Tập đoàn Geleximco vay nợ nhiều, lãi "mỏng dính"

11:30 | 12/07/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Geleximco - CTCP đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên nợ phải trả lên tới hơn 18.000 tỷ đồng, lãi sau thuế chỉ hơn 70 tỷ đồng.
ABBank dồn dập huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếuABBank dồn dập huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu
Năm 2023, nợ xấu tại ABBank tăng 20,8%Năm 2023, nợ xấu tại ABBank tăng 20,8%

Tập đoàn của đại gia Vũ Văn Tiền lấn sân vào ô tô

Tập đoàn Geleximco khá kín tiếng tại Việt Nam, gắn liền với tên tuổi doanh nhân Vũ Văn Tiền (SN 1959), là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp.

Tập đoàn Geleximco vay nợ nhiều, lãi

Geleximco, tiền thân là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội, là một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng, bất động sản và thương mại dịch vụ. Tập đoàn được sáng lập bởi ông Đào Mạnh Kháng (đã thoái vốn) và hai anh em ông Vũ Văn Tiền và Vũ Văn Hậu.

Hiện tại, Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu nhiều đơn vị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình...

Về kết quả kinh doanh của ABBank , năm 2023, lợi nhuận trước thuế giảm mạnh so với năm 2022 và không đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 513 tỷ đồng, giảm 69,6% so với cùng kỳ. Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2023 là 161.977 tỷ đồng, tăng 24,5%; huy động từ khách hàng 115.654 tỷ đồng, tăng 25,9%; tổng dư nợ 102.448 tỷ đồng, tăng 15,7%; vốn điều lệ tăng lên 10.350 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,17%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu 46,2%.

Đáng chú ý ở lĩnh vực bất động sản, Geleximco đã có những dự án gây chú ý trên thị trường ở các phân khúc sản phẩm từ nhà ở, khu đô thị, cho đến tòa tháp văn phòng hạng A. Điển hình như: Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn, khu đô thị An Bình City, An Bình Plaza (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son (Hải Phòng), ….

Vừa qua, Geleximco cũng gây chú ý đặc biệt khi bắt tay thương hiệu Omoda & Jaeco (thuộc tập đoàn Chery, Trung Quốc) xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình với vốn đầu tư ban đầu 800 triệu USD, sản xuất 200.000 xe/năm.

Tập đoàn Geleximco vay nợ nhiều, lãi
Lãnh đạo Geleximco và Omoda & Jaecoo trong lễ ký kết hợp đồng liên doanh ngày 4/4 vừa qua.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một (2024-2026) cho nhà máy này là 800 triệu USD (hơn 19.900 tỷ đồng), bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2026 với công suất dự kiến 50.000 xe/năm. “Nếu trong vài năm hoạt động hiệu quả, tôi tin rằng con số không dừng lại ở mức này. Bước đầu là 50.000, 100.000, 200.000, có thể là 300.000-400.000 xe và hơn thế nữa. Đó là mong muốn của 2 tập đoàn”, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Geleximco cho biết.

Ông cũng khẳng định định hướng của liên doanh Geleximco – Omoda & Jaecoo không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà chắc chắn phải ra nước ngoài mà điểm đến có thể là Mỹ, châu Âu.

Nợ phải trả chiếm hơn nửa tài sản, lãi mỏng

Tập đoàn Geleximco vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 73,8 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Tuy nhiên, kết quả này còn kém xa so với mức lợi nhuận kỷ lục 488 tỷ đồng đạt được vào năm 2021.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Geleximco đạt 12.295 tỷ đồng, tăng 6,8%, tương đương gần 780 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp đạt 0,6%, con số này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.

Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của Geleximco đã lên tới 18.688 tỷ đồng, vượt qua cả vốn chủ sở hữu 12.295 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, cho thấy rủi ro tài chính tiềm ẩn của tập đoàn. Như vậy, tổng tài sản của Geleximco tính đến cuối năm 2023 đạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dư nợ trái phiếu của Geleximco tại thời điểm cuối năm 2023 đã giảm 1.650 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn gần 1.230 tỷ đồng.

Tập đoàn Geleximco vay nợ nhiều, lãi
Nguồn: HNX

Theo dữ liệu trên chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong hai năm 2020-2021, Geleximco đã phát hành hàng chục lô trái phiếu, tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp này đã tất toán gần hết các lô trái phiếu đã phát hành và chỉ còn một phần lô trái phiếu mã GLXCH2124002 đang lưu hành.

Được biết, lô trái phiếu này được phát hành vào 10/11/2021 với giá trị gần 980 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm. Hiện nay, giá trị lưu hành của lô trái phiếu GLXCH2124002 giảm xuống còn 968 tỷ đồng do công ty đã mua lại 11,6 tỷ đồng trái phiếu.

Không chỉ Geleximco, một công ty con của tập đoàn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương, chủ đầu tư Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng cũng đang gặp khó khăn. Năm 2023, công ty tiếp tục báo lỗ 62 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba thua lỗ liên tiếp. Tình trạng này khiến vốn chủ sở hữu của Vạn Hương giảm xuống và hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 7,55 lần, tương đương với tổng nợ phải trả hơn 22.300 tỷ đồng.

Huy Tùng - Hoàng Trang