Khắc phục một trong những bất cập lớn nhất cho Đông Nam Bộ

14:01 | 23/03/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết nối giao thông liên quan tới cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành mang ý nghĩa chiến lược, góp phần khắc phục một trong những bất cập lớn nhất, trở lực lớn nhất hiện nay để phát huy vai trò của Đông Nam Bộ, vùng động lực tăng trưởng của cả nước.
Khắc phục một trong những bất cập lớn nhất cho Đông Nam Bộ

Tại cuộc làm việc cuối tuần qua với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và lãnh đạo một số bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo hàng loạt nội dung nhằm gỡ vướng cho Cái Mép - Thị Vải - cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước. Cụ thể, nạo vét luồng cho tàu lớn; tổ chức các tuyến đường thủy nội địa kết nối, đặc biệt với ĐBSCL; sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu; nghiên cứu dự án đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép…

Cùng với đó, ưu tiên xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ; nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải; nghiên cứu thành lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép; sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại khu vực để giảm tỷ lệ hàng hóa tại Cái Mép phải di chuyển vào TPHCM làm thủ tục hải quan…

Tinh thần chung là phải hoàn thiện kết nối vận tải đa phương thức, trong đó cảng biển làm đầu mối để bảo đảm khơi thông các nút thắt cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Ưu tiên hạ tầng giao thông có tính chất động lực kết nối các trung tâm sản xuất tiêu thụ đến cảng biển.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi tiếp Đại sứ Hà Lan, Đại sứ Bỉ cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu đang có ý định đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với trị giá 984 triệu USD. Mục tiêu của Dự án hướng tới phát triển Cái Mép Hạ trở thành trung tâm hàng đầu về dịch vụ vận tải, container và xuất khẩu nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long sang Liên minh châu Âu.

Những chỉ đạo chiến lược, đột phá

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ mạnh mẽ các chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ.

Theo TS Trần Du Lịch, các dự án kết nối giao thông của vùng, đặc biệt là kết nối các trung tâm công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và kể cả Bình Phước, Tây Ninh… về Cái Mép - Thị Vải đã có quy hoạch có từ lâu nhưng việc triển khai còn chậm. Đây chính là trở lực lớn để phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vai trò của cảng Cái Mép - Thị Vải - hệ thống cảng biển quốc tế mang ý nghĩa chiến lược.

“Chỉ đạo của Thủ tướng có ý nghĩa chiến lược, cần phải được thực hiện sớm. Ý nghĩa lớn nhất của việc này là xử lý bất cập lớn nhất, trở lực lớn nhất, giải quyết vấn đề căn cơ nhất là giao thông kết nối để phát huy vai trò của vùng”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Về các dự án cụ thể, TS Trần Du Lịch đề xuất cần triển khai càng sớm càng tốt dự án đường vành đai số 3 của TPHCM kết nối với Long An, Đồng Nai, Bình Dương. “Giao thông là trở ngại lớn nhất để phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm, nếu làm được sẽ giúp giải tỏa ách tắc ở TPHCM, nhất là khu vực cảng Cát Lái”, ông Trần Du Lịch nêu rõ.

TS Trần Du Lịch cũng ủng hộ việc nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải để đáp ứng các tàu có sức chở lớn. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu việc thành lập khu mậu dịch tự do. Việc xúc tiến trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại Cái Mép cũng là một giải pháp đột phá, có ý nghĩa quan trọng để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp – một gánh nặng đang làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng nhấn mạnh cảng Cái Mép - Thị Vải có vai trò rất quan trọng, đã được đầu tư hoàn thiện, phục vụ thương mại của cả vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL, nhưng hoạt động chưa hết công suất do tắc nghẽn giao thông trong khi nhiều cảng khác quá tải.

Nhìn rộng hơn, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng việc kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ là vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới trên 200% GDP. Trong thời gian vừa qua, khu vực Đông Nam Bộ có dấu hiệu phát triển chững lại khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ không theo kịp tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hàng hóa.

Vùng Đông Nam Bộ có hai dự án hạ tầng giao thông rất quan trọng là sân bay Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải, kết nối hạ tầng là bài toán cần giải quyết nhanh, trước mắt là kết nối đường vào cảng Cái Mép và nạo vét luồng tàu, khai thác hết công suất của cảng này để ngang tầm với các cảng lớn trên thế giới.

“Hiện đường quốc lộ 51 từ Đồng Nai đến Vũng Tàu đã quá tải, gây khó khăn không chỉ cho lưu thông hàng hóa mà cả hoạt động du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Do đó, phải nhanh chóng làm tuyến đường mới từ Đồng Nai tới Vũng Tàu, giải quyết lượng hàng từ Bình Dương, Đồng Nai đi về cảng đó. Đây là chỉ đạo rất hợp lý của Thủ tướng, cần được ưu tiên”, ông Ngân nói.

Cùng với đó, cần phát triển hệ thống đường sắt; nạo vét đường sông, bảo đảm độ sâu cho các tàu lớn… “Các hoạt động đầu tư này sẽ thu hồi vốn rất nhanh vì vùng có đà tăng trưởng nhanh với các trung tâm như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, 4 địa phương này tạo thành tứ giác kim cương trong phát triển”, TS Trần Hoàng Ngân nhận định và nhấn mạnh, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy tầm quan trọng rất lớn của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Ông Ngân cũng cho rằng hoàn toàn có khả năng triển khai xây dựng khu mậu dịch tự do tại đây và với tổng thể các giải pháp, Cái Mép - Thị Vải hoàn toàn có thể cạnh tranh được với Singapore, trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045 và cùng với sân bay Long Thành để góp phần phát huy cụm động lực phát triển kinh tế của Việt Nam.

Khắc phục một trong những bất cập lớn nhất cho Đông Nam Bộ
Dài hơn 20 km, chiếm hơn 30% lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container của cả nước, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cụm cảng biển sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép, được đánh giá có mức tăng trưởng hàng hóa cao hàng đầu khu vực và được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương phía Nam.

Phát huy lợi thế so sánh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, một trong những vấn đề đang đặt ra hiện nay là khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì là một trong 5 địa phương có mức đóng góp cao nhất đối với quốc gia về GDP và thu ngân sách nhà nước. Để tiếp tục duy trì vai trò và vị trí của tỉnh, tỉnh xác định sẽ tiếp tục tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột là công nghiệp, hệ thống cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó, vấn đề khai thác và phát huy hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối với TPHCM, tỉnh Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng, để tạo động lực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa... được tỉnh coi là vấn đề then chốt trong giai đoạn tới, ông Thọ khẳng định.

Theo các quy hoạch về phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và nhóm cảng biển số 5 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò của cảng trung chuyển quốc tế. Trên địa bàn tỉnh có 69 dự án cảng biển được quy hoạch tập trung chính trên 02 luồng hàng hải là Vũng Tàu - Thị Vải và Sông Dinh (riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến). Hiện đã đưa vào khai thác 48/69 dự án cảng biển với tổng công suất khoảng 141,5 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến khoảng 14 km (riêng khu vực Cái Mép - Thị Vải có chiều dài bến khoảng 12 km với công suất khoảng 130 triệu tấn/năm).

Với lợi thế cảng nước sâu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn với trọng tải đến 214.000 tấn. Tuy nhiên, công suất khai thác cảng chỉ tăng từ 40% năm 2015 lên 53% năm 2020.

Hệ thống giao thông kết nối cảng trong thời quan vừa qua đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ thực hiện dự án cầu Phước An, dự án đường 991B. Về phía tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai cùng với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ... có nhiều giải pháp thúc đẩy các dự án giao thông kết nối theo định hướng quy hoạch, cũng như theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các kết luận trước đây (Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 21/8/2017), đặc biệt là đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

“Song đến nay yêu cầu đầu tư hạ tầng kết nối cảng với các trung tâm kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là vấn đề cần tiếp tục đặc biệt quan tâm. Từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Tây Nam Bộ chỉ có duy nhất tuyến đường bộ Quốc lộ 51, dẫn đến tình trạng thường xuyên quá tải”, ông Thọ nêu rõ.

Trao đổi với PV về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, đây là cụm cảng biển sâu có mức tăng trưởng hàng hóa cao hàng đầu khu vực và được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương phía Nam.

Nếu năm 2013, tại Cái Mép - Thị Vải mới thiết lập được 8 tuyến vận tải, năm 2019 là 23 tuyến vận tải thì đến nay đã hình thành 32 tuyến. Trong đó có 25 tuyến quốc tế và 7 tuyến nội địa. Tháng 10/2020, cảng đã đón tàu container Margrethe Maersk (trọng tải trên 214.000 tấn, sức chở hơn 18.300 TEU) - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, hiện nay Cái Mép-Thị Vải đang có quá nhiều nhà đầu tư, 22 cảng đang hoạt động, sự phân chia thiếu đồng bộ hiện nay dẫ đến việc đầu tư thiết bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức Cái Mép-Thị Vải thành cụm cảng tầm cỡ quốc tế. Thêm vào đó, khu hậu cảng do phân chia nhỏ nên không có đủ đất để tập trung hàng hoá, khu logistics, ngoại quan… Hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ với hệ thống cảng dẫn đến chi phí logistics với hàng hoá tương đối cao.

“Chưa kể đến luồng của Cái Mép-Thị Vải độ sâu chưa đáp ứng cho các tàu quốc tế sức chở 12.000 TEU đầy tải trở lên dẫn đến tình trạng các tàu lớn vừa rồi khi vào cảng phải hạ tải bớt”, ông Nguyễn Nhật cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam cùng hai Tổng công ty bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam khắc phục những khó khăn trong thủ tục, nỗ lực phối hợp với địa phương tìm vị trí đổ thải phù hợp, sớm khơi thông các tuyến luồng quan trọng, bảo đảm hoạt động hành hải của tàu, thuyền được xuyên suốt.

“Riêng với cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh triển khai các thủ tục theo quy định, sớm nâng cấp luồng xuống độ sâu âm 15,5m để đáp ứng cỡ tàu ngày càng gia tăng cập cảng làm hàng. Cảng biển Việt Nam phải khắc phục những yếu kém về luồng lạch kém để trở thành các cảng đầu mối quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông Nhật cho rằng, Bộ GTVT cũng như các cơ quan liên quan, địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch cũng như cấp đất cho nhà đầu tư khi xây dựng cảng, tránh tình trạng manh mún như hiện nay.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo baochinhphu.vn

vietinbank
ajinomoto