Khánh Hòa: Kinh tế biển giữ vai trò trọng yếu của tỉnh

19:45 | 25/03/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Để làm rõ hơn về vấn đề này, Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Đảo Hòn Tre xây nhà cao 20 tầng

- Khánh Hòa có lợi thế về phát triển du lịch biển, đảo, nhưng dịch Covid-19 đã “nhấn chìm” các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Vậy, tình hình thực tế hiện nay như thế nào, thưa ông?

Đầu năm 2022, Hãng hàng không Azur Air (Nga) đã chở một chuyên cơ khách du lịch đáp xuống sân bay

Khánh Hòa: Kinh tế biển giữ vai trò trọng yếu của tỉnh
Ông Đinh Văn Thiệu. Ảnh: Hải Luận

quốc tế Cam Ranh sau 2 năm vắng bóng khách quốc tế do dịch Covid-19. Từ đó đến nay, liên tục có khách du lịch người Nga đến Khánh Hòa. Người dân nước ta đã hiểu biết hơn về cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2, cộng thêm độ bao phủ vaccine mũi 2 toàn dân, các địa phương cũng đang tiến hành tiêm mũi tăng cường (mũi 3). Tết Nguyên đán năm 2022, Nha Trang đã “cháy” phòng khách sạn, do khách đến quá đông. Hy vọng trong năm 2022, du lịch Khánh Hòa dần quay trở lại mạnh mẽ như vốn có.

Về phát triển lâu dài, Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định đầu tư xây dựng Khánh Hòa thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Có thể nói, kinh tế biển giữ vai trò trọng yếu của tỉnh Khánh Hòa.

- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025. So với quy hoạch trước đây, quy hoạch này có gì mới không?

- Quy hoạch mới của Nha Trang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 3 khu vực của thành phố Nha Trang được điều chỉnh cục bộ, gồm: cảng Nha Trang và vùng phụ cận (2 phường Vĩnh Nguyên và Vĩnh Trường); đảo Hòn Tre - Hòn Một (phường Vĩnh Nguyên); khu vực Hòn Thị (xã Phước Đồng). Riêng khu vực đảo Hòn Tre - Hòn Một được bổ sung thành trung tâm đô thị du lịch. Chiều cao trung bình công trình trên đảo Hòn Tre là 5 tầng, trên đảo Hòn Một là 3 tầng. Riêng tại 8 cụm Trung tâm du lịch đảo Hòn Tre, tầng cao tối đa là 20 tầng. Còn tại đảo Hòn Một, một số công trình khách sạn chính sẽ áp dụng chiều cao tối đa là 5 tầng.

Trên thực tế, đảo Hòn Tre đã được Tập đoàn Vingroup đầu tư thành tổ hợp du lịch đẳng cấp 5 sao, tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam xứng tầm thế giới. Quy hoạch lần này sẽ khai thác tối đa đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên của khu vực, xây dựng diện mạo, cảnh quan đô thị du lịch biển, đảo, tạo không gian điểm nhấn cảnh quan đô thị trong khu vực vùng vịnh Nha Trang. Xây dựng quần thể đảo thành trung tâm đô thị du lịch hiện đại, cao cấp trên cơ sở hài hòa với môi trường cảnh quan tự nhiên và địa hình khu vực. Đồng thời, xây dựng cảng du lịch đảm bảo tiêu chuẩn cảng quốc tế, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đón được những du thuyền du lịch 5 sao.

- Vân Phong là một vịnh độc đáo của Việt Nam, liệu có trở thành “quả đấm thép” kinh tế của khu vực?

- Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng đường cao tốc Nha Trang - Vân Phong (huyện Vạn Ninh) và tuyến Nha Trang - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cả hai trục đường này đều kết nối với Khu kinh tế Vân Phong. Phía Bắc, Chính phủ đã đầu tư nâng cấp sân bay Phú Yên, phục vụ luôn cho Vân Phong. Trong quý 2 năm 2022, tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, xong rồi sẽ khởi công tiếp Khu công nghiệp Vạn Thắng. Cả hai khu công nghiệp này đều nằm trong Khu kinh tế Vân Phong. Hạt nhân phát triển Bắc vịnh Vân Phong là hệ thống cảng biển lớn, hiện đại đẳng cấp quốc tế. Nam Vân Phong là công nghiệp đóng tàu biển, năng lượng điện và các nhà máy chế biến gắn với cảng Nam Vân Phong. Vân Phong không chỉ đơn thuần phục vụ riêng cho Khánh Hòa, nó được xác định là vùng động lực kinh tế quan trọng của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Nuôi biển bằng công nghệ cao

- Khánh Hòa đang sở hữu 3 vịnh nổi tiếng, lợi thế này không địa phương nào có được. Tiềm năng và giải pháp cho chiến lược nuôi biển sắp tới như thế nào, thưa ông?

- Nhờ có 3 vịnh (Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong) nước sâu, kín gió, tỉnh có số lượng và sản lượng về nuôi trồng thủy sản trên biển khá lớn. Có ba cái nhất: sản lượng tôm hùm lớn nhất, nơi sản xuất giống cá biển lớn nhất, quy mô nuôi cá bằng công nghệ cao lớn nhất. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, cơ sở nuôi cá chẽm biển lớn nhất thế giới, mỗi lồng nuôi có sản lượng từ 250 - 300 tấn cá, ở vùng biển Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đầu tư những lồng lớn như thế này.

Khánh Hòa: Kinh tế biển giữ vai trò trọng yếu của tỉnh
Khu du lịch đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang. Ảnh: Hải Luận, https://dulich.petrotimes.vn

Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam áp dụng công nghệ nuôi cá biển của Na Uy, cho cá ăn bằng hệ thống tự động, camera robot quan sát cá dưới nước, đồng thời, quản lý việc cho ăn chính xác, bảo đảm vệ sinh môi trường biển... Công ty có trại sản xuất cá giống quanh năm, 4 nhà máy chế biến cá, mới hạ thủy chiếc tàu 300 tấn, chuyên thu hoạch và sơ chế cá trên tàu. Năm 2022, Công ty Australis Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy chế biến cá lớn, bằng tổng 4 nhà máy cũ cộng lại.

- Thời gian tới, tỉnh có chính sách gì để khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư nuôi biển bằng công nghệ cao quy mô công nghiệp?

- Qua hoạt động nuôi cá biển ở tỉnh Khánh Hòa đã hội tụ đủ lý luận và thực tiễn. Tỉnh sẽ sớm ban hành chính sách, quy chuẩn nuôi cá biển quy mô công nghiệp của riêng tỉnh, không chờ Trung ương làm trước, rồi tỉnh làm theo. Làm kiểu này sẽ chậm và không sát thực tế ở vùng biển, đảo của tỉnh. Từ đó, tỉnh mới có căn cứ xác định được thứ tự ưu tiên phát triển, phải đi tiên phong làm trước để các tỉnh, thành làm sau đúc rút kinh nghiệm. 3 vấn đề quan trọng cần bàn sâu: công nghệ cao, tính bền vững, giá trị kinh tế gia tăng. Cần có sự hợp tác chặt chẽ từ chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và ngân hàng. Đây là biện pháp cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển chiến lược kinh tế biển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn