Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội

05:29 | 09/07/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Những ngày gần đây, khi đi qua các khu đô thị như Tân Tây Đô, Khu Ngoại giao đoàn hay khu vực quanh chung cư Kosmo Tây Hồ, người ta dễ dàng bắt gặp một hình ảnh quen thuộc nhưng cũng đầy nhức nhối là những hàng dài xe ô tô nối nhau chiếm trọn vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Người đi bộ phải len lỏi giữa các khe hẹp hoặc đi hẳn xuống lòng đường, nhường lại không gian vốn dành cho mình cho những chiếc xe sắt thép đang “ở nhờ” nơi công cộng.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Tại Khu đô thị Tân Tây Đô, nơi tập trung 6 tòa nhà cao tầng với hàng nghìn căn hộ, vỉa hè gần như không còn phục vụ cho người đi bộ. Thay vào đó, mặt hè và lòng đường đã biến thành nơi đỗ xe nối dài, bất kể ngày đêm. Xe đỗ hai bên, lòng đường bị thu hẹp chỉ còn đủ cho một làn xe di chuyển. Người dân trong khu đô thị buộc phải chấp nhận sống chung với cảnh lộn xộn này, bởi tầng hầm chung cư vốn không đủ chỗ cho nhu cầu đỗ xe ngày một tăng.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Anh Nghĩa cư dân ở đây chia sẻ: “Mỗi tòa chung cư tại đây chỉ có một tầng hầm, trong khi lượng ô tô cá nhân những năm gần đây tăng đột biến nên hầm chỉ đủ sức chứa được một phần rất nhỏ số xe, nên ai đến sau thì cứ phải tự tìm chỗ. Không đỗ ngoài đường thì biết đỗ ở đâu?”.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Thực trạng này không chỉ xảy ra tại các khu chung cư có giá bình dân như Tân Tây Đô, mà còn hiện diện rõ nét ở những nơi được coi là khu đô thị kiểu mẫu. Khu Ngoại giao đoàn – nơi từng được quảng bá là điểm nhấn quy hoạch của Hà Nội giờ cũng chịu cảnh “bãi xe vỉa hè”. Các tuyến đường như Hoàng Minh Thảo, Xuân Tảo... cũng trở thành bãi đỗ xe lộ thiên, kéo dài hàng trăm mét.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Tương tự, phố Minh Tảo khu vực quanh chung cư Kosmo Tây Hồ, nơi giá căn hộ lên tới vài chục triệu đồng mỗi mét vuông cũng không tránh khỏi cảnh ô tô đỗ tràn ra ngoài.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Vì sao người dân lại phải tràn ra lòng đường, vỉa hè để đỗ xe? Câu trả lời nằm ở chính quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khu đô thị trong suốt nhiều năm qua. Không ít dự án được cấp phép xây dựng với chiều cao lên tới vài chục tầng, hàng trăm đến cả nghìn căn hộ, nhưng tầng hầm đỗ xe chỉ có một hoặc thậm chí không có khiến cư dân phải loay hoay tìm nơi đỗ xe mỗi tối.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, trong quá trình phê duyệt các dự án nhà ở, cơ quan chức năng đã không siết chặt tiêu chuẩn bãi đỗ xe theo quy chuẩn xây dựng. Một số địa phương thậm chí chấp nhận điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích hầm để tăng mật độ xây dựng, khiến bài toán đỗ xe sau này bị bỏ ngỏ.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc gia tăng nhanh chóng số lượng ô tô cá nhân trong những năm gần đây càng khiến áp lực về chỗ đỗ xe thêm nặng nề. Nếu như trước đây, một khu chung cư có khoảng 10–20% hộ sở hữu ô tô thì nay con số này đã tăng lên 40–50%, thậm chí có nơi tới 70%. Nhưng hạ tầng để xe thì vẫn gần như không đổi.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong giai đoạn 2021–2023, Sở đã cấp phép sử dụng lòng đường cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với tổng diện tích hơn 37.985 m² để tổ chức trông giữ xe tạm thời. Trong khi đó, tại cấp quận/huyện, 17 UBND địa phương đã cấp phép sử dụng tạm thời khoảng 422 điểm đỗ, tổng diện tích khoảng 93.300 m² trên vỉa hè và lòng đường. Tổng số tiền thu phí trông giữ xe trong 3 năm qua từ các điểm thuộc Sở GTVT quản lý đạt khoảng 134 tỷ đồng; các quận, huyện thu được khoảng 114 tỷ đồng từ hoạt động cấp phép trông giữ xe cho 61 doanh nghiệp trông giữ ôtô và 256 doanh nghiệp trông giữ xe máy, xe đạp.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Tuy nhiên, nghịch lý là toàn bộ hệ thống điểm, bãi đỗ công cộng trên địa bàn hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 8 – 10% nhu cầu đỗ xe thực tế của người dân. Gần 90% số phương tiện còn lại phải trông giữ ở các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án treo, khuôn viên trường học, bệnh viện, công viên hoặc tại các điểm dưới lòng đường, vỉa hè – phần lớn là tự phát, thiếu kiểm soát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cháy nổ.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Hiện nay, dân số thường trú của TP Hà Nội đã vượt mốc 8 triệu người – chưa kể khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại Thủ đô. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong năm 2023, đã có thêm gần 231.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó có hơn 56.000 xe ô tô. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đang quản lý tổng cộng hơn 8 triệu phương tiện, bao gồm khoảng 1,1 triệu ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô và gần 190.000 xe máy điện.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Trước nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân gia tăng chóng mặt trong khi hạ tầng bãi đỗ chưa theo kịp, cả cư dân lẫn chính quyền địa phương đều phải chấp nhận tình trạng “vỉa hè hóa” bãi đỗ xe như một giải pháp tình thế. Một số nơi cố gắng sắp xếp tổ chức đỗ xe có thu phí, nhưng phần lớn vẫn diễn ra lộn xộn, tự phát, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Người đi bộ là nhóm chịu thiệt nhiều nhất. Họ không còn lối đi an toàn, buộc phải xuống lòng đường, chung làn với xe máy, ô tô. Nguy cơ va chạm, tai nạn luôn rình rập. Các phương tiện như xe cứu hỏa, xe cấp cứu khi cần vào khu chung cư cũng gặp khó khăn vì lối vào bị chặn bởi hàng dài xe đỗ không phép.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Nhiều cư dân bức xúc nhưng cũng đành chấp nhận. Một người dân sống ở Kosmo Tây Hồ chia sẻ: “Mỗi tối đi làm về, vòng mấy lượt quanh tòa nhà cũng chưa chắc đã tìm được chỗ đỗ. Gửi xe ở bãi bên ngoài thì xa, vừa bất tiện, vừa lo mất cắp. Chúng tôi cũng không muốn đỗ vỉa hè, nhưng không có lựa chọn khác”.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội
Giải pháp cho vấn đề này không thể đến từ người dân. Đó phải là trách nhiệm của chính quyền, của các nhà phát triển đô thị và cơ quan quy hoạch. Trước hết, cần rà soát lại toàn bộ các khu đô thị, chung cư cao tầng hiện có để đánh giá lại năng lực hạ tầng đỗ xe. Những nơi thiếu nghiêm trọng cần có biện pháp bổ sung, có thể bằng cách xây dựng các bãi đỗ xe nổi, tầng lửng hoặc tận dụng đất trống lân cận để làm bãi gửi xe theo giờ.
Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội

Với các dự án mới, việc thẩm định và phê duyệt cần gắn chặt với quy định bắt buộc về chỗ đỗ xe. Chủ đầu tư không được phép xây dựng nếu không bố trí đủ diện tích để xe theo quy chuẩn, thậm chí nên nâng mức quy định này so với trước đây để theo kịp nhu cầu thực tế.

Thành phố Hà Nội cũng cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển bãi đỗ xe thông minh, bãi xe ngầm – đặc biệt ở những khu vực như Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm, nơi có mật độ xe cá nhân cao. Một số ý kiến đề xuất phát triển hệ thống bãi đỗ xe công cộng dạng xã hội hóa, có thu phí hợp lý, tích hợp công nghệ đặt chỗ – thanh toán qua điện thoại để giảm áp lực cho khu dân cư.

Xe ô tô tràn ra đường, vỉa hè: Bức tranh nhếch nhác tại các khu đô thị Hà Nội

Về lâu dài, cần tổ chức lại không gian đô thị theo hướng khuyến khích giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô. Khi người dân có lựa chọn đi lại thuận tiện hơn, áp lực sở hữu và sử dụng xe riêng sẽ giảm, kéo theo nhu cầu đỗ xe cũng được san sẻ.

Việc để ô tô chiếm lòng đường, vỉa hè là hệ quả của nhiều năm phát triển nóng mà thiếu sự chuẩn bị đồng bộ. Hà Nội muốn trở thành một đô thị văn minh, hiện đại thì không thể để cảnh tượng người đi bộ phải đi dưới lòng đường, còn vỉa hè thành bãi đỗ xe. Đã đến lúc, từ quy hoạch, đầu tư cho đến quản lý đô thị, tất cả phải thay đổi.

Đình Khương