Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm: MIC và ABIC lãi đậm, VASS thua lỗ

13:50 | 27/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hiện tại, mới chỉ có một số doanh nghiệp bảo hiểm công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Trong khi đó vẫn có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đi lùi, thậm chí thua lỗ đậm.

CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABIC, UPCoM: ABI) là đầu tiên doanh nghiệp bảo hiểm công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả kinh doanh khả quan.

Trong quý II năm nay, doanh thu phí bảo hiểm gốc của ABI giảm 12% so cùng kỳ, còn gần 506 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ hoàn nhập dự phòng hơn 21 tỷ đồng giúp Công ty ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng 7%, đạt gần 533 tỷ đồng. Đồng thời, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm tăng mạnh 79%, đạt gần 17 tỷ đồng, dẫn đến doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 6%, đạt gần 497 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 7% so với cùng kỳ, còn hơn 308 tỷ đồng, chủ yếu do tổng chi bồi thường (hơn 157 tỷ đồng) và chi phí khác (146 tỷ đồng) lần lượt giảm 12% và 1%.

Với doanh thu thuần tăng 6% trong khi chi phí giảm 7%, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm của ABI tăng 37% so với cùng kỳ, đạt hơn 188 tỷ đồng.

Mặt khác, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 38%, lên hơn 43 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi có kỳ hạn tăng 37%, đạt gần 43 tỷ đồng.

Nhờ lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính lần lượt tăng 37% và 38%, ABI thu về lợi nhuận ròng quý II/2023 gần 85 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm: MIC và ABIC lãi đậm, VASS thua lỗ

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, ABI ghi nhận lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 25%, đạt gần 362 tỷ đồng, cùng với lợi nhuận gộp hoạt động tài chính tăng 31% lên gần 82 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận ròng của Công ty tăng 57% so với cùng kỳ, đạt hơn 155 tỷ đồng.

Năm 2023, ABI đặt mục tiêu đạt 305 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10% so với thực hiện năm 2022. So với kế hoạch này, Công ty mới chỉ thực hiện được 35% mục tiêu lợi nhuận trong nửa đầu năm.

Tiếp đến, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG) ghi nhận doanh thu quý 2/2023 đạt 933 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính tăng 40% đạt 67 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính giảm đến 55%, còn 266 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp quý II của MIC tăng nhẹ 3 tỷ đồng lên gần 120 tỷ đồng, tương đương quý I.

Sau khi giảm trừ các loại chi phí, MIC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 75 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ, tuy nhiên vẫn thấp hơn 13% so với kết quả quý I. Mức tăng vọt của quý II năm nay chủ yếu do mức nền thấp của quý II năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MIC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.871 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đã giảm mạnh khoản dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, còn gần 56 tỷ đồng, chỉ bằng 9% cùng kỳ. Cùng với mức tăng trưởng tốt của doanh thu tài chính, lợi nhuận trước thuế kỳ này của MIC tăng gấp rưỡi cùng kỳ, lên 161 tỷ đồng.

MIC đặt mục tiêu năm 2023 đạt 6.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc và 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 17% và 75% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết 6 tháng đầu năm, công ty mới chỉ đã hoàn thành được 39,8% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm: MIC và ABIC lãi đậm, VASS thua lỗ

Tương tự, CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II đạt 119,6 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ lên hơn 188 tỷ đồng.

Cụ thể, mảng kinh doanh bảo hiểm không có tăng trưởng rõ rệt với doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng nhưng mảng hoạt động tài chính tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ lên 56,5 tỷ đồng.

Khác với các doanh nghiệp bảo hiểm trên, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (mã chứng khoán: BLI) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2/2023 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm lợi nhuận lại giảm mạnh.

Theo đó, Bảo hiểm Bảo Long ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng từ 291,5 tỷ lên 341,1 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhẹ 2% từ hơn 290 tỷ xuống 285 tỷ đồng, trong đó, tổng chi bồi thường bảo hiểm giảm 17,7% xuống còn hơn 107 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng "phi mã" từ hơn 714 triệu đồng lên hơn 55,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý II/2023, Bảo hiểm Bảo Long ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế tăng trưởng mạnh, đạt hơn 19,4 tỷ và hơn 15,5 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ báo lỗ tới hơn 64,8 tỷ và gần 51,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm Bảo Long lãi trước thuế 50 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Bảo hiểm Bảo Long đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến hơn 99,6 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm, công ty thực hiện được hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm: MIC và ABIC lãi đậm, VASS thua lỗ

Cùng cảnh ngộ, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI – mã: AIC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II giảm 84% so với cùng kỳ năm trước xuống 3,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VNI giảm gần 80% xuống 8,8 tỷ đồng do lợi nhuận từ các mảng kinh doanh đều giảm, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 10,7% tuy nhiên lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 47,3% xuống 54 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm 79% xuống 8,8 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm làm ăn thua lỗ trong 6 tháng qua.

Theo đó, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (OTC: VASS) báo lỗ ròng quý II/2023 gần 5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 368 tỷ đồng vào cuối kỳ.

Cụ thể, quý II/2023, VASS ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 55 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 6%, còn hơn 10 tỷ đồng. Thêm vào đó, hoạt động tài chính lỗ gộp gần 2 tỷ đồng khiến VASS lỗ ròng gần 5 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VASS lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm không đủ bù đắp chi phí quản lý cộng thêm lỗ từ hoạt động tài chính.

Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm: Hầu hết các chỉ tiêu đều tăng

Theo cập nhật nhanh từ Bộ Tài chính, ngoại trừ chỉ tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm rất nhẹ (giảm 1,6%), các chỉ tiêu còn lại của thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm đều tăng.

Tổng tài sản ước đạt 868.675 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 123.461 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 745.214 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ban hành ngày 5/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, trong giai đoạn 2021 - 2025 doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân 15%/năm; đến năm 2025 quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm; đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5% GDP; đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Riêng năm 2023, dự kiến thị trường bảo hiểm sẽ đạt mức tăng trưởng với hầu hết các chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý nhất là doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng nhẹ.

Cụ thể, tổng tài sản ước đạt 928.408 tỷ đồng, tăng 11,15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 139.661 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 788.747 tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương - Huy Tùng