Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh

09:41 | 02/11/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thuận Nam có bờ biển dài 43 km, ngư trường rộng lớn với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao cho khai thác quanh năm, chất lượng nguồn nước tốt. Chạy dọc ven biển là những bãi tắm còn nguyên sơ kết hợp địa hình đồi núi bán sơn địa, đồi cát rộng lớn, khí hậu tiểu sa mạc đặc trưng có nhiều lợi thế để phát triển tổng hòa các ngành kinh tế biển.

Bước đột phá từ Nghị quyết số 07-NQ/TU

Thời kỳ đầu mới tái lập, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) chỉ đang trong giai đoạn định hình phát triển, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn còn thấp, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010- 2015 đạt 9,4%. Qua thời gian thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 đánh dấu bước ngoặt mới đối với phát triển kinh tế biển ở Thuận Nam.

Sau 5 năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế tăng trưởng rõ nét; tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 35.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi giai đoạn trước đó; một số lĩnh vực phát triển khá; cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân đạt 34,1%/năm. Lĩnh vực du lịch, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hạ tầng cảng biển và công nghiệp ven biển thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn.

Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh
Cảng biển Tổng hợp Cà Ná đang được gấp rút thi công mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế biển ở Thuận Nam. Ảnh: N.Diệp/https://dulich.petrotimes.vn

Từ một huyện có điểm xuất phát thấp, đến nay lĩnh vực du lịch biển bước đầu ghi dấu ấn với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, thể thao mạo hiểm từ sự hình thành của Khu du lịch Tanyoly. Sắp tới, Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, quy mô trên 500 ha, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với nhiều dịch vụ tiện ích từ lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi, giải trí đẳng cấp nghỉ dưỡng 5 sao do Tập đoàn Crystal Bay làm chủ đầu tư khởi công giai đoạn 1 và đi vào khai thác trong năm 2022. Ngoài ra, triển khai thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TU của Tỉnh ủy và vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023 theo Nghị quyết số 115/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thuận Nam đã chủ động phối hợp với các sở, ngành đề xuất, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, tạo ra sản phẩm mới, thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà.

Đến nay, trên địa bàn huyện, có 14 dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất trên 1.166 MW. Dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục đưa vào vận hành 3 dự án điện gió với tổng công suất 188 MW. Huyện đang có triển vọng phát triển điện gió trên biển, khi trở thành địa phương đầu tiên được tỉnh chấp thuận cho nhà đầu tư thăm dò, khảo sát vị trí thứ nhất trong số 15 vị trí thuộc quy hoạch phát triển điện gió trên biển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với công suất 502 MW.

Đặc biệt, Thuận Nam là địa phương duy nhất của tỉnh ta đến thời điểm này có Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, quy mô 430 ha, thiết kế bao gồm 25 bến tổng hợp và chuyên dùng được Chính phủ phê duyệt. Dự án đã khởi công giai đoạn 1 vào tháng 8-2020, trên diện tích 108 ha với các phân khu chức năng gồm 2 bến cảng từ 70.000-100.000 trọng tải, 1 bến cảng 20.000 trọng tải và khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ với công suất thiết kế lượng hàng qua cảng khoảng 3,3 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng. Cùng với đó, nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với công suất 1.500 MW nằm trong Dự án Tổ hợp 4 nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 6.000 MW cũng đang trong giai đoạn triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư; Khu công nghiệp Cà Ná diện tích 827 ha đang chờ Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Gắn phát triển với tăng trưởng xanh

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, Thuận Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá vươn lên. Trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045, huyện xác định kinh tế biển là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển.

Trên cơ sở đó, huyện Thuận Nam đề ra nhiệm vụ đến năm 2030 phát triển đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, dịch vụ và du lịch biển, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, kinh tế hàng hải và khai thác các tài nguyên khoáng sản biển khác. Cụ thể: Tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch theo hướng công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; thu hút các nhà đầu tư có năng lực sớm đầu tư hoàn thiện xây dựng Tổ hợp Điện khí LNG Cà Ná; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với hình thành đô thị ven biển.

Trước mắt, phối hợp xúc tiến khởi động dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao mạo hiểm Mũi Dinh Ecopark; đẩy nhanh triển khai các dự án khu vực công nghiệp phía Nam tỉnh, trọng tâm là Khu công nghiệp Cà Ná gắn với Tổ hợp Điện khí LNG Cà Ná theo hướng khu công nghiệp sinh thái ven biển; phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ; thu hút các dự án công nghiệp có nhu cầu vận tải đường biển, từng bước hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ vận tải biển, hệ thống các kho hàng, bến bãi, cung ứng dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng, bảo hành và cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ vận tải biển; tập trung phát triển ngành Công nghiệp chế biến muối và sau muối...

https://dulich.petrotimes.vn

Báo Ninh Thuận