Kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo

21:58 | 07/03/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
“Nói về địa thế, Khánh Hòa đang chiếm ưu thế vượt trội, tỉnh có 3 vịnh nước sâu kín gió: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Khánh Hòa là cửa ngõ giúp cho Tây Nguyên vươn ra biển lớn kết nối với thế giới. Tỉnh Khánh Hòa cùng với các bộ, ngành có chương trình hành động mạnh mẽ, thực hiện và bảo vệ những quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu không làm ngay bây giờ, sau này quy hoạch thiếu tính bền vững, các nhà đầu tư không yên tâm. Cần có những giải pháp, lộ trình cụ thể, đồng thời công khai, minh bạch quy hoạch để người dân giám sát, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến hợp tác làm ăn” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, diễn ra vào ngày 2/3/2023.

Kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo

Cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lệ Giang, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Tư duy dám nghĩ, dám làm

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Khu kinh tế Vân Phong có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư, là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong số đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác...

Năm 1992, tôi đến Khánh Hòa công tác, trở thành quê hương thứ hai, nên thấm thía câu nói của Thủ tướng: “Nếu không làm ngay bây giờ, sau này quy hoạch thiếu tính bền vững, các nhà đầu tư không yên tâm”. Hồi đó, đi dọc đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, có khách sạn Hải Yến ba tầng được xem là “hạt nhân” ngành du lịch của tỉnh nhà. Phía ngoài đảo chỉ có hồ cá Trí Nguyên, trở thành điểm tham quan ngắm nhìn biển, đảo của vịnh Nha Trang.

Hơn 30 năm, dịch vụ du lịch thành phố Nha Trang và vịnh Nha Trang (bao gồm Bãi Dài, huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh) đã thu hút hàng trăm dự án xây dựng những tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quần thể vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn 4-5 sao. Trước dịch Covid-19, doanh thu ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đạt trên 20.000 tỉ đồng. Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã đón 7 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 2,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 170,5% so với năm 2022. Du lịch phục hồi sau đại dịch rất mạnh mẽ.

Chúng tôi chỉ đưa ra hình ảnh như vậy để nói rằng, tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương phát triển kinh tế biển sớm hơn cả nghị quyết của Trung ương. Ông Phạm Văn Chi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1996-2000 đã đề cập đến phát triển kinh tế biển. Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2001-2005 đề ra 10 chương trình và dự án lớn phát triển của tỉnh, trong đó có chương trình kinh tế biển tổng thể”.

Theo ông Chi, Khánh Hòa là một trong những tỉnh sớm có nghị quyết về phát triển kinh tế biển, trước cả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Khánh Hòa là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển cơ sở du lịch đẳng cấp cao, kinh tế công nghiệp tàu biển, đánh bắt xa bờ... Đây là tư tưởng dám nghĩ, dám làm, mang tính xuyên suốt qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh.

“Lúc đầu, triển khai phát triển có rất nhiều cái mới, đụng vào lĩnh vực nào cũng thấy khó. Cái khó thứ nhất, tỉnh không có vốn; khó thứ hai, tỉnh chưa làm công nghiệp biển, ven biển bao giờ. Lấy ví dụ, lúc mới bắt đầu bàn thảo với Công ty Đóng tàu biển Hyundai (Hàn Quốc), phía công ty này muốn tỉnh Khánh Hòa góp vốn vào để xây dựng nhà máy tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, nhưng tỉnh không có tiền để đóng góp.

Phía Việt Nam quyết định góp cổ phần 30% vốn bằng đất và mặt nước biển. Phía Hàn Quốc góp 70%, làm nên nhà máy đóng mới tàu biển lớn nhất Đông Nam Á. Các hãng tàu lớn ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ... đến đây sửa chữa, đóng mới, giải quyết hàng nghìn lao động. Doanh thu hàng năm đạt từ 200-500 triệu USD. Nếu như trước đây, lãnh đạo tỉnh không thay đổi tư duy, không có quyết tâm làm, thì chưa chắc khu vực Nam Vân Phong có nhịp độ phát triển như bây giờ” - ông Chi nhớ lại.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, khu vực Nam Vân Phong sẽ có 4 dự án điện lớn, tổng công suất lên đến 13.800 MW. Hiện nay, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 có tổng vốn đầu tư 2,58 tỉ USD, công suất 1.320 MW đã đi vào hoạt động. Nam Vân Phong sẽ sớm trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia.

Kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo
Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Việt Nam. Ảnh: Lệ Giang, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

“Đòn bẩy” từ Nghị quyết 09-NQ/TW

Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định tỉnh cần phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển, vận tải biển - hàng không; kinh tế biển - đảo; thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương.

Bộ Chính trị đã xác định ngành kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa giữ vai trò trọng yếu ở khu vực Nam Trung Bộ, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Trong chiến lược phát triển, lấy nuôi biển theo hướng công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao ở Khánh Hòa làm mô hình thí điểm tầm quốc gia.

Tỉnh Khánh Hòa đưa ra 4 nhóm giải pháp: Thứ nhất, vùng quy hoạch nuôi biển hợp lý, hài hòa với các ngành kinh tế, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Thứ hai, xác định những vùng nuôi phù hợp cho từng đối tượng, chỗ nào nuôi tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá mú... và mở rộng ra những vùng nuôi mới. Thứ ba, xác định được những vùng nuôi từ bờ trở ra 3 hải lý và vùng 6 hải lý. Trong Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, xác định đối tượng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn vốn nuôi ở vùng biển 6 hải lý. Thứ tư, đề án này xác định tiêu chí như thế nào là nuôi biển công nghệ cao, theo quy mô công nghiệp.

Trước đây, Khánh Hòa thực hiện mạnh mẽ 10 chương trình và dự án lớn phát triển của tỉnh đã đem lại diện mạo trung tâm kinh tế - văn hóa khu vực Nam Trung Bộ. Thời gian tới, tỉnh sẽ tạo “đòn bẩy” của Nghị quyết 09-NQ/TW phát triển ở tầm cao mới, kinh tế biển giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Lệ Giang

www.bienphong.com.vn