Một số thông tin về nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ với Việt Nam

08:06 | 25/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng khí hậu cận nhiệt đới và có sự đa dạng tùy thuộc vào địa hình và vĩ độ: Phía Bắc có khí hậu ôn hòa; Các khu vực quanh biển Marmara có khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu đại dương và khí hậu bán Địa Trung Hải; Vùng ven biển Aegean và Địa Trung Hải có khí hậu Địa Trung Hải điển hình; Khu vực Biển Đen có khí hậu đại dương; Khu vực Đông Nam gần biên giới Syria có khí hậu giống sa mạc.
Một số thông tin về nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ với Việt Nam
Bản đồ địa lý Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. Thông tin chung

1. Tên nước: Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

2. Thủ đô: Ankara.

3. Quốc khánh: 29/10/1923.

4. Vị trí địa lý: Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa châu Á và châu Âu, phần lớn

lãnh thổ thuộc châu Á. Phía Bắc giáp Hắc Hải, Đông Bắc giáp với Ác-mê-ni, Gờ-ru-di-a, Đông giáp I-ran, Nam giáp I-rắc và Xi-ri, Tây Nam giáp Địa Trung Hải, Tây Bắc giáp Hy Lạp và Bun-ga-ri.

5. Diện tích: 780.580 km2.

6. Khí hậu: Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng khí hậu cận nhiệt đới và có sự đa dạng tùy thuộc vào địa hình và vĩ độ: Phía Bắc có khí hậu ôn hòa; Các khu vực quanh biển Marmara có khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu đại dương và khí hậu bán Địa Trung Hải; Vùng ven biển Aegean và Địa Trung Hải có khí hậu Địa Trung Hải điển hình; Khu vực Biển Đen có khí hậu đại dương; Khu vực Đông Nam gần biên giới Syria có khí hậu giống sa mạc.

7. Dân số: 85 triệu người (2023).

8. Dân tộc: Người Thổ chiếm 70-75%, người Cuốc chiếm 19%, người Cri-mê-an Ta-ta 7%, còn lại là người Ác-mê-ni, Ả-rập....

9. Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (85% dân số). Ngoài ra, một số ngôn ngữ khác cũng được sử dụng như tiếng Anh, ngôn ngữ của người Cuốc, tiếng Ả-rập…

10. Đơn vị tiền tệ: Lira (1 USD = 28,15 Lira) (2023).

11. GDP: 906 tỷ USD (2023) (theo World Bank).

12. GDP đầu người: Thu nhập bình quân đầu người đạt 10.661 USD (2023) (theo World Bank).

13. Tôn giáo: 99,8% dân số theo Đạo Hồi; ngoài ra còn có tín đồ Thiên chúa giáo và Do thái giáo.

14. Cơ cấu hành chính: Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành 81 đơn vị hành chính cấp tỉnh, mỗi tỉnh được chia thành các đơn vị hành chính cấp huyện.

15. Lãnh đạo chủ chốt:

- Tổng thống: Recep Tayyip Erdogan (nhậm chức từ tháng 7/2018).

- Phó Tổng thống: Cevdet Yilmaz (từ tháng 6/2023).

- Chủ tịch Quốc hội: Numan Kurtulmus (từ tháng 6/2023).

- Bộ trưởng Ngoại giao: Hakan Fidan (từ tháng 6/2023).

II. Khái quát lịch sử

Thổ Nhĩ Kỳ có nền văn minh lâu đời (hơn 2000 năm). Từ 1200 năm trước Công Nguyên, Thổ Nhĩ Kỳ bị Hy Lạp, La Mã xâm chiếm, đô hộ. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Thổ Nhĩ Kỳ bị đế quốc A-rập thôn tính, truyền bá đạo Hồi vào Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thế kỷ 14 Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đế quốc phong kiến cường thịnh (đế quốc Ốt-tô-man), thôn tính phần lớn vùng Trung Đông, Bắc Phi và đô hộ khu vực này cho đến đầu thế kỷ 20. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, là đồng minh của nước Đức bại trận, Thổ Nhĩ Kỳ bị Anh, Pháp, Hy Lạp chia nhau chiếm đóng. Năm 1919, dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kamal nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng lên chống chế độ phong kiến và quân chiếm đóng nước ngoài. Tháng 4/1920, chính phủ đầu tiên do M. Kamal đứng đầu đã được thành lập. Ngày 29/10/1923, nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập.

III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị

Thể chế nhà nước: Cộng hòa Tổng thống.

Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ theo thể chế cộng hoà đa đảng với những đảng phái chính trị chủ yếu như sau:

- Đảng Công lý và Phát triển (Justice and Development Party-AKP) và cũng là đảng cầm quyền hiện nay.

- Đảng Nhân dân Cộng hoà (Republican People’s Party-CHP)

- Đảng Phong trào Quốc gia (Nationalist Movement Party-MHP)

- Đảng Dân chủ Nhân dân (People’s Democratic Party-HDP)

IV. Tình hình

1. Chính trị nội bộ

Từ năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sửa đổi Hiến pháp và chuyển sang chính thể Cộng hòa Tổng thống. Trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2023, Liên minh Nhân dân do Đảng Công lý và Phát triển (AKP) theo đường lối Hồi giáo bảo thủ của đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dẫn đầu đã giành chiến thắng và tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước.

2. Kinh tế

Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền kinh tế phát triển đa dạng: công nghiệp khai khoáng, dệt may, chế tạo máy móc, điện gia dụng, chế biến thực phẩm, đóng tàu khá phát triển; ngành xây dựng và nông nghiệp phát triển mạnh. Ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất phát triển thu hút hơn 30 triệu khách du lịch mỗi năm.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc chính vào ngành công nghiệp và có xu hướng gia tăng các ngành dịch vụ, mặc dù ngành nông nghiệp truyền thống chiếm khoảng 25% việc làm. Mũi nhọn xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm:

Công nghiệp tự động, sản xuất ô tô, hóa dầu, diện tử, dệt may, may mặc… Các đối tác thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ là Nga, Đức, Trung Quốc, Mỹ, Ý, Pháp, Iran…

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong ít nước trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương trong giai đoạn dịch Covid-19 (năm 2020 đạt 1,8%; 2021 đạt 11%, nhờ các chính sách thu hút du lịch, đầu tư). Mặc dù từ đầu năm 2022 nền kinh tế đối mặt với một số khó khăn, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là trung tâm kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, xây dựng, đầu tư, công nghiệp tiêu dùng... Với vị trí địa lý kết nối hai lục địa Á - Âu cùng vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho hàng hóa các nước thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Nam Âu.

3. Các chiến lược phát triển quan trọng:

Thời gian vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ công bố một loạt các mục tiêu quốc gia quan trọng như “Tầm nhìn Thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ”, hướng tới đưa Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ tới trở thành một trong 10 cường quốc hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, công nghệ và quân sự; Dự án Thung lũng Hydrogen mục tiêu đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm hydrogen của khu vực vào năm 2053.

4. An ninh - quốc phòng

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh trong NATO. Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước nhảy vọt, vươn lên đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (2022). Tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 42% so với năm 2021. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách đầu tư vào sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ phân bổ hơn 40 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2024, tăng 150% so với ngân sách 16 tỷ USD năm 2023, đặt mục tiêu gấp đôi xuất khẩu ngành công nghiệp quốc phòng từ mức 6 tỷ USD năm 2023 lên 11 tỷ USD trong thời gian tới.

V. Chính sách đối ngoại

Thổ Nhĩ Kỳ đặt ưu tiên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song đàm phán không có tiến triển từ năm 2018. Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng tại khu vực và thế giới, tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng tại khu vực như xung đột Nga - Ukraine, tiến trình hòa bình Trung Đông, khu vực Cascasus.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương đa dạng hóa quan hệ, đẩy mạnh chính sách hướng Đông với Sáng kiến châu Á mới (Asia Anew Initiative, 2019), Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở vị trí xa (Far countries strategies) trong đó có Việt Nam, nâng cấp khuôn khổ hợp tác với nhiều đối tác khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên hợp quốc, Nhóm G20, NATO, OECD, OIC, OSCE…

B. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

I. Quan hệ chính trị

a. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07/6/1978. Tháng 2/1997,

Thổ Nhĩ Kỳ lập Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 7/2002, ta mở Tổng Lãnh sự quán tại Istanbul. Tháng 10/2003, ta nâng Tổng Lãnh sự quán tại Istanbul lên Đại sứ quán và chuyển về Ankara. Hai bên đang tiến hành thủ tục mở Tổng Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh. Hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt.

Hai nước đã tiến hành họp Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng lần thứ 4 tại Ankara (12/2022), kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp tại Hà Nội (7/2017).

Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Trong thảm họa động đất diễn ra tại miền Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ (2/2023), Chính phủ Việt Nam đã viện trợ 100.000 USD và cử 02 đội cứu hộ, cứu nạn sang giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả.

b. Trao đổi đoàn:

Đoàn ta thăm bn: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh (6/1998); Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (11/1999); Bộ trưởng Ngoai giao Nguyễn Dy Niên (6/2005); Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh (8/2007); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (6/2009); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (02/2011); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (6/2010; 5/2011);

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (4/2013); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (10/2018), Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (8/2019); Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài (9/2022); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (12/2022).

Đoàn bạn thăm ta: Bộ trưởng Ngoại giao Ismail Cem (02/1998); Thứ trưởng Ngoại giao Unal Cevikoz (01/2010); Bộ trưởng Ngoại giao Ahmed Davutoglu (7/2010); Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh Bulent Arinc (02/2011); Thứ trưởng Ngoại giao Omer Onhon (3/2014), Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu (3/2015), Bộ trưởng Lao động và An sinh xã hội Mehmet Muezzinoglu (7/2017), Thủ tướng Binali Yildirim (8/2017).

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội kiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại Kazakhstan (10/2022).

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên duy trì các kênh trao đổi trực tuyến: Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal (6/2020); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Fuat Oktay (10/2021).

Về hợp tác nghị viện, hai bên có Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt - Thổ, Chủ tịch Nhóm hiện nay là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản.

II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư:

Về thương mại: Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của ta tại Trung Đông và là cửa ngõ để ta xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu (các mặt hàng: gạo, cao su, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ...). Kim ngạch song phương năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD (trong đó, ta xuất khẩu 1,6 tỷ USD). Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm của ta như cao su, điện thoại di động,

da giày…

Về đầu tư, tính lũy kế tháng 10/2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 974,3 triệu USD, đứng thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án nổi bật đã và đang được triển khai gồm: Công ty Hayat Kimya đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chất tẩy rửa, giấy vệ sinh... tại tỉnh Bình Phước; công ty Bora Lastik mua cổ phần của công ty Cao su Đà Nẵng. Tháng 8/2023, Công ty IC Ictas (thuộc Tập đoàn IC Holdings) của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu Liên danh Vietur đã trúng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành.

III. Hợp tác về các lĩnh vực khác

1. Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai bên tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Việt Nam ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 (bầu cử đã diễn ra vào tháng 11/2021). Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) nhiệm kỳ 2023-2027 và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền (HRC) nhiệm kỳ 2023-2025.

2. Hợp tác về hàng không: Tháng 6/2016, hãng hàng không quốc gia

Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) mở đường bay thẳng Istanbul - Hà Nội (chuyển tiếp qua Tp. HCM) với tần suất 7 chuyến/tuần. Tháng 6/2019, Turkish Airlines chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tháng 6/2023, Vietnam Airlines và Turkish Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác liên danh (codeshare).

3. Hợp tác về y tế: Tháng 01/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã trao tặng vật tư,

trang thiết bị y tế hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19.

4. Về hợp tác địa phương: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và chính quyền thủ đô Ankara đã ký Thỏa thuận hợp tác (09/2011); các địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đề xuất ký thỏa thuận hợp tác với một số địa phương của ta, như: Istanbul - TP. HCM, Antalya - Nha Trang, Konya - Thừa Thiên Huế.

IV. Cộng đồng Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ:

Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ (khoảng 200 người), sống rải rác ở các tỉnh, thành khác nhau, hiện tại đã thành lập được Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt.

V. Các Hiệp định khung đã ký kết giữa hai nước:

Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật (1997); Nghị định thư về hợp tác kinh tế và thương mại; Thoả thuận miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao (1998); Hiệp định hợp tác văn hoá, khoa học và giáo dục (1999); Nghị định thư về hợp tác nông nghiệp; Hiệp định khung về hợp tác khoa học kỹ thuật và môi trường (2000); Hiệp định hợp tác du lịch (8/2004); Thoả thuận Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (6/2005); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, đặc biệt; Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép chất ma túy, các chất hướng thần và các loại tội phạm khác (2007); Thỏa thuận hợp tác giữa hai phòng Thương mại và Công nghiệp và thành lập Hội đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam (2009); MOU về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn (2011); MOU về hợp tác giữa hai học viện Ngoại giao (2013); Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư (1/2014); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (2014); Hiệp định hợp tác hàng không, Hiệp định vận tải biển (4/2015); Thỏa thuận về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan (8/2017); Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt (8/2017); Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giữa Thông tấn xã Việt Nam và hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ ANADOLU (thay thế thỏa thuận ký năm 2016) (10/2023).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh