Lợi nhuận tại ngân hàng MSB khả quan, chất lượng tín dụng hiện ra sao?

09:23 | 30/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Lợi nhuận tại ngân hàng MSB trong 9 tháng đầu năm 2023 rất tích cực song chất lượng tín dụng lại đang có dấu hiệu suy giảm khi nợ xấu và lãi dự thu đều tăng mạnh.
Điểm danh các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu nămĐiểm danh các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm
Nhiều ngân hàng chưa chủ động thực thi hỗ trợ lãi suất 2%Nhiều ngân hàng chưa chủ động thực thi hỗ trợ lãi suất 2%

Ngân hàng MSB ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan

9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt 9.567 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 9% so với 9 tháng đầu năm trước. Đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng nhằm bù đắp các tác động của thị trường lên tín dụng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt gần 29%, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2022, trong đó doanh thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỷ trọng 43% trong tổng doanh thu phí dịch vụ. Đây là “quả ngọt” từ quá trình chuyển đổi số của MSB trong gia tăng trải nghiệm khách hàng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt gần 1.031 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục phát huy vị thế tiên phong của MSB trong mảng này.

Nhờ doanh thu tăng cao hơn mức tăng 8% của chi phí hoạt động, tính đến 30/9, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ghi nhận 31,6%, thấp hơn mức 34,8% cùng kỳ năm ngoái, thể hiện hiệu quả của quy trình số hóa cũng như cách thức quản trị chi phí.

Lợi nhuận tại ngân hàng MSB khả quan, chất lượng tín dụng hiện ra sao?

Dựa trên chiến lược điều phối nhịp nhàng giữa quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đầu năm 2023 của MSB đạt 5.223 tỷ đồng, tương đương đạt 83% kế hoạch năm.

Tổng tài sản tại ngân hàng MSB tính đến 30/9 đạt trên 249.000 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng khách hàng đạt gần 141.244 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm,

Tiền gửi khách hàng đạt 129.618 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) đạt 27,71%.

Chất lượng tín dụng tại ngân hàng MSB hiện ra sao?

Mặc dù lợi nhuận tại MSB trong 9 tháng đầu năm nay rất tích cực song chất lượng tài sản của ngân hàng đang có dấu hiệu suy giảm khi nợ xấu và lãi dự thu đều tăng mạnh. Con số này thể hiện khá rõ nét trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 vừa được MSB công bố.

Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng). Khi khách hàng ký hợp đồng tín dụng, kể từ thời điểm giải ngân, ngân hàng bắt đầu tính lãi; theo thỏa thuận trên hợp đồng thì định kỳ ngân hàng đều hạch toán khoản lãi dự thu và sẽ thu được khi khách hàng "thực trả". Do đó, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Lãi dự thu như con dao hai lưỡi, lợi nhuận được đẩy lên cao nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro nếu ngân hàng không thể thu được các khoản dự lãi.

Tính đến 30/9/2023, tổng lãi và phí phải thu (lãi dự thu) tại MSB tăng vọt 71% so với đầu năm, từ 2.808 tỷ đồng lên 4.790 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 1.981 tỷ đồng sau 9 tháng.

Lợi nhuận tại ngân hàng MSB khả quan, chất lượng tín dụng hiện ra sao?

Đồng thời, nợ xấu tại MSB cũng tăng vọt 100% so với đầu năm, từ 2.069 tỷ đồng lên hơn 4.146 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 2.078 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại MSB từ 1,71% hồi đầu năm lên 2,94% (gần chạm mốc 3%).

Xét về cơ cấu các nhóm nợ xấu tại ngân hàng MSB, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 2,7 lần lên mức 1.214 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng vọt 97%, từ 442,8 tỷ đồng lên gần 1.386 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh nhất, cao gấp 3,1 lần so với đầu năm, lên hơn 1.548 tỷ đồng.

Đáng nói, ngân hàng MSB còn đang ‘ôm’ hơn 4.583 tỷ đồng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) cao gấp 2,7 lần so với đầu năm.

Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.

Lợi nhuận tại ngân hàng MSB khả quan, chất lượng tín dụng hiện ra sao?
Chi tiết các nhóm nợ tại ngân hàng MSB (nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2023)

Trong khi nợ xấu, nợ nhóm 2 và lãi dự thu tăng nhanh, ngân hàng MSB lại đang đối mặt với tình trạng thu hồi nợ chậm. Tính đến 30/9/2023, nợ khó đòi đã xử lý chỉ tăng nhẹ 8% so với đầu năm, ghi nhận hơn 14.710 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thời điểm 30/9/2022, con số nợ khó đòi đã xử lý tăng 17% so với đầu năm (cả năm 2022 tăng tới 19%).

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các ngân hàng gặp nhiều vướng mắc, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng.

Nếu cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 2%, thì đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống đã lên tới 6,16%.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo, thời gian tới, nợ xấu có thể còn gia tăng do tình hình sản xuất - kinh doanh nhiều bất lợi ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Trong khi đó, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, NHNN đã có công văn gửi tới các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, nỗ lực thu hồi, xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; chủ động rà soát, phát hiện các trường hợp phân loại nợ, trích lập dự phòng chưa đúng quy định để chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo việc phân loại nợ, trích lập dự phòng phản ánh đúng chất lượng nợ. Thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái theo đúng quy định; đồng thời rà soát các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lê Thanh