Quảng Trị: Những người canh giữ “mắt thần” của biển

19:20 | 15/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Dù phải làm việc trong điều kiện khó khăn và xa gia đình nhưng những người canh giữ ngọn hải đăng trên huyện đảo Cồn Cỏ không quản ngại gian khó để giữ cho ngọn “đèn biển” được sáng mãi giữa biển khơi. Với họ, ngọn hải đăng đêm đêm tỏa sáng không chỉ định hướng cho tàu thuyền giữa đại dương bao la mà còn khẳng định cột mốc chủ quyền biển, đảo quê hương.
Quảng Trị: Những người canh giữ “mắt thần” của biển
Anh Công lau chùi đèn hải đăng - Ảnh: T.P, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Công việc lặng thầm

“Alo, bố và các chú đã ăn cơm chưa ạ? Mẹ với con vừa ăn cơm rồi. Con nhớ bố nhiều lắm. Bao giờ bố về?”, ngay khi điện thoại vừa được kết nối, tiếng nói trong trẻo của một đứa trẻ vang lên, xóa tan bầu không khí yên tĩnh. Anh Phạm Văn Cung đặt vội ly nước chè xuống bàn, nhìn vào màn hình điện thoại với ánh mắt âu yếm, nhỏ giọng dỗ dành: “Bố cũng nhớ mấy mẹ con. Bao giờ công việc, thời tiết thuận lợi, bố sẽ về!”.

Đều đặn mỗi ngày, vào khoảng thời gian sau bữa cơm tối, anh Cung và các anh em đang làm nhiệm vụ tại Trạm Hải đăng Cồn Cỏ sẽ gọi về cho gia đình. Nội dung cuộc gọi chủ yếu là hỏi thăm tình hình sức khỏe, hoạt động trong ngày của nhau nhưng đó lại là “liều thuốc tinh thần” không thể thiếu của các anh.

Quảng Trị: Những người canh giữ “mắt thần” của biển
Ngọn hải đăng nằm ở vị trí cao nhất trên huyện đảo Cồn Cỏ - Ảnh: T.P, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Đêm trên huyện đảo Cồn Cỏ rất yên tĩnh. Âm thanh từ chiếc ti vi nhỏ trong phòng ăn tại trạm không đủ khỏa lấp đi sự vắng vẻ của không gian. Anh Cung dẫn chúng tôi lên cầu thang hình xoắn ốc, chỉ tay về ngọn đèn hải đăng đang phát sáng, chia sẻ: “Để hải đăng luôn sáng giúp tàu thuyền qua lại an toàn trên biển, chúng tôi thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ tại trạm, bất kể trời mưa, nắng hay sóng gió bão bùng giữa mênh mông biển khơi. Hằng ngày, vào 8 giờ sáng, 15 giờ chiều chúng tôi có nhiệm vụ phải thông tin về trung tâm ở đất liền tình hình tàu thuyền qua vùng biển và tình hình thời tiết khu vực để trung tâm ở đất liền cảnh báo kịp thời cho tàu thuyền.

Cùng với đó, chúng tôi luôn lau chùi, bảo quản đèn thường xuyên”. Được biết, công tác bảo quản đèn rất công phu. Nhiều năm qua, các anh luôn phải leo lên cao để làm việc, chỉ cần sơ suất là xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Ngoài việc bảo dưỡng đèn, các anh còn thay nhau kiểm tra tổ hợp điện, kiểm tra ắc quy và nạp điện vào bình ắc quy để đảm bảo cho đèn sáng trong mọi điều kiện thời tiết.

“Trạm Hải đăng Cồn Cỏ được xây dựng và đưa vào sử dụng đầu năm 2007, trực thuộc Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Bắc Trung Bộ - Bộ Giao thông vận tải Việt Nam. Ngọn hải đăng Cồn Cỏ có hình trụ với chiều cao 24,2 m tính đến móng công trình, chiều rộng trung bình 4,5 m, được sơn màu vàng nổi bật”.

Trò chuyện với chúng tôi trong ca trực của mình, anh Bùi Thế Nam, một cán bộ của Trạm Hải đăng Cồn Cỏ chia sẻ: Để những ngọn hải đăng không bao giờ tắt trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi phải làm việc ngày đêm trong môi trường khắc nghiệt, thường xuyên tiếp xúc với ắc quy, axít và thiết bị máy móc, những vật dẫn điện.

Với anh Nam, công việc hằng ngày của người gác “đèn biển” cũng không nặng nhọc, vất vả nhưng cần sự kiên trì, cẩn thận. Các thiết bị phải được bảo quản hằng ngày, thiết bị sạch thì mới hấp thụ tốt năng lượng và làm cho đèn sáng hơn, tàu thuyền dễ nhận biết hơn.

“Công việc chính ở trạm là thường xuyên lau chùi các thiết bị, kiểm tra, duy trì hệ thống đèn hải đăng phát tín hiệu, chiếu sáng, thông báo kịp thời cho các tàu, thuyền tránh bão, lưu thông an toàn trên biển. Chỉ một chút lơ là, để hệ thống đèn sáng báo tín hiệu xảy ra sự cố thì nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn đối với các tàu là khó tránh khỏi, nhất là vào thời điểm biển động, mùa mưa”, anh Nam bộc bạch.

Tuy nhiên, nếu ai hỏi có muốn chuyển công tác vào đất liền hay không thì anh Nam và đồng nghiệp đều trả lời không. Bởi lẽ, biển cả và công việc “gác đèn” này đã trở thành một phần cuộc sống của các anh.

Xem biển là nhà

Trạm Hải đăng Cồn Cỏ hiện có tổng cộng 6 người đến từ nhiều vùng, miền khác nhau trên cả nước như Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An... Được biết, so với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, mức thu nhập của những người làm công việc “gác đèn” tương đối thấp. Nhiều người từng đến đây công tác nhưng chỉ sau vài tháng đã xin chuyển đi, nhưng cũng có người bám trụ, gắn bó với công việc này ngót nghét 15 năm.

Như anh Đồng Văn Quyền là một ví dụ. Về nhận nhiệm vụ “gác đèn” trên huyện đảo Cồn Cỏ từ năm 2008, sau 3 năm đóng quân tại đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, số lần về thăm gia đình tại Hải Dương của anh Quyền chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng không vì thế mà niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc trong anh giảm đi. Anh cho biết mình chọn nghề này vì tình yêu lớn dành cho biển đảo.

“Lúc trước mới ra đây, tôi nhớ nhà, nhớ đất liền kinh khủng. Sau rồi cũng quen dần, ở đây mọi người luôn chia sẻ, động viên lẫn nhau. Thông thường mỗi năm về phép một lần, nhưng cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ gần 2 năm hoặc lâu hơn nữa mới được vào đất liền. Mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái, cha mẹ già yếu đều một tay người vợ ở nhà lo toan sớm tối”, anh Quyền tâm sự.

Quảng Trị: Những người canh giữ “mắt thần” của biển
Ngoài làm nhiệm vụ tại trạm, nhân viên Trạm Hải đăng Cồn Cỏ còn tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hằng ngày - Ảnh: T.P, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Sống trên huyện đảo, không chỉ có nỗi nhớ đất liền, nhớ gia đình mà các anh còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức khác. Giữa bốn bề sóng biển, anh Quyền, anh Cung và những người đồng nghiệp luôn trữ nước mưa, tự túc lương thực và trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Nhớ nhất là lúc sóng to, gió lớn, lương thực trong trạm như thức ăn, gạo, mắm, muối hết sạch, mấy anh em chỉ biết động viên nhau cố gắng bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ.

Biết được hoàn cảnh của các anh, người dân và các đơn vị lân cận thường san sẻ, hỗ trợ lương thực. Anh Quyền chia sẻ thêm: “Nhiều đêm đứng dưới chân hải đăng, nhớ nhà ứa nước mắt. Mùa biển lặng còn đỡ, khi biển động sóng lớn, mưa trút nước ầm ầm, nỗi nhớ càng trào dâng. Trong điều kiện thời tiết đó, chúng tôi phải thay nhau trèo lên đỉnh để kiểm tra, đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt dù trong bất cứ tình huống nào”.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ của mình, anh Bùi Thọ Công, quê ở Thái Bình cho hay: “Thời điểm trước khi COVID - 19 xuất hiện, số lượng khách du lịch đến với huyện đảo rất đông. Có những đoàn du lịch tự phát khi đến đây vào trạm xin tá túc, ăn bữa cơm đạm bạc cùng chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi không chỉ là người “gác đèn” mà còn là hướng dẫn viên du lịch cho họ”. Điều chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất trong câu chuyện của các anh chính là niềm đam mê, niềm vui khi được làm công việc “gác đèn” hải đăng này.

Với các anh, ngần ấy năm gắn bó với biển thì cũng ngần ấy năm phải sống xa gia đình, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng không ai than phiền hay đòi hỏi cho bản thân mà luôn vững vàng trước sóng to, gió lớn. Ngọn hải đăng được ví như “mắt thần” giữa biển khơi và các anh luôn tự hào khi là những người giữ cho “mắt thần” sáng mãi.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Trúc Phương

baoquangtri.vn