Một tập đoàn Nhật Bản phát triển khu công nghiệp ở Thanh Hóa
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 29/4/2025 chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thăng Long Thanh Hóa (giai đoạn 1). Dự án do Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa, doanh nghiệp được thành lập bởi Tập đoàn Sumitomo Corporation làm chủ đầu tư.
![]() |
Dự án có diện tích 167 ha, nằm trong Khu A, liền kề với Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa – giai đoạn 4, có quy mô 208 ha. |
Khu công nghiệp (KCN) có quy mô 167 ha, được bố trí tại các xã Đông Văn, Đông Yên (thành phố Thanh Hóa) và xã Đồng Tiến, Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn). Đây là KCN đầu tiên tại khu vực phía Tây thành phố Thanh Hóa, thuộc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 2.917 tỷ đồng, tương đương gần 116 triệu USD. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư chiếm 15%, phần còn lại được huy động từ các nguồn vốn khác. Cơ cấu đầu tư phân bổ gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, thiết bị, tư vấn thiết kế và chi phí khác. Dự kiến, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, dự án sẽ được khởi công vào quý I/2026 và hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất.
Cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án bao gồm nhiều khoản mục chi phí, trong đó chi phí xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.293,9 tỷ đồng (tương đương 51,36 triệu USD). Chi phí bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng là 324,1 tỷ đồng (12,87 triệu USD); chi phí thuê đất, thuê mặt nước (sau khi khấu trừ chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB) là 382,8 tỷ đồng (15,19 triệu USD). Chi phí thiết bị là 63,4 tỷ đồng (2,52 triệu USD); chi phí quản lý dự án là 12,7 tỷ đồng (0,5 triệu USD); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình là 31,6 tỷ đồng (1,25 triệu USD). Ngoài ra, chi phí khác, bao gồm cả lãi vay trong quá trình đầu tư, là 557,2 tỷ đồng (22,11 triệu USD) và chi phí dự phòng được bố trí là 251,8 tỷ đồng (10 triệu USD).
![]() |
Chi phí bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng là 324,1 tỷ đồng (12,87 triệu USD). |
Với gần 68% diện tích được quy hoạch phục vụ công nghiệp (hơn 113 ha), KCN có thể tiếp nhận khoảng 13.000 lao động. Phần diện tích còn lại được dành cho các hạng mục như đất hành chính, dịch vụ, công trình kỹ thuật, giao thông, cây xanh và mặt nước.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng chú ý là dự án sẽ chuyển đổi khoảng 150 ha đất trồng lúa nước hai vụ, yếu tố được xác định là nhạy cảm về môi trường theo Nghị định 05/2025/NĐ-CP. Tỉnh Thanh Hóa cho biết sẽ triển khai đầy đủ các biện pháp đánh giá tác động môi trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của gần 3.000 hộ dân bị thu hồi đất.
Hiện nay, trong bối cảnh nhiều khu, cụm công nghiệp hiện hữu tại thành phố như KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga, Lễ Môn, Hoàng Long... đã bộc lộ hạn chế về quy mô, vị trí và hạ tầng kỹ thuật, việc hình thành một khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại như Thăng Long Thanh Hóa là cần thiết. Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh cho thành phố Thanh Hóa.
![]() |
Dự án sẽ chuyển đổi khoảng 150 ha đất trồng lúa nước hai vụ. |
Tập đoàn Sumitomo Corporation là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất của Nhật Bản, với lịch sử hơn 100 năm hoạt động. Doanh nghiệp này đã đầu tư và vận hành thành công nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam như KCN Thăng Long (Hà Nội: 295 ha), KCN Thăng Long II (Hưng Yên: 525 ha) và KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc: 213 ha). Việc Sumitomo chọn Thanh Hóa cho dự án tiếp theo cho thấy sức hấp dẫn đầu tư của địa phương này.
KCN Thăng Long Thanh Hóa được quy hoạch trong vùng có hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối với đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay. Đồng thời, khu vực cũng có tiềm năng về nguồn lao động dồi dào, chi phí hợp lý và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng.
Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án. UBND thành phố Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn cũng đã ban hành thông báo thu hồi đất, chuẩn bị các bước cần thiết để triển khai công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng.
Dự án này là một trong 9 KCN mới sẽ được tỉnh Thanh Hóa phát triển từ nay đến năm 2030, bên cạnh 8 KCN đã có trong quy hoạch. Việc phát triển khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa không chỉ giúp giải quyết áp lực về hạ tầng tại các khu công nghiệp hiện hữu, mà còn tạo động lực tăng trưởng mới cho khu vực trung tâm của tỉnh.
Đình Khương
- Quảng Bình chuyển đổi hơn 73ha đất rừng sản xuất làm hai sân golf
- Giá vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng tăng “phi mã”, nhiều công trình đối mặt nguy cơ tạm dừng
- Hạ Long sắp có 3 tòa tháp cao 40 tầng, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng
- Trà Vinh mở rộng dự án năng lượng sạch gần 8.000 tỷ đồng
- Long An sắp triển khai Dự án “Khu Tái định cư và nhà ở xã hội Phúc Long” hơn 100ha