Người tiêu dùng “nín thở” chờ chính sách mới về thuế trước bạ để tậu xe
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Có nên duy trì "liều thuốc" giảm 50% phí trước bạ?
Tại Công điện ngày 21/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III/2024. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7/2024.
Trước đó, năm 2020, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô-tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Trong hai lần trước (từ ngày 29/6 - 31/12/2020 và từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022) chính sách này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô-tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô-tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Lần gần đây nhất là đề xuất việc triển khai thực hiện từ ngày từ 1/8/2024 đến 31/2/2025.
Nhận định về tác động của các đề xuất này, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kinh nghiệm 2 lần giảm trước đây cho thấy, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh ngành ô-tô đang tiếp tục gặp khó như hiện nay thì việc cân nhắc tiếp tục giảm thuế là cần thiết.
![]() |
Thực tế, theo nhiều chuyên gia, khi thị trường đi xuống, bài toán giảm thuế phí thường được nhiều quốc gia áp dụng nhằm kích thích tiêu dùng. Qua đó tác động tích cực lên toàn bộ ngành sản xuất, góp phần cứu thị trường ô-tô khỏi nguy cơ khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Tài chính lại kiến nghị rút đề xuất giảm 50% phí trước đó. Nguyên nhân được đưa ra là do nhiều bộ, ngành bày tỏ lo ngại đề xuất này sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, nên cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Việc rút đề xuất này đã khiến thị trường xe ô-tô Việt Nam ngay lập tức rơi vào trạng thái thấp thỏm chờ chính sách mới, đặc biệt, với xe sản xuất và lắp ráp trong nước. Bởi vì, theo nhiều nhà phân phối, thời gian qua, các hãng xe nhập khẩu liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi rất hấp dẫn. Điều này đã giúp xe nhập khẩu có tăng trưởng tốt trong những tháng vừa qua, thậm chí vượt cả xe lắp ráp trong nước. Do đó, việc "rút" đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô-tô, về lâu dài, nếu không có giải pháp bù đắp sẽ không có lợi cho thị trường xe Việt Nam.
Cần có chính sách dài hơi
Không phủ nhận những tác động tích cực trong ngắn hạn của chính sách giảm lệ phí trước bạ đã từng áp dụng, nhưng nhiều chuyên gia chỉ ra những bất lợi nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách này. Thay vì đó, cần nghiên cứu để đưa ra những giải pháp mang tính dài hơi hơn.
Theo PGS, TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô-tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu không thực hiện giảm phí trước bạ 50%, khó khăn của ngành sản xuất ô-tô trong nước có thể trầm trọng thêm. Tuy nhiên, cũng không thể phụ thuộc vào "liều thuốc" này mãi được. Đã tới lúc phải tính tới những chính sách dài hơi hơn cho ngành trong bối cảnh Việt Nam đang chịu rất nhiều áp lực từ các hiệp định thương mại tự do.
Không chỉ thế, việc giảm thuế trước bạ cũng chỉ trong vòng 6 tháng, liều thuốc giảm 50% này được đánh giá chưa xử lý triệt để gốc rễ vấn đề của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có một phương án chính sách dài hơi, bền vững hơn để giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô-tô trong nước. Điều này sẽ giải quyết vấn đề giảm giá thành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước vì tăng được tỷ lệ nội địa hóa.
Có nên chờ giảm lệ phí trước bạ mới "xuống tiền" mua ô tô?
Trước thông tin lệ phí trước bạ sẽ được giảm 50% từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/1/2025 với với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, nhiều người cho rằng có giảm thật thì tính ra giá cũng gần như bằng nhau. Người mua cũng không được lợi là mấy.
Lý giải về ý kiến này, anh Phạm Đình Bảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, nếu giảm thuế 50% thì hãng sẽ lại cắt ưu đãi, cắt khuyến mại và tặng kèm, thậm chí tăng giá, nên khách hàng cũng sẽ mất quyền lợi từ hãng. "Thực tế vào năm ngoái nước ta cũng đã có 1 đợt giảm 50% thuế trước bạ. Thời gian đó thực sự là khó mua xe mới, vì nhu cầu tăng nhưng nguồn cung vẫn vậy nên nơi bán lại làm khó khách hàng. Năm ngoái tôi cũng đã định vay mượn thêm để mua xe thời gian đó nhưng thấy khó khăn nên thôi. Đã khó mua được xe lại kèm thêm việc hãng không có khuyến mại hay quà tặng gì khiến người mua mất hứng", anh Phạm Đình Bảo chia sẻ.
Ghi nhận tại một số showroom ô tô ở Hà Nội thời điểm hiện tại, dù vẫn có khách hàng xem xe nhưng chủ yếu để xem ghe tư vấn, khảo giá… Lượng đặt cọc hợp đồng, chốt mua xe chưa nhiều.
Anh Nhật, nhân viên bán hàng của một đại lý xe ô tô ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, lùi thời gian mua xe là tâm lý chung của khách hàng khi biết được thông tin sắp giảm 50% lệ phí trước bạ. Theo anh Nhật, việc khách hàng mang tâm lý chờ giảm lệ phí trước bạ mới hoàn tất thủ tục thanh toán, đăng ký nhận xe đã khiến một số đại lý xe ô tô rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười. Một số khách hàng mua xe thậm chí đặt trước 50%-70% giá trị hợp đồng nhưng chưa lấy xe, đại lý cũng chưa xuất hóa đơn. Khách hàng muốn chờ đến khi áp dụng mức thuế trước bạ mới, thì mới đến trả nốt tiền xe. Sau đó mới đi đăng ký để được hưởng lợi.
Anh Nhật cho rằng, khách hàng không nên quá chú tâm vào vấn đề có giảm lệ phí trước bạ hay không, nhất là đối với những người đang cần ô tô để sử dụng ngay. Thay vào đó có thể cân nhắc lựa chọn những mẫu xe đang được hãng và hệ thống đại lý áp dụng ưu đãi, giảm giá mạnh để xả hàng hoặc giải quyết bài toán doanh số.
Anh Nhật chia sẻ thêm, thực tế hiện nay cả xe lắp ráp lẫn xe nhập khẩu đều đang có nhiều mẫu được khuyến mãi với mức tương đương, hoặc thậm chí cao hơn mức giảm lệ phí trước bạ (giảm 50% như các lần trước đây.
Số liệu bán hàng gần nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy rõ điều này. Trong tháng 4/2024, các thành viên thuộc VAMA đã bán ra thị trường tổng cộng 24.350 xe. Tuy nhiên, doanh số bán xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.983 xe, trong khi doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 12.367 xe. |
N.H
- Tin nhanh chứng khoán ngày 9/5: VN Index điều chỉnh nhẹ, thị trường tích lũy chờ bứt phá tuần tới
- Điểm tin ngân hàng ngày 9/5: Nhiều vướng mắc trong xử lý sở hữu chéo
- Thị trường lao động trước thách thức từ cải cách và thuế đối ứng của Mỹ
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 9/5: Xu hướng tăng có thể kéo dài nhưng cần quan sát kháng cự kỹ thuật
- Tin nhanh chứng khoán ngày 8/5: VN Index tăng mạnh, dòng tiền tìm đến nhóm ngân hàng và chứng khoán
- Điểm tin ngân hàng ngày 8/5: 9 ngân hàng dự chi kỷ lục hơn 33.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 8/5: VN Index hướng tới 1.280 điểm, nhưng cần bám sát thông tin đàm phán thuế quan Việt - Mỹ
- Tin nhanh chứng khoán ngày 7/5: Thị trường tăng tốc, VN Index tái chiếm mốc 1.250 điểm
- Nhận định thị trường chứng khoán ngày 7/5: Giằng co tích lũy, cơ hội vẫn nghiêng về phía tăng
- Thuế 20% trên phần lãi chuyển nhượng bất động sản: Công bằng hơn, nhưng cần thận trọng