Kinh nghiệm áp dụng thúc đẩy phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam

16:42 | 08/08/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sáng ngày 8/8, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đối tác tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” tại Hà Nội, nhằm đánh giá hiện trạng, cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Điều hành Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Hội thảo nhận được sự tham gia trình bày tham luận, đóng góp ý kiến của TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công thương; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học
Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (PTR0) tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Để cụ thể hoá các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn, năng lượng tái tạo không hề dễ dàng, bởi các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, để góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, ngay từ bây giờ chúng ta phải quy hoạch đất trồng, tập trung vào sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo, tập trung vào nhiệt điện sinh khối và cần quan tâm đến vấn đề tồn trữ năng lượng vì chúng ta có thế mạnh về thủy điện.

Bên cạnh đó, chúng ta đang định hướng về điện mặt trời, điện gió. Nếu tổ chức năng lượng, công nghệ không phát triển thì giá trị điện mặt trời mang lại cho hệ thống điện không cao. Đồng thời, chúng ta cũng cần tập trung vào công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon.

 TS Vũ Minh Pháp phát biểu tại hội thảo
TS Vũ Minh Pháp phát biểu tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo, TS Vũ Minh Pháp Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: “Kinh nghiệm từ các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng trước khi tham gia hệ thống ETS. Cả BP và Shell đã bắt đầu triển khai hệ thống ETS nội bộ từ những năm đầu thế kỷ XX, cho phép họ tích lũy nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và tạo ra các tiêu chuẩn và quy trình hiệu quả trong việc quản lý phát thải và giao dịch carbon. Doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam có thể xây dựng một lộ trình để triển khai và ngừng vận hành hệ thống ETS nội bộ khi đánh giá rằng các đơn vị thành viên đã đủ kinh nghiệm để tham gia thị trường cacbon bắt buộc. Điều này có thể là một cách tiếp cận hợp lý để tối ưu hóa quá trình chuyển đổi và đảm bảo sự liên tục trong việc quản lý phát thải và tham gia các thị trường phát thải khí nhà kính”.

Hội thảo "Kinh nghiệm áp dụng thúc đẩy phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam" là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng, nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch nói trên.

Đồng thời, Hội thảo cũng đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số và lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam (Hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh...). Hội thảo cũng xác định những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ; và xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay.

Diễm Hằng

vietinbank
thaco