Thoái vốn khỏi dự án "đất vàng", Tân Hoàng Minh dồn dập huy động vốn chuyển hướng đầu tư tỉnh lẻ

07:30 | 04/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau nhiều năm “mải mê” với các dự án cao cấp, các khu căn hộ “dát vàng” siêu sang tại Hà Nội, thời gian gần đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã chuyển hướng đầu tư tỉnh lẻ khi liên tục thâu tóm, đề xuất đầu tư nhiều dự án lớn tại những vùng đất mới.

Dồn dập huy động vốn thâu tóm dự án

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (chủ đầu tư dự án D’. Capitale), thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã huy động 1.900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định 11,5%.

Ngôi Sao Việt sẽ dùng vốn huy động được góp vốn với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt – chủ đầu tư dự án Đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt. Theo thỏa thuận, Ngôi Sao Việt sẽ góp 47% trên tổng mức đầu tư dự án này.

Dự án phía Nam đường Đại Cồ Việt được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào ngày 1/4/2002 và sau đó giao cho CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà làm chủ đầu tư. Năm 2016, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà góp 340 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt, mỗi bên sở hữu 50%, qua đó phát triển dự án ở phía Nam đường Đại Cồ Việt.

Thoái vốn khỏi dự án
Các thành viên của Tân Hoàng Minh dồn dập huy động vốn với lãi suất lên đến 12%/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Từ đầu năm 2019, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tăng tỷ lệ sở hữu tại Nam Đại Cồ Việt lên 99,74%. Tuy nhiên, năm 2020, Tân Hoàng Minh vướng lùm xùm thanh toán. Theo Thông tin từ CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà, doanh nghiệp đã yêu cầu Tân Hoàng Minh chuyển tiền vốn góp để thanh toán cho các nhà thầu và thanh lý hợp đồng hợp tác tại dự án, tuy nhiên "đối tác Tân Hoàng Minh vẫn cố tình không thanh toán".

Do vậy, nhiều khả năng Ngôi Sao Việt phát hành trái phiếu, huy động 1.900 tỷ một phần để hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán tại dự án này.

Thời gian gần đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bắt đầu tham gia phát triển nhiều dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp… bằng hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư thông qua các đơn vị thành viên.

Trước đó, Ngôi Sao Việt cũng đã huy động 800 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12% để mua 51% vốn CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến, qua đó tham gia đầu tư vào công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại 2 lô đất thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng huy động 1.250 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 11,5% - 11,75% để hợp tác với CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc phát triển dự án Hoàng Hải Complex trên khu đất 12,4 ha tại Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thoái vốn khỏi dự án
Quy hoạch dự án Hoàng Hải Complex tỷ lệ 1/500/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo tìm hiểu, trước thời điểm Soleil huy động vốn không lâu, vị trí Chủ tịch HĐQT của Hoàng Hải Phú Quốc đã được chuyển sang ông Đỗ Hoàng Việt (con trai của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh) đảm nhiệm.

Chuyển hướng đầu tư tỉnh lẻ

Làn sóng đầu tư tỉnh lẻ của các doanh nghiệp địa ốc đã xuất hiện trong khoảng 3,4 năm qua khi nhiều “ông lớn” tìm đến và khai phá những vùng đất mới… Song, Tân Hoàng Minh có lẽ nhập cuộc hơi muộn, từ năm 2020, doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào thị trường tỉnh lẻ khi liên tục thâu tóm, đề xuất loạt dự án tại nhiều địa phương trên cả nước.

Cuối tháng 2, CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh (cũng là thành viên của Tân Hoàng Minh) đã chi 900 tỷ đồng mua 90 triệu cổ phiếu do CTCP Tổng Bách Hóa phát hành thêm, qua đó góp vốn cho Tổng Bách Hóa phát triển các dự án và trả nợ.

Theo giới thiệu, Tổng Bách Hóa đang phát triển ba dự án với tổng mức đầu tư trên 2.740 tỷ đồng, bao gồm: Khu nhà ở tại 486 Ngọc Hồi, Hà Nội (Tổng kho 6); tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tại 15 Bích Câu, Hà Nội và dự án nhà ở tại số 23 Điện Biên Phủ, Hải Phòng.

Gần đây nhất, Ngôi Sao Việt và CTCP Cung Điện Mùa Đông (một thành viên khác của Tân Hoàng Minh) đã được chấp thuận làm nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình (Thái Nguyên). Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Thoái vốn khỏi dự án
Phối cảnh dự án khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Được biết hồi cuối năm 2020, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đề xuất nghiên cứu khảo sát, lập và thực hiện ba dự án tại Thái Nguyên.

Cụ thể, gồm: Khu công nghệ thông tin tập trung và đô thị Yên Bình THM - CN (thuộc thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình); Khu du lịch nghỉ dưỡng tâm linh Thiên Tây Trúc - Đại Từ THM - TL (huyện Đại Từ); Khu đô thị THM - Smartcity dọc Sông Công (TP Sông Công).

Cùng thời gian này, vào tháng 12/2020 doanh nghiệp cũng đã đến Đắk Lắk để tìm hiểu đầu tư. Lãnh đạo Tân Hoàng Minh cho biết, doanh nghiệp đang quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, trong đó có các dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

Tập đoàn cũng đề xuất tham gia đấu giá tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) tại số 2 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, đồng thời trình bày phương án quy hoạch dự án trên khu đất này.

Vào đầu tháng 4 năm nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đến Phú Yên tìm hiểu đầu tư dự án tại địa phương này. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh mong muốn được tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư tại Phú Yên. Nhất là ở các lĩnh vực cảng biển, lọc dầu; bất động sản; nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi…

Trước đó, giữa tháng 6/2020, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tổ chức lễ khởi công Tổ hợp shophouse, biệt thự, nhà liền kề tại đường Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh (tên thương mại là D'. Metropole Hà Tĩnh).

Thoái vốn khỏi dự án
Phối cảnh dự án D'. Metropole Hà Tĩnh/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo giới thiệu, D'. Metropole Hà Tĩnh tọa lạc tại vị trí "vàng" tiếp giáp 4 mặt tiền đường lớn gồm Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch và Phan Kính có tổng diện tích hơn 2,4 ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng...

Trên website của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các dự án đang triển khai của doanh nghiệp bao gồm: D'. Metropole Hà Tĩnh, D'. Capitale Trần Duy Hưng và D'. Palais Louis. Trong đó, D'. Capitale Trần Duy Hưng và D'. Palais Louis là 2 dự án đã xây dựng hoàn tiện từ lâu nhưng các sản phẩm vẫn chưa bán hết ra thị trường.

D'. Metropole Hà Tĩnh hiện đang là dự án trọng điểm của doanh nghiệp, thời gian gần đây đang được truyền thông rầm rộ. Theo thông tin trên Vnexpress, các sản phẩm căn hộ tại dự án này có giá 50 triệu đồng/m2, dự án sắp được mở bán.

Một số website nhà đất cũng bắt đầu xuất hiện các thông tin rao bán, nhận đặt cọc ưu tiên suất mua căn hộ, shophouse D'. Metropole Hà Tĩnh với các mức giá từ 50 triệu đồng/m2 – 67 triệu đồng/m2 tương ứng với mức giá 9 – 12 tỷ đồng/căn…

Thoái vốn khỏi dự án
Thoái vốn khỏi dự án
Các thông tin rao bán, nhận đặt cọc sản phẩm tại dự án D'. Metropole Hà Tĩnh/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

“Bom xịt” căn hộ “siêu sang” tại Hà Nội

Đầu năm nay, nhiều thông tin cho thấy Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã rút khỏi dự án đất vàng “siêu sang” D' San Raffles (22-24 phố Hàng Bài và 25-27 phố Hai Bà Trưng) sau hàng chục năm theo đuổi.

Được biết, khu đất dự án D’ San Raffles có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỷ đồng/m2. Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã dành 7 năm để có thể nhận được giấy phép quy hoạch cho dự án này.

Trước khi Tân Hoàng Minh thoái vốn, dự án D’ San Raffles được giới thiệu trên diện tích hơn 4.000 m2, được lên kế hoạch phát triển thành tòa nhà 9 tầng nổi và 5 tầng hầm, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ “siêu sang” có giá bán từ 7 tỷ đến 35 tỷ đồng.

Thế nhưng giấc mộng căn hộ “siêu sang” trên “đất vàng” không thành hiện thực, Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng dự án cho một đối tác chuyên về bất động sản hạng sang đến từ phía Nam là Masterise Group.

Có lẽ, “kinh nghiệm” từ dự án “dát vàng” D’. Palais de Louis số 6 Nguyễn Văn Huyên khiến doanh nghiệp không còn quá mặn mà với phân khúc này. D'.Palai de Louis được biết đến là một trong những dự án dát vàng đình đám một thời ở Hà Nội. Dự án khởi công xây dựng vào năm 2009 với tuyên bố chất lượng hạng sang, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chi tiết được dát vàng 24K nhưng số phận dự án lại không mấy suôn sẻ.

Thời điểm mở bán đợt đầu tiên vào năm 2011, D’. Palais De Louis được biết với danh xưng là khu căn hộ “Đế vương” với mức giá “khủng”, là căn hộ đắt đỏ nhất Việt Nam thời điểm đó. Mỗi m2 căn hộ được rao bán với giá trên 145 triệu đồng, tương ứng mỗi căn hộ có giá bán 13-27 tỷ đồng, Thậm chí căn penthouse lên đến 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do không thể bàn giao nhà đúng cam kết (năm 2015) nên tháng 12/2014, chủ đầu tư quyết định trả lại tiền cho những khách đã đặt cọc mua nhà trước đó.

Thoái vốn khỏi dự án
D'.Palai de Louis với danh xưng là căn hộ "Đế vương" được biết đến là một trong những dự án dát vàng đình đám một thời ở Hà Nội/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đến khi mở bán lần 2, dự án được chia làm 3 loại căn hộ với 3 mức giá khác nhau, mức giá thấp nhất là 60-65 triệu đồng/m2 đối với căn hộ bàn giao thô, 80-85 triệu đồng/m2 đối với căn hộ có nội thất cơ bản, 120-125 triệu đồng/m2 với căn hộ đầy đủ nội thất.

Sau hơn 10 năm khởi công xây dựng, D’. Palais De Louis vẫn chưa bàn giao và đưa vào vận hành. Được biết, Tân Hoàng Minh dự kiến sẽ bàn giao dự án này vào quý 4/2021.

Đến nay, số lượng căn hộ được bán tại dự án này vẫn là điều bí mật, trên các diễn đàn mua bán nhà đất và các phương tiện truyền thông, các căn hộ tại dự án này vẫn được rao bán rầm rộ. Theo đánh giá của một số chuyên gia, thanh khoản của dự án không cao và ít người tham gia do không phù hợp với thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhà ở “dát vàng” của Tân Hoàng Minh có những giá trị độc đáo, nổi trội, khác lạ… nhưng rồi cũng không thu hút được khách hàng tham gia bởi bản chất thị trường miền Bắc thực dụng, khó tính và không thích chơi trội, người dân ít có những chi tiêu xa hoa, phung phí như ở thị trường miền Nam.

Ngoài ra, tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh còn sở hữu loạt dự án căn hộ cao cấp quy mô lớn như D'. Le Roi Soleil - Quảng An, D'. Le Pont D'or - Hoàng Cầu, D'. El Dorado - Phú Thanh, Phú Thượng, D'. Capitale - Trần Duy Hưng,...

Dù vậy, doanh nghiệp cũng vướng nhiều “tai tiếng” từ chính những dự án này. Đặc biệt là tại dự án D'. Capitale - Trần Duy Hưng với những “lùm xùm” quanh câu chuyện hành lang 1,48m hồi năm 2018.

Đây cũng chính là lý do khiến dự án này “mất giá” và Tân Hoàng Minh giảm uy tín, thậm chí bị khách hàng tố “lừa đảo”. Đến nay, giá bán căn hộ tại D'. Capitale giảm mạnh cả trên thị trường thứ cấp và nguồn hàng sơ cấp từ phía chủ đầu tư. Từ năm 2019, các căn hộ còn lại của dự án được chủ đầu tư rao bán với tổng mức chiết khấu có thể lên đến 25% giá trị căn hộ.

Thoái vốn khỏi dự án
Thoái vốn khỏi dự án
Thoái vốn khỏi dự án
Thoái vốn khỏi dự án
Các thông tin rao bán "cắt lỗ" tại các dự án căn hộ cao cấp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trên thị trường thứ cấp, thời gian qua, hàng loạt dự án căn hộ cao cấp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong đó có D'Capitale Trần Duy Hưng được rao bán cắt lỗ ồ ạt.

Các dự án D'. Le Pont D'or 36 Hoàng Cầu, Đống Đa; D'El Dorado - Phú Thượng, D’. Le Roi Soleil - Quảng An… cũng rơi vào tình trạng tương tự khi nhiều thông tin rao bán cắt lỗ từ vài trăm triệu, thậm chí lên đến 1 – 2 tỷ đồng nhưng cũng không dễ tìm được người mua…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hải Lan - Huy Tùng

vietinbank
ajinomoto