Tăng trưởng xanh - Nhân tố quan trọng của phát triển bền vững

14:00 | 04/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần tích cực vào việc triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, Tăng trưởng xanh sẽ phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường,q ua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tăng trưởng xanh - Nhân tố quan trọng của phát triển bền vững

Tại Việt Nam, từ lâu, Đảng ta đã xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Tăng trưởng xanh gắn liền với mục tiêu nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kinh, dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012. Chiến lược nêu 03 nhiệm vụ trọng tâm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tiếp đến, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.

Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh ngày càng được nâng lên. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt, việc triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được thực hiện rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của nước ta đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần.

Theo Quyết định số 1393 Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, xanh hóa sản xuất là một trong những nhiệm vụ chiến lược và quan trọng. Nhiệm vụ cụ thể: Thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát điều chỉnh những quy hoạch hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cổng TTĐT Bộ Công Thương