Thêm một doanh nghiệp bất động sản muốn phát hành trái phiếu để đảo nợ

09:30 | 09/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, "ông lớn" bất động sản công nghiệp Becamex muốn huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu để thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn của các khoản nợ trái phiếu của công ty. Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt cũng muốn phát hành hơn 400 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ.

Đảo nợ là việc thực hiện huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ, hay nói đơn giản hơn là việc vay nợ mới để trả nợ cũ.

Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex - Mã: BCM) vừa thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, trái phiếu của Becamex thuộc loại không chuyển đổi, có kỳ hạn không quá 2 năm. Bên cạnh đó, có tài sản đảm bảo thuộc sở hữu của Becamex. Dự kiện trái phiếu sẽ được phát hành trong tháng 6/2023.

Bacamex cũng cho biết, lãi suất tối thiểu dự kiến cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 13%/năm, cứ ba tháng trả lãi một lần. Mức lãi suất của các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng tổng của 3,5% và lãi suất sản phẩm tiết kiệm trung dài hạn linh hoạt VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank).

Dòng tiền thanh toán trái phiếu sẽ đến từ nguồn thu từ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng. Đồng thời là các dự án khác thuộc Becamex và nguồn thu hợp pháp khác của doanh nghiệp.

Theo Becamex, số tiền huy động từ trái phiếu sẽ được dùng thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn các khoản nợ trái phiếu của công ty.

Thêm một doanh nghiệp bất động sản muốn phát hành trái phiếu để đảo nợ
KCN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương thuộc Becamex/ (Ảnh: Becamex)

Tại ngày 31/3, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Becamex là 16.488 tỷ đồng,chiếm 34% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.638 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 10.849 tỷ.

Tổng trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả (trong vòng 1 năm) là hơn 917 tỷ đồng. Trong đó, 399 tỷ đồng của Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), còn lại 518 tỷ đồng là các cá nhân khác.

Dư nợ trái phiếu thường dài hạn khoảng 8.964 tỷ đồng. Trong đó, các trái chủ là các ngân hàng MB Bank, Shinhan bank, TP Bank, Navibank, Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam, Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank…

Trước đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS) công bố nghị quyết HĐQT ngày 1/3 về việc thông qua phương án phát hành 410 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023.

Theo đó, VDS dự kiến phát hành 4.100 trái phiếu riêng lẻ, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 1 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10,15%/năm.

Tiền lãi trái phiếu được thanh toán định kỳ 1 tháng/lần, còn tiền gốc sẽ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn (trừ khi trái phiếu được mua lại trước hạn). Thời gian phát hành dự kiến từ ngày 03/03/2023. Giá chào bán tính theo mệnh giá.

Với 410 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, VDS dự kiến dùng toàn bộ để cơ cấu lại nợ, bao gồm thanh toán tiền gốc trái phiếu đến hạn và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng. Nếu chưa đến hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng gửi tiết kiệm.

Thêm một doanh nghiệp bất động sản muốn phát hành trái phiếu để đảo nợ

Hồi tháng 1/2023, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) chào bán ra công chúng lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng, nhằm tái cơ cấu các khoản nợ.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp với tổ chức phát hành, với kỳ hạn 60 tháng. Thời gian nhận đăng ký đặt mua từ 12/1/2023-20/2/2023. Đại lý phát hành là TCBS.

Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam mới đây dẫn ý kiến TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Đảo nợ không có gì xấu cả, đơn giản vì kỳ hạn quá ngắn, khác với trái phiếu doanh nghiệp ở các quốc giá khác có kỳ hạn 10-20 năm thì doanh nghiệp không phải đảo.

Điều này chứng tỏ trái phiếu linh hoạt hơn và tốt cho thị trường hơn là tín dụng trung-dài hạn. Nếu vay ngân hàng 3 năm mà doanh nghiệp không trả được sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, được ghi vào danh sách nợ xấu và được công bố bởi CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam). Trái phiếu thì khác, 3 năm có thể thành 6 năm, 6 năm có thể thành 9 năm.

Nghe đảo nợ cứ tưởng là xấu nhưng thực chất không có cách nào khác mà đây là một lợi thế của trái phiếu.

Theo báo cáo mới công bố của VNDirect, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng. Trong đó, quý II sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý I. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn. Đến quý III, VNDirect ước tính sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Và quý IV là 52.321 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương - Huy Tùng