Ngành tài chính kiến nghị xử lý hơn 40.000 tỷ đồng

18:50 | 11/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 31.092 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 40.424 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trước 13/7Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trước 13/7
Ngành Tài chính quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủNgành Tài chính quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị xử lý tài chính số tiền 2.908 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước số tiền 2.727 tỷ đồng.

Cụ thể, lĩnh vực thuế, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và tội phạm về thuế. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 29.616 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 363.154 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 37.494 tỷ đồng. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 6.092 tỷ đồng.

Ngành tài chính kiến nghị xử lý hơn 40.000 tỷ đồng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lĩnh vực hải quan, nhờ chủ động thu thập thông tin, bố trí lực lượng để triển khai, đồng thời tăng cường kiểm tra nội bộ theo hình thức chuyên đề, công vụ đột xuất, nên công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện các sai phạm, kiến nghị để thu hồi ngân sách nhà nước. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống đã thực hiện 81 cuộc, ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là 126 tỷ đồng (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính)...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 522 cuộc thanh tra, kiểm tra (gồm 440 cuộc theo kế hoạch và 82 cuộc đột xuất); đã ban hành 445 kết luận thanh tra tại 445 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 80 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền vi phạm trên 3 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi 971 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác trên 2 tỷ đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai và thực hiện 16 cuộc thanh tra, kiểm tra trong đó 09 cuộc theo kế hoạch và 7 cuộc đột xuất; đã ban hành 1 kết luận thanh tra tại 3 tổ chức qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện vi phạm.

Đồng thời thông qua hệ thống giám sát thường xuyên đã phát hiện và ban hành 187 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 71 tổ chức và 116 cá nhân với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 18,3 tỷ đồng. Cùng với đó, áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đối với 9 trường hợp gồm 3 tổ chức và 6 cá nhân có hành vi vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động chứng khoán; yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2 trường hợp tổ chức công bố thông tin sai lệch.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 934 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 20,6 tỷ đồng (trong đó: Kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước là gần 19,9 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác là 761 triệu đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 15,4 tỷ đồng (bao gồm số thu lũy kế của các kiến nghị trước); đồng thời kiến nghị xử lý hành chính đối với 38 tổ chức và 146 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 119 người.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, ông Trần Huy Trường, cho biết Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2023 đã được phê duyệt. Bộ Tài chính sẽ chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra. Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung vào việc hoàn thiện và xây dựng báo cáo, tổ chức thẩm định để ban hành kết luận thanh tra theo quy định. Đồng thời, sẽ tăng cường theo dõi và đôn đốc thực hiện các kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra.

Để đảm bảo hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ đặc biệt tăng cường công tác phối hợp và trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành cũng như giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước. Mục tiêu của việc này là ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào việc cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế và hải quan trong toàn ngành. Đặc biệt, sẽ tăng cường phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý rủi ro và sử dụng phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro, nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm mới. Bộ cũng sẽ hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra và kiểm tra ngành Tài chính.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)