Ninh Thuận: Động lực phát triển kinh tế biển

19:40 | 20/02/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhằm huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, nhất là vùng bãi ngang và vùng quy hoạch các công trình dự án trọng điểm về du lịch, năng lượng và đô thị ven biển... ; ngày 17-1-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực.

Phát triển hướng mạnh ra biển

Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy xác định, trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 15-16%/năm; huy động tổng vốn đầu tư cho kinh tế biển khoảng 61-62 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm khoảng 94-95%. Đến năm 2025, kinh tế biển chiếm 41-42% tổng sản phẩm nội tỉnh; trong đó cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế biển: Năng lượng ven biển chiếm 35-36%; Công nghiệp ven biển chiếm 16-17%; Thủy sản chiếm 24-25%; Đô thị, dịch vụ du lịch biển chiếm 16-17%; Kinh tế hàng hải chiếm 7-8%.

Ninh Thuận: Động lực phát triển kinh tế biển
Khu vực Đầm Nại thuộc thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ, https://dulich.petrotimes.vn

Trên sở mục tiêu Nghị quyết đề ra, Tỉnh ủy giao các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo việc tổ chức quán triệt sâu kỹ; đồng thời xây dựng Nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Tập trung phát triển đột phá các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên như: Phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; phát triển đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển; phát triển công nghiệp ven biển; phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy hải sản; kinh tế hàng hải... Trong đó, năng lượng là lĩnh vực đột phá, quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế biển; tập trung phát triển hướng ra biển, xúc tiến đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển theo hướng công nghệ mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná giai đoạn 1 quy mô 1.500 MW; kiến nghị Trung ương bổ sung thay thế nguồn điện hạt nhân quy mô 4.600 MW bằng điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), hướng đến hình thành Trung tâm điện lực Cà Ná quy mô 6.000 MW.

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, hình thành và khai thác hiệu quả tuyến du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa với các tuyến du lịch quốc gia, gắn với phát huy, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc, nhằm phát huy thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng để đưa du lịch biển Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 12-13% doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường gắn với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến thủy sản, sản xuất muối, sản phẩm sau muối, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu... Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Tập trung phát triển đồng bộ giữa khai thác, nuôi trồng thủy sản hướng mạnh ra biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản trên đất liền đạt 500-600 ha, trên biển khoảng 1.000 ha; sản lượng khai thác đạt 110-150 nghìn tấn; sản xuất tôm giống đạt 41 tỷ con; giá trị gia tăng ngành thủy sản tăng đến 2-3%/năm. Hoàn thành đầu tư Cảng biển tổng hợp Cà Ná, hình thành Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics, từng bước hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ logistics; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông, kết nố liên thông các cảng biển với các tuyến đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27. Đến năm 2025, kinh tế hàng hải chiếm khoảng 7-8% trong cơ cấu các ngành kinh tế biển...

Đến năm 2030 đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển

Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra định hướng đến năm 2030 đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh mạnh về biển, trong đó kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm 45-46% tổng sản phẩm nội tỉnh; là tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, trong đó thu nhập dân cư bình quân khu vực ven biển gấp 1,2 lần trở lên so với bình quân toàn tỉnh. Để thực hiện đạt mục tiêu này, ngoài các giải pháp đã được nêu trên, Nghị quyết xác định rõ 3 khu vực để ưu tiên phát triển phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vừng, cụ thể:

Khu vực ven biển phía Bắc thuộc huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, gồm các xã ven biển: Công Hải, Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải và một phần xã Tri Hải với chức năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và trải nghiệm, đô thị du lịch, du lịch sinh thái gắn với khai thác hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.

Khu vực ven biển trung tâm gồm khu vực ven biển Ninh Chữ - Đầm Nại gồm: Thị trấn Khánh Hải, một phần xã Tri Hải và các phường Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Đông Hải, Mỹ Đông, một phần xã An Hải gắn với động lực phát triển kinh tế - xã hội Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Phát triển dịch vụ du lịch tại các khu vực ven biển Ninh Chữ, Đầm Nại và phía Nam Sông Dinh.

Ninh Thuận: Động lực phát triển kinh tế biển
Một góc khu đô thị đầm Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ, https://dulich.petrotimes.vn

Khu vực ven biển phía Nam thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Phước, gồm các xã ven biển: một phần xã An Hải, Phước Hải, Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó động lực chính cho phát triển là Cảng biển tổng hợp Cà Ná; tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và các khu đô thị mới. Phát triển khu vực Mũi Dinh trở thành trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp phía Nam tỉnh.

Đi liền với đó là phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu công nghiệp, khu đô thị du lịch ven biển như: Xây dựng các khu công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng hướng đến hình thành khu kinh tế ven biển của cả nước. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống đô thị du lịch ven biển có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, tôn tạo và nâng cao giá trị các cảnh quan, sinh thái, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó: Đô thị Phan Rang-Tháp Chàm là đô thị trung tâm, hiện đại, thông minh, có tính chất đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái; đô thị Cà Ná là đô thị công nghiệp, dịch vụ sinh thái; xúc tiến đầu tư, triển khai các khu đô thị mới ven biển, như: Sơn Hải, Đầm Cà Ná, Đầm Nại, Khánh Hải, Vĩnh Hải, khu đô thị hai bên bờ Sông Dinh...

Để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng ven biển, gắn với bảo vệ môi trường ven biển, tỉnh còn hoàn thiện kết cấu hạ tầng, sắp xếp, bố trí lại các khu dân cư ven biển, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư ven biển. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển. Khuyến khích hình thành, phát triển các doanh nghiệp lớn đầu tư các ngành kinh tế biển, đặc biệt là 6 nhóm ngành kinh tế biển được xác định trong Nghị quyết, nhất là các dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Cà Ná; điện gió ngoài khơi và trên biển; điện khí LNG; cảng cạn và Trung tâm Logictics, công nghiệp hóa chất... để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung Nghị quyết đã đề ra.

https://dulich.petrotimes.vn

baoninhthuan.com.vn