Phú Yên: Đầu tư đồng bộ để phát triển nuôi biển bền vững

09:40 | 09/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bộ NN-PTNT đang triển khai thực hiện đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội để Phú Yên phát triển nuôi biển theo hướng bền vững.
Phú Yên: Đầu tư đồng bộ để phát triển nuôi biển bền vững
Lãnh đạo Sở NN-PTNT kiểm tra việc nuôi thủy sản lồng bè ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC, https://dulich.petrotimes.vn

Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế

Phú Yên có trên 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông có khả năng nuôi trồng thủy sản. Từ lợi thế này, nghề nuôi biển ở Phú Yên đã hình thành từ những năm 1990, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 110.000 ô lồng nuôi thủy sản, trong đó tôm hùm hơn 100.000 lồng. Năm 2021, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 14.100 tấn, trong đó sản lượng tôm hùm đạt khoảng 1.500 tấn.

Theo Sở NN-PTNT, phát triển nuôi biển trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển của tỉnh. Hoạt động nuôi biển đã được triển khai rộng khắp tại các địa phương ven biển, nhiều mô hình nuôi biển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ven biển… Tuy nhiên, vùng biển Phú Yên là vùng bãi ngang, nằm trong khu vực có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới nhiều nên ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, do phát triển không theo quy hoạch nên một số vùng nuôi quá tải dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, phát triển thiếu bền vững…

Tại TX Sông Cầu, nghề nuôi trồng thủy sản góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sinh kế cho người dân ven biển. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, không theo quy hoạch và thả nuôi với mật độ khá cao (khoảng 200 lồng/ha, gấp 3 lần so với quy định) dẫn đến tình trạng các vùng nuôi quá tải, môi trường vùng nuôi nhiều năm qua bị ô nhiễm nghiêm trọng (nhất là vịnh Xuân Đài), dẫn đến tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại nặng nề về kinh tế…

“Để phát triển theo hướng bền vững, cần thiết phải quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sắp xếp và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho người dân, có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ của người dân cùng các tổ quản lý cộng đồng”, ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thực trạng hiện nay đối với công nghệ nuôi biển ở Phú Yên chưa phù hợp, hầu hết đất ven biển đã ưu tiên quy hoạch phát triển du lịch. Tỉnh chưa áp dụng được chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển xa bờ, chưa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ nuôi đầm vịnh ra các vùng biển hở. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chưa xuất khẩu chính ngạch được, chưa có nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư nuôi biển công nghiệp ở Phú Yên.

Còn theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế và chậm, đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ. Việc quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng đưa vào hoạt động chưa đạt được theo công suất thiết kế. Nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn, con giống sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè còn lạc hậu, chưa thích ứng với xu hướng nuôi công nghiệp…

Phú Yên: Đầu tư đồng bộ để phát triển nuôi biển bền vững
Tôm hùm là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực ở TX Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC, https://dulich.petrotimes.vn

Chiến lược phát triển bền vững

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để phát triển ngành nuôi biển cần có các chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu ứng dụng trong nuôi biển công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ khác như thức ăn công nghiệp, lồng, bè chuyên dụng, con giống… Trước mắt, tỉnh đang bổ sung khoảng 1.000ha vùng biển hở ở TX Sông Cầu và 350ha vùng biển hở huyện Tuy An để phát triển nuôi biển và bổ sung khoảng 6-10ha đất ven biển ở TX Sông Cầu và 3-5ha ở xã An Hải (huyện Tuy An) để đầu tư cầu cảng, công trình phụ trợ phục vụ công tác nuôi biển.

Phú Yên cũng đang điều chỉnh cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản giảm dần đến ổn định diện tích nuôi đầm, vịnh, vùng biển ven bờ chiếm khoảng 15-20% diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản; phát triển tương ứng nuôi trồng thủy sản để thay thế sinh kế tại vùng biển hở và một số vùng trên bờ; sản lượng nuôi đến năm 2025 đạt khoảng 16.700 tấn và đến năm 2030 đạt khoảng 19.4000 tấn. “Tỉnh khuyến khích phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển và thủy đặc sản nước ngọt; nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống, bảo đảm cung cấp trên 90% nhu cầu giống chủ lực sạch bệnh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng quy trình nuôi có chứng nhận; tăng diện tích nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và nuôi vùng biển hở…”, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nuôi biển gần bờ ưu tiên phát triển các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh như các nhóm cá biển, giáp xác, nhuyễn thể, rong, tảo biển, sinh vật cảnh và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác. Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, phát triển nuôi biển gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản. Phát triển nuôi biển ở các tỉnh có điều kiện thuận lợi; phát triển sản xuất giống cá biển, rong, tảo biển, sinh vật cảnh tập trung; xây dựng và vận hành mô hình đồng quản lý trong quản lý và khai thác có hiệu quả, bền vững giống tôm hùm. Đồng thời hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, nước ta phải nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững.

Mục tiêu của nước ta đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt khoảng 280.000ha, thể tích lồng nuôi khoảng 10 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỉ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt khoảng 300.000ha, thể tích lồng nuôi khoảng 12 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỉ USD. Đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển ở nước ta đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận trong ngành thủy sản, đóng góp trên 25% sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỉ USD.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

https://dulich.petrotimes.vn

baophuyen.vn