Pháp lý rõ ràng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở lại đỉnh cao?

14:06 | 02/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bất động sản nghỉ dưỡng đang cho thấy những dấu hiệu tích cực nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng du lịch. Tuy nhiên, để tìm lại thời hoàng kim, loại hình này cần được “cởi trói” pháp lý rõ ràng hơn.
Doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng mong thiết lập Doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng mong thiết lập "bản đồ du lịch vùng xanh"
Đầu tư bất động sản du lịch: Đầu tư bất động sản du lịch: "Miếng bánh ngon" không dành cho người "nóng vội"

Theo báo cáo thị trường do DKRA Việt Nam vừa công bố, nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận tại các phân khúc biệt thự, nhà phố, shophouse. Đáng chú ý, mặt bằng giá tất cả các phân khúc đều tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.

Pháp lý rõ ràng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở lại đỉnh cao?
Pháp lý rõ ràng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở lại đỉnh cao/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó, giá bán sơ cấp, giá trung bình biệt thự nghỉ dưỡng tại khu vực miền Nam là 37,1 tỷ đồng/căn, tại miền Trung là 30,2 tỷ đồng/căn và tại miền Bắc là 17,8 tỷ đồng/căn. Đáng chú ý, giá bán sơ cấp đã tăng 11 - 28% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, cho hay trong 2 quý đầu năm 2022 có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng triển khai. Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn), nhà phố và shophouse là 23 dự án (5.145 căn), condotel là 8 dự án (1.591 căn).

“Dù vẫn chịu dư chấn của dịch bệnh nhưng giá các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, ở mức từ 9-40%. Đây rõ ràng là tín hiệu tích cực cho loại hình này”, ông Thắng nhận định.

Những chỉ dấu tích cực từ thị trường đang khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào một chu kỳ tăng trưởng mới cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thậm chí không ít người lạc quan đang kỳ vọng loại hình này sẽ trở lại “thời hoàng kim”.

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, khoảng 80-90% thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo. Do đó các tỉnh, thành ven biển có lợi thế lớn để phát triển loại hình này.

Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch của Nhà nước hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 và ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2030. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong đợi một chu kỳ tăng trưởng mới.

“Chúng tôi rất kỳ vọng bất động sản và ngành du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Điều này sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư, khách hàng”, ông Châu nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để trở lại thời đỉnh cao, bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi tháo gỡ nhiều điểm nghẽn còn tồn tại, trong đó định vị pháp lý là một trong những “điểm huyệt” lớn nhất.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý cần có kế hoạch, giải pháp giải quyết căn cơ, điều tiết quan hệ cung - cầu bất động sản. Theo đó, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp.

Nếu sớm giải quyết vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng thì có thể giải tỏa cho khoảng 239 dự án thuộc loại hình này trên toàn quốc, với tổng giá trị khoảng 682.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chưa kể hàng nghìn dự án có đất đai bỏ trống, dở dang, lãng phí.

Còn ông Lê Hoàng Châu cho rằng, có 3 luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị. Tính chính danh của bất động sản du lịch đã được quy định trong các văn bản là đã có nhưng cần phải hoàn thiện.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng sau chuỗi ngày “u ám” hiện đã hội tụ cả thế và lực, nếu được “cởi trói” rõ ràng hơn về pháp lý và những vấn đề liên quan, phân khúc này hoàn toàn có thể nghĩ tới những bước sóng tăng trưởng mới, thậm chí quay trở lại “thời kỳ đỉnh cao”.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng