Mong chờ đô thị ven sông

01:04 | 10/09/2019

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
TP Hà Nội đang khởi động lại dự án quy hoạch đô thị sông Hồng, tuy nhiên đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện. Thực tế cho thấy, việc Hà Nội chậm triển khai quy hoạch đang để lại nhiều hệ lụy cho khu vực này, từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai đến cuộc sống người dân.
mong cho do thi ven song
Dải đất ngoài bãi sông Hồng kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Trì hiện có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, UBND TP Hà Nội đã ấp ủ ý tưởng về việc quy hoạch chi tiết các khu đô thị ven sông, nhằm biến sông Hồng trở thành trung tâm của các khu đô thị hiện đại. Thế nhưng sau nhiều năm, ý tưởng trên chưa thể thực hiện mà vẫn chỉ dừng ở mức đề xuất.

Hiện nay, dải đất ngoài bãi sông Hồng kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Trì có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống khá tạm bợ, phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà một phần nguyên nhân là do chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Chính vì thực trạng quy hoạch “lơ lửng” nên dù sinh sống bao đời nay, người dân khu vực ngoài bãi không được cấp phép, xây mới nhà cửa.

Không chỉ cuộc sống người dân bị ảnh hưởng khi “đi không được, ở không xong”, việc quy hoạch khi chưa được phê duyệt đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, nạn đổ trộm phế thải, rác thải xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Chưa kể, việc nhiều tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục ha đất rồi cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích đã làm “dậy sóng” dư luận.

Ông Trần Văn Đức, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho rằng, việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng cũng như nhiều vấn đề xã hội khác đang là một vướng mắc khó giải quyết dọc bờ bãi sông Hồng. “Quy hoạch bãi sông Hồng “treo” nhiều năm qua đã phát sinh rất nhiều vấn đề, từ an ninh - trật tự, môi trường sinh thái, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Đất không được xây dựng, không thể chuyển nhượng, khó mua bán, thế chấp… bởi nhiều người vẫn coi đây là đất “nhảy dù”, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù chúng tôi đã sinh sống, canh tác ở đây bao nhiêu năm nay”. Ông nói.

Nhiều năm qua, ý tưởng lập quy hoạch hai bờ sông Hồng nhiều lần bị vỡ kế hoạch do vướng quy hoạch thoát lũ lưu vực sông Hồng, sông Đáy. Tuy nhiên, vướng mắc trên phần nào được tháo gỡ sau khi Chính phủ phê duyệt thay đổi chỉ giới theo hướng giảm bớt số lượng các khu dân cư bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, khu vực ngoài bãi sông Hồng hiện nay dân cư đang được chia thành nhiều nhóm. Có nhóm là dân tứ xứ đến lấn chiếm đất, có người lại lập đất làm nơi cư ngụ không chính thức, cũng có nhóm là Nhà nước bố trí tái định cư… Do vậy, việc đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc xác định giá trị tài nguyên đất là bài toán rất khó.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch xây dựng phát triển đô thị ven sông Hồng đã được Hà Nội nhiều lần nghiên cứu, đánh giá. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề về trị thủy, phân lũ của lưu vực sông Hồng và đặc biệt là vấn đề xác định lại ranh giới hai bên bờ sông. Nếu trước kia sông Hồng chảy qua Hà Nội có khoảng 50 km nhưng sau thời điểm mở rộng, địa giới tiếp xúc đã lên tới gần 100 km, hoặc có những đoạn một bên thuộc địa phận Hà Nội, còn một bên lại thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, những vấn đề này chưa được xác định rõ ràng.

Theo các chuyên gia, sông Hồng vốn có đặc điểm thủy văn phức tạp, vào mùa mưa dòng chảy diễn biến khó lường, mực nước dâng cao, đặc biệt là nếu các hồ thủy điện đầu nguồn xả nước thì hậu quả sẽ rất khó lường. Vì thế, trong khoảng 20 năm nay, dù Hà Nội không có nhiều trận ngập lụt gây thiệt hại nặng trên hệ thống đê chống lũ nhưng vẫn cần bảo đảm các yếu tố về quy hoạch, các chính sách pháp luật cũng như có phương án xử lý đê điều, giải pháp ứng phó lũ trên dòng sông. Việc quy hoạch phải bảo đảm hài hòa các yếu tố về thiết kế, cảnh quan, môi trường, trục giao thông nên sẽ không thể phát triển nhà cao tầng dày đặc giống các khu đô thị ven sông trên thế giới vì còn liên quan vấn đề trị thủy… Tuy nhiên, nếu bảo đảm được một số yêu cầu chính thì việc triển khai dự án đô thị ven sông là hoàn toàn có thể khả thi.

Để triển khai dự án và phát triển đô thị ven hai bờ sông Hồng dù vẫn còn rất nhiều vấn đề phải lưu tâm, song hơn bao giờ hết, người dân Thủ đô cần sự rốt ráo của chính quyền, các ban, ngành chức năng thành phố hiện thực hóa đề án quy hoạch rất được chờ đợi này.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

nhandan.vn

vietinbank
ajinomoto