Phú Yên chú trọng phát triển kinh tế biển

09:02 | 09/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Phú Yên đã tận dụng lợi thế về nguồn tài nguyên phong phú để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời đưa thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế.
Phú Yên: Từ lễ chào cờ đầu năm đến sản phẩm du lịch độc đáoPhú Yên: Từ lễ chào cờ đầu năm đến sản phẩm du lịch độc đáo
Tháp Nghinh Phong - Công trình kiến trúc độc đáoTháp Nghinh Phong - Công trình kiến trúc độc đáo
Phú Yên chú trọng phát triển kinh tế biển
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu tham dự Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 về tiềm năng phát triển kinh tế biển của Phú Yên. Ảnh: Anh Ngọc

Phát triển du lịch bền vững

Những năm qua, Phú Yên đã tận dụng tốt lợi thế về các kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mang vẻ đẹp hoang sơ kết hợp với bề dày lịch sử văn hóa, các lễ hội của người dân địa phương để quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhiều tour du lịch kết nối danh lam thắng cảnh gành Đá Đĩa với mũi Điện và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn được hình thành trong hành trình về với vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” này.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, lần đầu tiên chị đến Phú Yên cách đây 10 năm, lúc này còn rất hoang sơ. Bây giờ trở lại, chị thấy Phú Yên phát triển rất mạnh về cơ sở hạ tầng đến các khu du lịch, resort, khách sạn. Phú Yên ngày càng có nhiều điểm tham quan, chụp ảnh lưu niệm rất đẹp. Địa phương phát triển du lịch nhưng cũng giữ gìn được những giá trị thiên nhiên, con người thân thiện.

Còn theo ông Michael Melzer, Tổng quản lý Stelia Beach Resort, Phú Yên đang là vùng đất thu hút nhiều nhà đầu tư và được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn khi đến Việt Nam. Phú Yên có sân bay, có các tuyến quốc lộ, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua nên rất thuận lợi cho việc đi lại. Về phía resort, đơn vị cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động phục vụ du khách. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với sở, ban, ngành của tỉnh để giới thiệu các danh lam, thắng cảnh cũng như các điểm đến hấp dẫn của Phú Yên qua các kênh mạng xã hội.

Năm 2022 là năm phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19. Phú Yên đã đón trên 2,2 triệu lượt du khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 7.100 lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt gần 2.800 tỉ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh, để có được kết quả khả quan trên, trong năm qua, sở đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thu hút khách du lịch như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh Phú Yên; hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư du lịch Phú Yên; trình diễn ẩm thực cá ngừ đại dương; triển lãm ảnh nghệ thuật “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”... Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, tour kết nối các điểm đến, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch và mở rộng hợp tác quốc tế.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng, resort. Một số dự án đã được khởi công như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Nồm, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Crystal Holidays Marina Phú Yên... đã góp phần nâng tầm du lịch Phú Yên, tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách trong hành trình du lịch ở tỉnh. Đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 82 khách sạn, 89 nhà nghỉ và 26 homestay đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch những nơi có lợi thế phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác. Tỉnh cũng tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ cho du lịch. Ngoài ra, địa phương còn đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, mở thêm các tuyến khách quốc tế và khách trong nước; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư du lịch tại Phú Yên trong thời gian tới.

Phú Yên chú trọng phát triển kinh tế biển
Tôm hùm là đối tượng nuôi truyền thống, đem lại nguồn thu nhập cho người dân ven biển TX Sông Cầu. Ảnh: Anh Ngọc

Đầu tàu kinh tế của tỉnh

Tỉnh Phú Yên có đường bờ biển dài khoảng 190km, ngư trường rộng, nguồn thủy sản phong phú, nhiều đầm vịnh kín gió nên rất thuận lợi cho nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển dịch vụ và cảng biển. Nhận thức được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, khuyến khích ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm của tỉnh đạt trên 60.000 tấn; trong đó, cá ngừ đại dương trên 6.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 40% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, tỉnh có lợi thế về phát triển thủy sản. Thế mạnh của Phú Yên là nhóm tàu ở vùng khơi, chuyên khai thác cá ngừ đại dương. Thời gian qua, tỉnh tập trung hiện đại hóa các đội tàu câu cá ngừ đại dương để nâng cao chất lượng và hiệu quả nghề khai thác cá ngừ, góp phần vào kinh tế thủy sản của tỉnh.

Phú Yên có 4 địa phương ven biển, dân số chiếm 56,4% dân số toàn tỉnh, gồm: TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và huyện Tuy An. Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khu vực ven biển Phú Yên đang trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, Khu kinh tế Nam Phú Yên là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ. Cảng biển Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm.

Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, kinh tế biển đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế của tỉnh. Dự kiến, cơ cấu GRDP của bốn địa phương ven biển của tỉnh chiếm đến 70% GRDP toàn tỉnh. Tỉnh đã xây dựng một chương trình hành động về phát triển kinh tế biển, tập trung vào phát triển công nghiệp ở Khu kinh tế Nam Phú Yên để tạo nguồn thu ổn định, cải thiện cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh định hướng nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo vệ cảnh quan môi trường. Các loại thủy sản nuôi truyền thống như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng sẽ dần được chuyển hướng sang nuôi trên cạn để hạn chế rủi ro và ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng xây dựng một số loại thủy sản nuôi mới như rong biển để tạo thêm sinh kế cho người dân khu vực ven biển. Về khai thác thủy sản, Phú Yên định hướng tăng cường đánh bắt xa bờ và hạn chế đánh bắt gần bờ, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản.

Đối với ngành Du lịch, Phú Yên phấn đấu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch phát triển toàn tỉnh nhưng trọng tâm vẫn là khu vực các địa phương ven biển. Động lực chính là hai địa phương Sông Cầu và Tuy An với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích quốc gia…

https://dulich.petrotimes.vn/

Báo Phú Yên