Một số thông tin cơ bản về Mông Cổ

22:08 | 27/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mông Cổ thuộc Trung Á, phía Bắc giáp Liên bang Nga, phía Nam giáp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên và đồi núi. Phía Tây chủ yếu là núi, miền Trung và phía Đông chủ yếu là cao nguyên, phía Nam có sa mạc Gobi.
Một số thông tin cơ bản về Mông Cổ
Bàn đồ địa lý nước Mông Cổ, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. Khái quát

1. Tên nước: Mông Cổ.

2. Thủ đô: U-lan-ba-ta (Ulaanbaatar, cách Hà Nội 2740 km).

3. Quốc kỳ: Được chia thành ba ô (đỏ, xanh dương, đỏ), có biểu tượng Soyombo (tượng trưng cho độc lập tự do dân tộc) nằm ở ô màu đỏ phía cột cờ.

4. Quốc khánh: ngày 11 tháng 7 (ngày Cách mạng Nhân dân Mông Cổ thắng lợi: 11/7/1921).

5. Diện tích: 1,565 triệu km2.

6. Dân số: 3,41 triệu người (tính tới tháng 12/2022) .

7. Vị trí địa lý: thuộc Trung Á, phía Bắc giáp Liên bang Nga, phía Nam giáp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên và đồi núi. Phía Tây chủ yếu là núi, miền Trung và phía Đông chủ yếu là cao nguyên, phía Nam có sa mạc Gobi. Rừng chiếm 10% diện tích. Khí hậu: lục địa, ít mưa, lạnh giá, nhiệt độ mùa đông xuống đến -30, -400C.

8. Đơn vị tiền tệ: đồng Tugrik (MNT). Tỷ giá ngày 01/2/2023: 1 MNT = 8,05 VNĐ; 1 USD ~ 3500 MNT.

9. Dân tộc: Gồm 18 dân tộc; Dân tộc Mông Cổ (Khalkh) chiếm 86%, Kazak 6%, còn lại là các dân tộc khác.

10. Tôn giáo: Mật Tông Tây Tạng (53%), Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác có nhưng rất ít, khoảng 8%; số người không theo tôn giáo chiếm 38%.

11. Ngôn ngữ: Tiếng Mông Cổ.

12. Hành chính: gồm 21 tỉnh, các tỉnh được chia tiếp thành 320 huyện. Thủ đô Ulaanbaatar (có 9 quận) được quản lý hành chính riêng biệt như một khu đô thị với vị thế tỉnh.

II. Chế độ chính trị:

1. Tại cuộc bầu cử Quốc hội Mông Cổ ngày 24/6/2020, Đảng Nhân dân Mông Cổ giành thắng lợi với 63/76 ghế trở thành Đảng cầm quyền. Mông Cổ đã bầu ông G. Zandanshatar tái nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội (6/2020).

Năm 2021, Mông Cổ tổ chức bầu cử Tổng thống, ông U. Khurelsukh, ứng cử viên Đảng Nhân dân Mông Cổ cầm quyền trúng cử trở thành

Tổng thống thứ 06 và theo Hiến pháp, nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 06 năm.

2. Các chính đảng: Hiện có 32 chính đảng; 02 đảng lớn nhất là Đảng Nhân dân Mông Cổ cầm quyền (161.300 đảng viên) và Đảng Dân chủ Mông Cổ (150.000 đảng viên).

Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

Tổng thống: Ukhnaagiin Khurelsukh / Ô-khờ-na-ghin Khu-rên-su-khơ (từ 26/6/2021).

Chủ tịch Quốc hội: Gombojavyn Zandanshatar/ Com-bo-chao-vin Dan-tăng-sát-tha (nhiệm kỳ từ 02/2019-06/2020, tái nhiệm 30/6/2020).

Thủ tướng: Luvsannamsrain Oyun-Erdene /Lu-vơ-san-nam-sờ-rai Oi-ôn E-rờ tên (từ 22/01/2021), được bầu làm Chủ tịch Đảng cầm quyền Nhân dân Mông Cổ từ 27/6/2021.

Bộ trưởng Ngoại giao: Batmunkh Battsetseg / Bát-mơn-khin Bát-sê-sếch (08/7/2020).

III. Tình hình phát triển kinh tế-xã hội

Chủ yếu dựa vào ngành khai khoáng và chăn nuôi đồng cỏ tự nhiên, là một trong 10 quốc gia có nguồn khoáng sản giàu nhất thế giới, các khoáng sản chính là đồng, than đá, mô-líp-đen, vôn-fram, vàng, nhôm, uranium… Hiện ngành khai thác khoáng sản chiếm trên 50% GDP. Mông Cổ có trên 70 triệu đầu gia súc (lạc đà, ngựa, bò, dê, cừu); tự bảo đảm nhu cầu về lương thực (lúa mỳ).

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, GDP tăng trưởng - 4,6% năm 2020, lên 1,4% năm 2021 và tăng 4% năm 2022, GDP đạt 48 nghìn tỷ MNT (14,1 tỷ USD). Trước đó, kinh tế từ năm 2017 có dấu hiệu phục hồi (tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 5,8%, năm 2018 đạt 6,4%, năm 2019 5,1%,), thu nhập bình quân đầu người trên 5.000 USD.

Năm 2022, Mông Cổ có quan hệ thương mại với 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trị giá khoảng 21,2 tỷ USD năm 2022, tăng 32,1% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD, tăng 35,7%, nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với năm 2021. Lạm phát cuối năm 2022 vẫn ở mức trên 13%; xuất khẩu thịt năm 2022 đạt 16 nghìn tấn (50 triệu USD); tổng số đầu gia súc năm 2022 ước đạt trên 70 triệu; đón được 290 nghìn lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 350 triệu USD năm 2022.

Về đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2022 Mông Cổ thu hút được 0,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính theo lũy kế, Mông Cổ thu hút được 41 tỷ USD trong hơn 30 năm qua (1992-2023)

IV. Chính sách đối ngoại

Từ năm 1990, Mông Cổ thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, đa phương và không liên kết; thực hiện nguyên tắc phát triển quan hệ cân bằng với Nga và Trung Quốc; đẩy mạnh mở rộng quan hệ hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ (Mông Cổ gọi là các nước láng giềng thứ ba); chủ động hợp tác với NATO. Mông Cổ phát triển quan hệ nhiều mặt với Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên trách, Phong trào Không liên kết. Hiện Mông Cổ là thành viên của WTO, ARF, ASEM, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu; đang phấn đấu gia nhập APEC, tham gia đối thoại cấp cao Đông Á, đối tác đối thoại của ASEAN. Mông Cổ hiện quan hệ ngoại giao với 193 nước và vùng lãnh thổ.

Mông Cổ đã nâng cấp quan hệ với Nga (Đối tác chiến lược năm 2009), với Trung Quốc (Đối tác chiến lược toàn diện năm 2014), Mỹ (Đối tác chiến lược 2019), với Ấn Độ (Đối tác chiến lược toàn diện 2009), với Nhật Bản (Đối tác chiến lược 2010), với Hàn Quốc (Đối tác chiến lược năm 2021) và có quan hệ Đối tác toàn diện và mở rộng với Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia. Mông Cổ đã thành công vận động Trung Quốc và Nga ủng hộ sáng kiến tổ chức gặp cấp cao 3 bên Nga-Mông-Trung (lần gần đây nhất diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan tháng 9/2022). Mông Cổ tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, đăng cai tổ chức Hội nghị Đối tác nghị viện Á-Âu lần thứ 9 (ASEP-9) 4/2016 và Hội nghị Cấp cao ASEM-11 (7/2016). Đối với Triều Tiên, Mông Cổ đã đề nghị viện trợ giúp Triều Tiên phòng chống đại dịch Covid-19. Năm 2018-2019, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ G.Zandanshatar từng bày tỏ Mông Cổ sẵn sàng cung cấp địa điểm để Mỹ và Triều Tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh