|
Kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực. |
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa công bố kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh nhiều triển vọng tích cực.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 10.092 tỷ đồng, bằng 40,4% kế hoạch và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.909 tỷ đồng, bằng 46,5% kế hoạch và cao hơn 4,3% so với cùng kỳ năm 2023; dự kiến nộp ngân sách toàn của Tập đoàn là 967 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh quý I đạt đạt 4.590 tỷ đồng doanh thu và 778 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, quý II của Tập đoàn đã ghi nhận 5.502 tỷ đồng doanh thu và 1.131 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 29% và 27% so với cùng kỳ 2023.
Kết quả tích cực này nhờ có bối cảnh vĩ mô thuận lợi, giá bán mủ cao su trên đà phục hồi, các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện đầu tư dần được khai thông. Tuy nhiên, Tập đoàn cũng gặp nhiều thách thức khi tình trạng biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ thu hoạch, thiếu lao động cạo mủ ở một số khu vực, giá cả, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng.
Biến động trái chiều của các công ty thành viên
Một vài công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy kết quả kinh doanh nhiều mảng màu đối lập, nhưng gam màu sáng đang chiếm chủ đạo tính đến thời điểm hiện tại.
Cụ thể, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (MCK: TRC) báo lãi ròng quý 2/2024 đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này nhờ việc giá vốn hàng bán tăng nhỏ chỉ 11%, trong khi doanh thu tăng đến 31% hơn 90 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, lãi ròng đạt 28,1 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ; doanh thu đạt 236 tỷ đồng doanh thu, tăng 35%.
Biểu đồ tình hình kinh doanh của Tập đoàn 2020 – 2024:
Cùng chung màu sắc tích cực, Công ty cổ phần Cao su Tân Biên (MCK: RTB) báo lãi sau thuế quý II/2024 của Cao su Tân Biên đạt 55,5 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước đó.
Giải trình về kết quả kinh doanh này, Cao su Tân Biên cho biết nguyên nhân do công ty có thu nhập khác tăng hơn so với cùng kỳ trên 17,3 tỷ đồng chủ yếu từ thanh lý cây cao su, kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng gần 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Cao su Tân Biên đạt 301,7 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế đạt 124,7 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh gam màu tươi sáng, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (MCK: PHR) lại có kết quả kinh doanh tương đối ảm đạm, khi doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm mạnh 73% so với cùng kỳ xuống gần 9 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.
Quý II, công ty có doanh thu thuần quý đạt hơn 186 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng chậm hơn doanh thu giúp lợi nhuận gộp tăng vọt 81% lên 21 tỷ đồng. Luỹ kế doanh thu bán niên 2024, Cao su Phước Hoà đạt doanh thu 455 tỷ đồng, lãi sau thuế 36 tỷ đồng.
Theo Báo cáo thống kê cao su thiên nhiên tháng 5/2024 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), ANRPC dự báo triển vọng toàn cầu về cao su thiên nhiên sẽ tăng 3,1%, tương đối nhanh hơn mức tăng 1,1% trong sản xuất. Đây là động lực tích cực cho các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng tốc về đích trong nửa sau 2024.
Chú trọng phát triển bền vững
Năm 2024 được Tập đoàn xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm thứ tư thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 – 2025 và kỷ niệm 95 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2024).
Do đó, Tập đoàn đã tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, gồm dự án khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi với tổng diện tích 2.809 ha tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Gia Lai; tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai (dự án cao su, dự án chế biến gỗ, khu công nghiệp…).
Tổng số lao động của các đơn vị thành viên Tập đoàn tính đến ngày 30/6 là 81.238 người. Trong đó, lao động nước ngoài (Campuchia, Lào) là 20.688 người, chiếm tỷ lệ 25,5%; lao động đồng bào dân tộc 21.910 người, chiếm tỷ lệ 27%; lao động nữ 34.424 người, chiếm tỷ lệ 42,4%; lao động gián tiếp 7.971 người, chiếm tỷ lệ 9,8%.
Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm của các đơn vị thành viên Tập đoàn là 6,79 triệu đồng/người/tháng, tương đương thu nhập cùng kỳ năm 2023. Theo Tập đoàn, thu nhập các tháng cuối năm của người lao động sẽ tăng cao do năng suất và sản lượng khai thác tăng.
Ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024. Tính đến hết tháng 6, Tập đoàn đã có 33 công ty thành viên xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững đạt 284.354 ha; 18 công ty thành viên được cấp Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng 118.337 ha và có 38 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su đạt PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm).
Triển khai thực hiện chứng nhận Doanh nghiệp bền vững năm 2024 đối với 23 công thành viên Tập đoàn ở các lĩnh vực cao su, sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su, chế biến gỗ, kinh doanh khu công nghiệp và thủy điện.
Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2024 công bố cuối tháng 6 vừa qua của Tạp chí Forbes Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xếp hạng thứ 17.
Năm 2023, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 24.699 tỷ đồng (bằng 101,9% kế hoạch); lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 3.372 tỷ đồng (bằng 100,3% kế hoạch). Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn có tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.980 tỷ đồng và 1.433 tỷ đồng, so với kế hoạch bằng 104,9% và 102,7%.
Phương Thảo