủng hộ ứng cử viên Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa(CLCS), nhiệm kỳ 2023-2028. Phía Việt Nam ủng hộ Mông Cổ tham gia BCH ECOSOC nhiệm kỳ 2010-2013, sẵn sàng hỗ trợ, giúp Mông Cổ mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và gia nhập APEC khi tổ chức này kết nạp thành viên mới.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh