Một số thông tin cơ bản về Vương quốc Hà Lan

19:46 | 28/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hà Lan là một trong những nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu, xứ sở hoa tulip nằm ở Tây Âu. Về phía Đông, Hà Lan giáp với Đức, phía Nam giáp Bỉ, phía Bắc và phía Tây là biển Bắc
Một số thông tin cơ bản về Vương quốc Hà Lan
Vị trí của Vương quốc Hà Lan, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. THÔNG TIN CHUNG:

Tên nước:

Vương quốc Hà Lan (Kingdom of the Netherlands, Netherlands tiếng Hà Lan nghĩa là “vùng đất thấp”).

Là thành viên:

EU, Schengen, NATO.

Thủ đô:

Amsterdam (thủ đô chính thức từ 1983; thực tế từ 1814).

Trụ sở Chính phủ:

La-Hay (The Hague, thủ đô hành chính).

Ngày Quốc khánh:

27/4 (Ngày Nhà vua, là ngày sinh của vua Willem-Alexander hiện nay).

Diện tích:

41.543 km2 (khoảng 7.700 km2 thấp dưới mực nước biển; 7.643 km2 diện tích mặt nước; ba lãnh thổ hải ngoại Aruba, Curacao và St. Martin; ba đảo hải ngoại đặc biệt là Bonaire, Saba và St. Eustatius ở biển Caribe).

Khí hậu:

Đại dương ôn hòa.

Dân số:

17,8 triệu người (2022).

GDP

1038 tỷ USD (2022).

GDP đầu người:

45 nghìn USD (2022).

Đơn vị tiền tệ:

Đồng Eu-ro.

Dân tộc:

Người Hà Lan (77,9%), Thổ Nhĩ Kỳ và Kurd (2,34%), Ma Rốc (2,27%), Indonesia (2,16%) và các dân tộc khác.

Tôn giáo:

Khoảng 50% dân số tuyên bố theo tôn giáo; các tôn giáo lớn nhất lần lượt là Công giáo La Mã, Tin lành, Hồi giáo.

Ngôn ngữ:

Tiếng Hà Lan là ngôn ngữ chính thức; một số tiếng địa phương ở vùng hạ Saxon và tỉnh Limburg; tiếng Anh được dùng rộng rãi.

Cơ cấu hành chính:

Chính quyền trung ương và 12 tỉnh: Drenthe, Overijssel, Gelderland và Groningen ở miền Đông và Đông Bắc; South Holland, Friesland, North Holland và Zeeland ở miền Tây và Tây Bắc; Utrecht và Flevoland (tỉnh mới nhất hình thành từ đất lấn biển ở hồ Ijssel) ở trung tâm; North Brabant và Limburg ở miền Nam.

Lãnh đạo chủ chốt:

  • Nguyên thủ là vua Willem – Alexander (từ 2013).

  • Chủ tịch Thượng viện: ông Jan Anthonie Bruijn (từ 7/2019).

  • Chủ tịch Hạ viện: bà Vera Bergkamp (từ 4/2021).

  • Thủ tướng: ông Mark Rutte (Nhiệm kỳ IV từ 1/2022).

  • Bộ trưởng Ngoại giao: bà Hanke Bruins Slot (từ 05/9/2023).

II. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC:

Theo Hiến pháp, Hà Lan xây dựng chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1815 và dân chủ nghị viện từ năm 1848. Hiến pháp quy định Quốc hội và Chính phủ (nhà vua và nội các) chia sẻ quyền lập pháp; tất cả dự án luật phải tham khảo Hội đồng Nhà nước do Hoàng gia đứng đầu; Chính phủ thực thi quyền hành pháp và Hội đồng Kinh tế - Xã hội có quyền đặc biệt thông qua và thực thi luật liên quan đến nông nghiệp; quyền tư pháp được chia thành hai hệ thống tòa án: Tòa án Tối cao độc lập là tòa án dân sự và hình sự cao nhất, Hội đồng Nhà nước là tòa án hành chính cao nhất.

Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu hoàng gia Hà Lan, có vai trò lập chính phủ mới và lập pháp (cùng ký để hiệu lực hóa các luật). Hoàng gia giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (gồm các thành viên hoàng gia và các nhân vật có kinh nghiệm chính trị, thương mại, ngoại giao hoặc quân sự do hoàng gia bổ nhiệm) tư vấn cho Chính phủ về hiến pháp và tư pháp. Các dự án luật của Chính phủ đều phải được Hội đồng Nhà nước tư vấn.

Về lập pháp, Quốc hội Hà Lan gồm hai viện: Thượng viện gồm 75 thành viên do các thành viên Hội đồng 12 tỉnh bầu nhiệm kỳ 04 năm (diễn ra 03 tháng sau bầu cử hội đồng tỉnh) theo hình thức tỉ lệ đại diện danh sách đảng. Thượng viện hiện nay được bầu ra ngày 30/5/2023 gồm 16 đảng, trong đó đảng Phong trào nông dân BBB giữ 16 ghế, đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ cầm quyền VVD giữ 10 ghế, đảng Xanh giữ 7 ghế, Công đảng giữ 7 ghế, Dân chủ Thiên chúa giáo giữ 6 ghế, đảng Dân chủ D66 giữ 5 ghế; đảng Tự do cực hữu PVV giữ 4 ghế và đảng Vì động vật giữ 3 ghế, đảng Xã hội giữ 3 ghế, còn lại là các đảng nhỏ khác. Hạ viện gồm 150 thành viên, bầu theo hình thức tỉ lệ đại diện danh sách đảng với nhiệm kỳ 04 năm. Hạ viện hiện nay ra đời sau cuộc tổng tuyển cử từ ngày 15-17/3/2021 với thắng lợi của đảng cầm quyền VVD (36/150 ghế), Đảng Dân chủ D66 giữ 27 ghế, Đảng Tự do PVV giữ 17 ghế, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo giữ 14 ghế, Đảng Lao động PvdA giữ 9 ghế, Đảng Diễn đàn Dân chủ FvD giữ 8 ghế, Đảng Xã hội SP giữ 8 ghế, Đảng xanh GroenLinks giữ 8 ghế và 07 đảng nhỏ khác chia nhau 23 ghế còn lại.

Về hành pháp, Chính phủ gồm Nhà vua, Hội đồng Bộ trưởng (gồm các Bộ trưởng và Bộ trưởng không bộ) và Quốc vụ khanh (tương đương Thứ trưởng, chỉ có ở một số Bộ và không thuộc Hội đồng Bộ trưởng).

Về tư pháp, Hà Lan có Tòa án Tối cao; 11 Tòa án địa phương toàn quốc; 04 Tòa Phúc thẩm; 03 Tòa án đặc biệt xử lý các vụ hành chính; Cơ quan Thẩm quyền Hành chính của Hội đồng Nhà nước ở The Hague.

III. TÌNH HÌNH:

Về tình hình nội trị, Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte tiếp tục duy trì chính sách ủng hộ liên kết EU, quan tâm đến bình đẳng và an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng...

Về kinh tế, Hà Lan đứng thứ 18 trên thế giới và thứ năm trong EU về quy mô GDP, đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp với mô hình nông nghiệp hiện đại; là một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới, đi đầu trong chuyển đổi số và phát triển bền vững, có độ mở cao, ngoại thương phát triển, hướng tới tăng trưởng xanh.

Về đối ngoại, Hà Lan ưu tiên quan hệ với Benelux, các nước thành viên EU, NATO và Mỹ; đang dần dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh