Sẵn sàng lực lượng hơn 500.000 bộ đội và dân quân tự vệ ứng phó với bão Conson
![]() |
![]() |
![]() |
Các đơn vị BĐBP đang phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động tránh trú bão. Ảnh: Bích Nguyên |
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, hôm nay (8/9), Bộ Tổng Tham mưu QĐND tiếp tục có điện chỉ đạo các đơn vị ứng phó với bão Conson. Trong đó lưu ý các đơn vị tập trung kiểm đếm số tàu thuyền và thông báo đến các tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên biển về diễn biến của bão. Ngoài ra phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân, nhà cửa, phương tiện, trang bị trên các đảo và vùng ven bờ, đồng thời sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn khi bão đổ bộ vào đất liền.
Theo ông Ngô Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Conson gây gió mạnh trên toàn vùng Bắc biển Đông từ cấp 8 đến 9, giật cấp 13. Vì vậy, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ bị ảnh hưởng, cần phải trú tránh để đảm bảo an toàn.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tổng số tàu, thuyền của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 65.302 tàu. Cũng trong khu vực này có 55 khu neo đậu tránh trú bão với tổng sức chứa 34.761 tàu.
Hiện, theo thống kê sơ bộ của một số địa phương có hơn 26.400 tàu cá đang hoạt động trên biển (Quảng Ninh 8.100, Hải Phòng 2.133, Nam Định 2.142, Ninh Bình 133, Thanh Hóa 6.810, Nghệ An 3.438, Hà Tĩnh 3.695). Ngoài ra còn có 394 tàu vận tải hoạt động tại các cảng.
Các đơn vị BĐBP đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác kiểm đếm, thông báo cho các tàu thuyền hoạt động trên biển về bão Conson.
Hiện, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn (rủi ro cấp 3) diện rộng trong điều kiện diễn biến Covid-19 phức tạp. Trong đó dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển (Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 1.100).
Các tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên lên kế hoạch sơ tán 114.091 dân khu vực ven sông và ngoài đê. Trong đó, các địa phương vùng núi như Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên có phương án sơ tán 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Trong khi đó, các tỉnh khác đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.
Về công tác y tế, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế cho biết đã chỉ đạo các địa phương tổ chức trực chuyên môn và trực cấp cứu, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân do mưa bão. Đồng thời chuẩn bị các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu, đảm bảo đầy đủ vật tư, thuốc phục vụ cứu chữa bệnh nhân, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các điểm sơ tán dân phòng, chống thiên tai.
Vân Anh
https://dulich.petrotimes.vn/
Theo bienphong.com.vn
- Mô hình nhà máy điện mặt trời nổi: Bước đột phá xanh cho nuôi trồng thủy sản
- VSOE 2024: Cơ hội kết nối với những chuyên gia hàng đầu về công trình ngoài khơi
- Sóc Trăng hợp tác nuôi trồng thủy sản bền vững
- Bất chấp hạn hán, lợi nhuận của kênh đào Panama tăng mạnh
- Gia đình 3 người trôi dạt trên bè cá được cứu sống
- Nam Định- Thái Bình: Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão
- Nhà nông Nam Định: run rẩy đối mặt cơn bão lớn
- [Infographic] Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản
- Cảng biển TP Hồ Chí Minh quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt
- Cảng Chu Lai đưa vào vận hành hệ thống cẩu chuyên dụng