Khơi thông điểm nghẽn kinh tế biển

14:15 | 04/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Cửa biển Rạch Gốc là một trong những cửa biển trọng điểm của tỉnh Cà Mau với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, việc quy hoạch khu công nghiệp (ưu tiên cho dịch vụ hậu cần nghề biển) và khu cảng cá kết hợp neo đậu, tránh trú bão Rạch Gốc đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, kinh tế biển của nơi đây vẫn cần được tháo gỡ những điểm nghẽn để có thể vươn tầm.

Tàu chưa mặn mà về bến

Cảng cá Rạch Gốc là cảng cá loại II, cầu cảng dài 100 m, công suất thiết kế trên 18 ngàn tấn thuỷ hải sản/năm. Ði vào hoạt động từ năm 2016, nơi đây được kỳ vọng trở thành cú hích lớn đối với kinh tế biển của vùng Rạch Gốc - Tân Ân nói riêng và của huyện Ngọc Hiển nói chung. Ông Huỳnh Thanh Ðảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), cho biết: “Khu cảng cá và neo đậu, tránh trú bão Rạch Gốc được thiết kế đảm bảo việc ghé bến cho các phương tiện đánh bắt cỡ lớn. Cửa biển Rạch Gốc cũng có nhiều lợi thế để thu hút ghe tàu về. Nhưng thực tế, vài năm gần đây, lượng phương tiện về khá ít”.

Không khí trầm lắng tại khu Cảng cá Rạch Gốc dịp cuối năm, vài chủ thu mua tranh thủ thời gian làm khô tôm tích kiếm thêm thu nhập, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Cửa biển Rạch Gốc gần ngư trường đánh bắt, là nơi có luồng lạch sâu đảm bảo cho việc lưu thông của phương tiện đánh bắt công suất lớn, đó là những ưu thế không phải cửa biển nào cũng có được. Nhưng nơi đây lại có những điểm nghẽn khác. Ông Ðảm phân tích: “Ðến nay, thị trấn Rạch Gốc chưa có nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm thuỷ hải sản quy mô. Khu công nghiệp được quy hoạch, đến nay cũng chỉ mới có một nhà máy bột cá. Dịch vụ hậu cần nghề biển chỉ dừng ở mức thu mua rồi trung chuyển nhỏ lẻ nguyên liệu. Thêm nữa, hạ tầng giao thông kết nối với khu cảng cá chưa thông suốt. Vì thế các phương tiện đánh bắt lựa chọn nơi khác để thuận lợi việc trao đổi, mua bán”.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyền, một chủ thu mua thuỷ hải sản tại Cảng cá Rạch Gốc, chia sẻ: “Thì mấy anh coi, mua bán thì phải thuận tiện chớ như cầu, đường chỉ giới hạn có 8 tấn thì khó quá. Ở gần đây cũng đâu có công ty, xí nghiệp chế biến gì, vận chuyển thì xa, lại vướng tải trọng, nên chủ tàu người ta không mấy mặn mà. Ở đây thường ít tàu vô, có đậu nhiều là như dịp cuối năm này người ta gửi để về quê ăn Tết thôi”. Những chủ thu mua như bà Tuyền, dù ngay ở cảng, nhưng thường nhật cũng chỉ thu mua được các loại hải sản nhỏ, ít giá trị.

Cũng ngay tại Rạch Gốc, không khí mua bán của bến xếp dỡ tư nhân lại khá rộn rịp. Ông Ðảm chia sẻ: “Vô Rạch Gốc, bà con ngư dân hay ghé bến tư nhân để trao đổi, mua bán, bởi ở đây giao thông thuận tiện hơn, ít chi phí hơn”. Tuy nhiên, so với kỳ vọng, lượng phương tiện về Rạch Gốc vẫn khiêm tốn. Tàu ghe ít về, kinh tế biển của Rạch Gốc vì thế cũng trầm lắng.

Nhiều dự tính

Rạch Gốc xác định kinh tế biển là thế mạnh chủ lực để phát triển. Nhiều dự tính cũng đã và đang triển khai rốt ráo để vực dậy lĩnh vực này. Trong đó, quy hoạch khu công nghiệp mới của địa phương với diện tích 75 ha, kết nối với trục giao thông đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt. Cái vướng hiện tại là mặt bằng của quy hoạch này chưa “sạch” và cũng chưa có nhà đầu tư thực hiện. Bên cạnh đó, dự án nạo vét cửa biển Rạch Gốc cũng đã được tính toán triển khai. Việc nâng cấp tuyến giao thông kết nối với Cảng cá Rạch Gốc cũng là đề xuất cấp thiết của địa phương. Theo ông Ðảm: “Nếu giải quyết hết các điểm nghẽn này, kinh tế biển của Rạch Gốc chắc chắn sẽ mau chóng vươn mình phát triển”.

Về nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế biển, lãnh đạo địa phương này cho rằng, ngân sách là nguồn lực quan trọng, nhưng phải xã hội hoá, huy động đa dạng hơn nữa nguồn lực, nhất là các nhà đầu tư lớn. Biết là vậy, nhưng thực tế khó khăn, khả năng của địa phương là có giới hạn, nên vẫn phải trong tình cảnh “liệu cơm gắp mắm”. Trong đó, việc hình thành và phát triển dịch vụ hậu cần nghề biển cũng là vấn đề cấp thiết. Nhưng dường như Rạch Gốc chưa thật sự hấp dẫn với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.

Ghé thăm Công ty Bột cá Phúc Ngọc Cà Mau, Khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, bà Phan Bích Thuỷ, Phó giám đốc công ty, mong mỏi: “Ở đây nếu đường sá thuận lợi thì doanh nghiệp làm ăn cũng dễ hơn. Quanh khu công nghiệp này, chỉ có mình chúng tôi hoạt động từ năm 2017 đến nay. Cũng có người quan tâm, nhưng vô đây tìm hiểu thì lại dội ra vì nhiều thứ bất lợi quá”. Phúc Ngọc chủ yếu thu mua thuỷ hải sản tạp, nhỏ, phụ phẩm của thuỷ hải sản để chế biến bột cá phục vụ xuất khẩu. Với công suất 800 tấn nguyên liệu cho ra 200 tấn thành phẩm/tháng, công ty này đã giải quyết được công ăn việc làm cho hơn 100 lao động tại chỗ với mức lương trên 5 triệu/tháng/người.

Trong năm 2022, nhiều đoàn khảo sát của các cấp, ngành đã về nắm bắt tình hình và trao đổi với địa phương Rạch Gốc về những vướng mắc trong lĩnh vực kinh tế biển, đồng thời tính toán các giải pháp tháo gỡ. Những khó khăn của nơi đây vì thế không phải là mới, là chưa được nhìn thấy. Rạch Gốc đang cần sự đồng hành, hỗ trợ và nguồn lực để hiện thực hoá càng nhanh càng tốt những giải pháp, dự tính, khơi thông được những vướng mắc cả trước mắt và lâu dài.

Tổng sản lượng khai thác thuỷ hải sản của thị trấn Rạch Gốc trong năm 2022 trên 11.500 tấn. Ðịa phương có 129 phương tiện đánh bắt, khoảng 50% là tàu công suất lớn khai thác xa bờ. Theo ông Huỳnh Thanh Ðảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc: “Hạ tầng kinh tế biển còn hạn chế, dịch vụ hậu cần nghề biển chưa phát triển là những nguyên nhân khiến kinh tế biển Rạch Gốc rất khó để bứt phá. Trong năm 2022, lượng tàu về cảng giảm hơn so với mọi năm. Chính thực tế này khiến cho hoạt động và hiệu quả khai thác công năng cảng cá còn nhiều hạn chế”.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Hải Nguyên

www.baocamau.com.vn