Không đấu giá quyền khai thác với các loại khoáng sản bảo đảm an ninh năng lượng
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn). |
Bảo đảm tính khả thi của chính sách về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật ngày 12/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban đã thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo) báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội quy định về Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản (Điều 53), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội thông tin về một số nội dung dự thảo Luật chỉnh lý.
Về giải quyết những hạn chế, vướng mắc, bất cập liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.
Với quy định này, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan tới trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, hoặc trong quá trình khai thác không thể khai thác hết, hoặc trường hợp vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.
Điều chỉnh này đã tháo gỡ bất cập của Luật Khoáng sản năm 2010, bảo đảm tính khả thi của chính sách về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đối với quy định về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 104), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về thu hẹp phạm vi, đối tượng khu vực không đấu giá, dự thảo Luật đã chỉnh lý tại khoản 2 Điều 104.
Theo đó, các khu vực được xác định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm: Các loại khoáng sản bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng; khoáng sản được xác định phục vụ cho nhà thầu thi công các dự án đầu tư theo quy định; các khu vực khoáng sản do tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản và các trường hợp thu hồi khoáng sản theo các dự án đầu tư xây dựng.
Đồng thời, dự thảo Luật bỏ quy định tiêu chí khu vực không đấu giá khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản.
Toàn cảnh phiên họp sáng 12/8 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Phần lớn ý kiến đồng ý để Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản
Về một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến, ông Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật điều chỉnh các loại khoáng sản, trừ dầu khí, các loại nước thiên nhiên khác không phải là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã bao hàm đầy đủ các đối tượng, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý.
Việc quản lý nước khoáng, nước nóng thiên nhiên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có những khó khăn, thách thức nhất định, tuy nhiên, cần thiết phải đưa vào đối tượng điều chỉnh để bảo đảm chủ quyền quốc gia đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở khu vực này.
Về phân nhóm khoáng sản (Điều 7), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội giao Chính phủ quy định danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều được dự thảo Luật giao, có kèm theo danh mục khoáng sản theo từng nhóm và rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I và các khoáng sản nhóm III sẽ được nêu cụ thể trong danh mục này. Điều này bảo đảm không có sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản, không có khoảng trống pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung xây dựng 2 phương án để tiếp tục xin ý kiến.
Đối với trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung theo 2 phương án:
Hoặc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội) hoặc giao cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo phương án 2.
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, có một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch, nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo nội dung theo 2 phương án:
Phương án 1, việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch; Phương án 2, dự thảo Luật quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch, các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo Phương án 2.
Phương Thảo
- Long An sắp có nhà máy thiết bị điện gió công suất thuộc top lớn thế giới
- Scatec ASA chuyển nhượng nhà máy điện gió tại Ninh Thuận và rút khỏi Việt Nam
- Cần thiết tạo quỹ đầu tư xanh hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo
- Tại sao giá điện LNG chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
- Hồ thủy điện Tuyên Quang sẽ mở cửa xả đáy thứ 4 từ 9h sáng
- Nghệ An: Tìm nhà đầu tư cho nhà máy điện khí hơn 2 tỷ USD
- Bộ trưởng KH&ĐT thăm địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ka-lừm của PV Power
- Các học giả, chuyên gia kinh tế nói gì về vai trò, tầm vóc, “vận hội" của Petrovietnam?
- Từ bài học rác thải nhựa nhìn về hệ lụy phát triển ồ ạt điện gió, điện mặt trời
- Thuế carbon ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp điện, than?