Luật sư Đặng Xuân Cường: Cần sửa đổi quy định về lãi suất cho vay

10:40 | 26/03/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Từ vụ nợ thẻ tín dụng hơn 8,5 triệu lên thành 8,8 tỉ đồng sau 11 năm, trao đổi với phóng viên PetroTimes, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự - Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần phải có sửa đổi quy định pháp luật liên quan đối với lãi suất cho vay của ngân hàng phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền lợi cho người vay, tránh tình trạng lãi suất quá cao ngân hàng thì hưởng lợi còn người vay thì thiệt thòi.
Yêu cầu Eximbank báo cáo vụ Yêu cầu Eximbank báo cáo vụ "vay nợ 8,5 triệu, trả lãi cộng dồn 8,8 tỷ đồng"
Yêu cầu Eximbank sớm làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷYêu cầu Eximbank sớm làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ
Eximbank không thu khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồngEximbank không thu khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng
Luật sư Đặng Xuân Cường: Cần sửa đổi quy định về lãi suất cho vay
Luật sư Đặng Xuân Cường

PV: Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu từ năm 2013 đến năm 2024 tổng số tiền gốc và lãi tăng lên con số hơn 8,8 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận. Xin ông cho biết trách nhiệm của ngân hàng trong trường hợp này.

Luật sư Đặng Xuân Cường: Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Mức khống chế khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm. Tuy nhiên, mức trần 20% không áp dụng đối với ngành ngân hàng do đó mức lãi suất cho vay tiêu dùng có thể lên tới bất kỳ con số nào miễn là có sự thoả thuận bằng văn bản giữa ngân hàng và người vay.

Đối với vụ việc lên đến 8,8 tỉ đồng theo thống kê cả gốc và lãi của ngân hàng sau 11 năm đối với người vay thẻ tín dụng là một điều “bất thường”. Theo thông tin vụ việc chưa xác định chính xác cách tính tiền của ngân hàng đối với khách hàng nhưng có thể thấy với số tiền lớn nói trên, ngân hàng đang tính lãi suất kép và cộng gộp nhập lãi vào gốc theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con”. Đây là cách tính khiến khách hàng phải chịu nhiều thiệt thòi nếu lơ là trong việc quản lý thẻ tín dụng của mình khi quá hạn trả tiền. Ngân hàng có thể cho vay với lãi suất 100%, thu lãi quá hạn 150%/năm và đặc biệt tính lãi nhập gốc ra con số rất lớn. Do đó, ngoài nhiều chính sách hấp dẫn của thẻ tín dụng khách hàng cần lưu ý, hàng tháng phải kiểm tra thẻ tín dụng, không chi tiêu quá đà, bởi lãi suất đối với hình thức vay này bao giờ cũng cao hơn, đặc biệt là lãi suất quá hạn, bởi ngân hàng phải dự phòng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Về phía ngân hàng cũng cần phải kiểm soát nợ, nhắc nợ khách hàng theo thời hạn quy định, nếu không có sự liên lạc và hợp tác của người vay thì ngân hàng cần khóa và đóng tài khoản thẻ để tránh phát sinh chi phí. Trường hợp phát sinh tranh chấp giữa hai bên, phải thông qua con đường tố tụng tại tòa án. Ngoài ra, cần phải có sửa đổi quy định pháp luật liên quan đối với lãi suất cho vay của ngân hàng với nguyên tắc bình đẳng hợp tình hợp lý, phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền lợi cho người vay, tránh tình trạng lãi suất quá cao ngân hàng thì hưởng lợi còn người vay thì thiệt thòi.

Luật sư Đặng Xuân Cường: Cần sửa đổi quy định về lãi suất cho vay
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

PV: Vậy theo quy định của pháp luật, sử dụng thẻ tín dụng mà không thanh toán sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?

Luật sư Đặng Xuân Cường: Trước hết, thẻ tín dụng là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN quy định về nguyên tắc sử dụng thẻ như sau: “Chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành thẻ”. Hiện nay, các ngân hàng sẽ để thời gian miễn lãi suất sẽ kéo dài khoảng 45 ngày, bao gồm thời gian miễn lãi suất giữa hai chu kỳ thanh toán và thời gian được gia hạn. Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay trong khoảng thời gian này, khách hàng sẽ phải trả phí phạt quá hạn hay còn được gọi là phí trả chậm. Phí này được các ngân hàng áp dụng tối thiểu là 5%/lần trên tổng số tiền khách hàng đã sử dụng từ thẻ tín dụng của mình thêm tiền lãi cho ngân hàng. Số tiền khách hàng chưa trả sẽ được ngân hàng tiếp tục tính lãi suất từng ngày cho đến khi trả xong.

Như vậy, không trả nợ thẻ tín dụng sẽ chịu phí phạt do quá hạn thanh toán và lãi suất số tiền còn nợ tùy vào hợp đồng từng ngân hàng đã ký kết với khách hàng. Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng chi tiêu thẻ tín dụng nhưng không trả nợ mà có dấu hiệu bỏ trốn hay lừa dối để không trả nợ thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017); tùy vào mức độ vi phạm và số tiền vay mà có thể bị áp dụng các khung hình phạt.

Cụ thể, phạt lên đến 3 năm tù giam nếu chiếm đoạt số tiền từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về các tội xâm phạm quyền sở hữu mà chưa được xóa án tích. Nếu chiếm đoạt số tiền từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, có thể bị phạt tù 2-7 năm; chiếm đoạt số tiền từ 200 đến dưới 500 triệu đồng, phạt tù 5-12 năm nếu và nếu chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên có thể phạt tù 12-20 năm.

PV: Trong trường hợp người vay sử dụng thẻ nhưng không có khả năng thanh toán (do tai nạn) thì xử lý thế nào, thưa ông?

Luật sư Đặng Xuân Cường: Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu người vay bị mất khả năng thanh toán (do tai nạn) thì tùy từng trường hợp mức độ tai nạn có thể được xem xét miễn giảm khoản lãi phải trả, tuy nhiên khách hàng không được miễn nghĩa vụ trả nợ. Do người vay và ngân hàng có hợp đồng tín dụng nên phương án ưu tiên vẫn là sự thỏa thuận giữa hai bên khi xảy ra sự kiện tai nạn không mong muốn làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi nợ của ngân hàng. Người vay cần có đơn yêu cầu phía ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư 39/2016/TT-NHNN hoặc xin giảm, miễn khoản lãi phải trả. Ngoài ra, trường hợp hợp đồng vay tín dụng của khách hàng có sử dụng hợp đồng bảo hiểm tín dụng thì có thể yêu cầu phía bảo hiểm thực hiện thay nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Theo quy định hiện hành, chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức phát hành thẻ các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành thẻ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mạnh Tưởng (thực hiện)

vietinbank
thaco