HDBank làm gì để có thể tăng trưởng trên 25% mỗi năm?

08:51 | 14/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
2022 - năm thứ 4 liên tiếp Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh là “doanh nghiệp phát triển bền vững” khi đáp ứng đầy đủ 150 chỉ tiêu của Bộ chỉ số Doanh nghiệp Bền vững.
Chủ tịch HDBank trấn an khách hàng, nhà đầu tư giữa những tin đồn trên mạng xã hộiChủ tịch HDBank trấn an khách hàng, nhà đầu tư giữa những tin đồn trên mạng xã hội
HDBank nhận hai giải thưởng từ Tổ chức thẻ quốc tế VisaHDBank nhận hai giải thưởng từ Tổ chức thẻ quốc tế Visa

Chất lượng tài sản tốt, hiệu quả hoạt động cao

Năm 2022 vừa qua, kinh tế toàn cầu chứng kiến nhiều biến động như lạm phát, giá dầu, giá nguyên vật liệu, lãi suất tăng cao gây áp lực khiến các ngân hàng lớn toàn cầu phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nhiều mặt từ kinh tế thế giới, phải liên tục ứng phó trước những diễn biến khó lường.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải đưa ra các chính sách nhằm siết chặt tín dụng tại một số thời điểm, tăng lãi suất điều hành…, cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng kéo theo hệ lụy là lãi suất cho vay cũng tăng theo. Trong khi người có tiền đi gửi ngân hàng vui mừng thì những doanh nghiệp, người dân cần vay vốn làm ăn lại thêm nhiều gánh nặng. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại một lần nữa lại đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nỗ lực ổn định vĩ mô, hỗ trợ phát triển nền kinh tế. HDBank là một trong số rất ít ngân hàng không những vững vàng vượt qua “sóng gió” mà còn tạo lập được nhiều kỷ lục trong kinh doanh cũng như đóng góp lớn cho những mục tiêu chung của đất nước.

Theo công bố của HDBank, kết quả kinh doanh năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ, mảng dịch vụ tăng trưởng cao, các chỉ tiêu an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu ngành Ngân hàng. Tổng tài sản của HDBank lần đầu vượt mốc 416 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn đạt 366 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 216 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 3 lần mức tăng toàn ngành (khoảng 6%). Dư nợ đạt hơn 268 nghìn tỷ đồng, tăng trên 25,6% và phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao.

HDBank làm gì để có thể tăng trưởng trên 25% mỗi năm?

Bên cạnh đó, doanh số kinh doanh bảo hiểm của HDBank cao gấp 2 lần cùng kỳ và thuộc top ngân hàng dẫn đầu. Số lượng thẻ tín dụng kích hoạt gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước, giá trị giao dịch thẻ tăng gấp gần 3 lần, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số (ebanking) tăng 208%, số lượng giao dịch tăng 97% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu quan trọng minh chứng kết quả hoạt động của HDBank như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2% thuộc những ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả. Hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) đạt 37%, tốt hơn mức 39% cùng kỳ năm trước. Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ 15,9%, tốt hơn mức tối đa 37% theo quy định của NHNN. An toàn vốn (theo chuẩn Basel II) đạt 15,3%, thuộc những ngân hàng có an toàn vốn cao nhất. Mới đây cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s tiếp tục dành cho HDBank mức xếp hạng B1 cùng nhận định tích cực về chất lượng tài sản tốt, hiệu quả hoạt động cao và dự trữ thanh khoản dồi dào.

5 năm kể từ giao dịch IPO năm 2017, vượt lên những biến động của thị trường, HDBank thuộc nhóm ngân hàng tăng trưởng cao và bền vững nhất. Vốn chủ sở hữu đạt 38.995 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2017. Tổng tài sản gấp 2,2 lần, số dư cho vay khách hàng gấp 2,5 lần và lợi nhuận trước thuế gấp 4,2 lần. Nợ xấu, các chỉ số tài chính luôn đạt mức tốt so với ngành. Ngân hàng thực hiện tốt cam kết với nhà đầu tư khi liên tục từ năm 2018 đến nay chỉ tiêu ROE luôn đạt trên 20%.

Chủ tịch HĐQT HDBank Kim Byoungho đánh giá: “Kết quả kinh doanh năm 2022 như một món quà dành tặng cổ đông của các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới được cổ đông tin tưởng bầu chọn. Đồng thời kết quả này cho thấy sứ mệnh và trọng trách của HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã được cổ đông phê duyệt”.

Mục tiêu đầy tham vọng đòi hỏi vượt qua nhiều thách thức

Được biết, HDBank được kỳ vọng có nhiều thuận lợi để đạt được kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2023 và tự tin hướng đến mục tiêu trong giai đoạn 5 năm sắp tới là duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, tiếp tục khẳng định năng lực đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Nếu căn cứ vào những dự báo chung của giới phân tích tài chính thì mục tiêu tăng trưởng trên 25%/năm của HDBank là quá cao. HDBank phải vượt qua những thử thách nào để có thể đạt được kế hoạch đầy tham vọng đó?

Theo các chuyên gia phân tích dự báo trong nước thì tăng trưởng lợi nhuận của ngành Ngân hàng sẽ giảm tốc, chỉ đạt khoảng 10-11% trong năm 2023. Tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ tiếp tục là áp lực đối với ngành Ngân hàng. Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ vẫn nằm trong tình trạng bất ổn. Rủi ro chính trị, chuỗi cung ứng phân mảnh và chính sách tiền tệ thắt chặt có khả năng sẽ tạo nên suy thoái kinh tế mức độ nhẹ ở nhiều quốc gia.

Còn theo báo cáo “Triển vọng ngành Ngân hàng và vốn 2023” của Deloitte toàn cầu (một trong 4 công ty lớn nhất trong giới kiểm toán, tài chính thế giới) thì tình trạng lãi suất tăng cao, lạm phát và tăng trưởng chậm sẽ trực tiếp tác động tới việc kinh doanh trong ngắn hạn. Khi đó, việc duy trì được lòng tin và tần suất sử dụng dịch vụ từ khách hàng đòi hỏi các bộ phận của ngân hàng phối hợp hài hòa, không ngừng nâng cao cơ sở hạ tầng nhằm mang lại nhiều trải nghiệm mới end-to-end theo hướng ứng dụng dữ liệu, đa kênh, được cá nhân hóa. Các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong cuộc chiến giành thị phần cho vay hay huy động trong một room tín dụng hạn hẹp. Theo đó, ngân hàng sẽ cần chuyển dịch tỷ lệ doanh thu từ hoạt động tín dụng và phi tín dụng, tăng cường phạm vi cung cấp của mình sang các sản phẩm giao dịch, giải pháp hỗ trợ quản lý dòng tiền, từ đó thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên.

Lạc quan hơn, một số chuyên gia kinh tế thì cho rằng cơ hội luôn tiềm ẩn trong khó khăn và nhiều ngân hàng trong nước đã tham gia cuộc hành trình vượt khó của mình bằng cách không ngừng đổi mới, vượt qua các giới hạn hiện tại với tôn chỉ hướng tới khách hàng làm trung tâm. HDBank là một trong số đó.

Khi thị trường tài chính có nhiều biến động thì vấn đề quản trị rủi ro của các ngân hàng càng được quan tâm, đặt thành tiêu chí đánh giá hàng đầu. HDBank là một trong những ngân hàng tiên phong áp dụng và hoàn thành 3 trụ cột chuẩn Basel II từ năm 2021. Hiện đã có hơn 20 ngân hàng Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Basel II và nhiều ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc thí điểm triển khai Basel III trong đó có HDBank.

Được biết, để “nâng cấp” từ Basel II lên Basel III đòi hỏi các nhà băng phải nâng tỷ trọng và chất lượng vốn, nâng cao khả năng nắm bắt rủi ro để đối phó với rủi ro thị trường, được tính toán đề phòng tình huống căng thẳng, áp lực thị trường trong 12 tháng, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ đòn bẩy bắt buộc, cải thiện chỉ số thanh khoản ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như đơn giản hóa cách thức xử lý rủi ro hoạt động…

Tuy nhiên, khi áp dụng Basel III sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho các ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, sức chống chịu của ngân hàng trước những biến cố có thể xảy ra.

Trên thực tế, Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không kỳ vọng, cụ thể: tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III, đồng thời tỷ lệ vốn của cổ đông thường được tăng từ 2% lên 4%.

Bên cạnh đó, Basel III cũng đòi hỏi bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu là 2,5% và tỷ lệ vốn đệm phòng ngừa sự suy giảm theo chu kỳ kinh tế có thể được thiết lập với tỷ lệ từ 0 - 2,5% tùy theo từng quốc gia và phải được đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu phổ thông.

HDBank cho biết ngân hàng hiện đã áp dụng 2 chỉ số đảm bảo thanh khoản là hệ số quỹ bình ổn ròng NSFR và tỷ lệ đảm bảo thanh khoản LCR của Basel III. Ngân hàng hiện đang triển khai áp dụng đầy đủ chuẩn Basel III vào quản trị. Việc HDBank áp dụng các quy định quản lý rủi ro chặt chẽ hơn như Basel III sẽ giúp hoạt động ngân hàng lành mạnh hơn, tạo lập được niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư hơn. Đây cũng là điểm cộng giúp ngân hàng có được xếp hạnh tín nhiệm cao hơn.

Về Basel, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, nhận xét: “Các ngân hàng đạt chuẩn Basel cao bản thân đã quản trị rủi ro tốt, minh bạch trong hoạt động tài chính và kinh doanh, vì vậy cần ưu tiên. Trong khi đó nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao thì có thể bị hạn chế room tín dụng hơn”.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao như kỳ vọng, HDBank dường như đã có sự chuẩn bị mang tính nền tảng. Chiến lược chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số của HDBank đang ghi nhận kết quả tích cực. Năm 2022, số lượng người dùng số tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng và giá trị giao dịch qua kênh số đều tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Mới đây, HDBank được vinh danh với Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022, hạng mục “Sản phẩm, Giải pháp, Công nghệ số tiêu biểu”. Dẫn đầu về doanh số thẻ và phát triển nhiều giải pháp thanh toán thông minh, ưu đãi độc đáo cũng như nhiều giải pháp công nghệ hiện đại cho hàng triệu khách hàng, HDBank được Tổ chức thẻ quốc tế Visa vinh danh ở 2 hạng mục: Ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng doanh số giao dịch Thẻ 2022 và Ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng doanh số giao dịch Thẻ tín dụng 2022. Visa là tổ chức thẻ quốc tế có thị phần và nhận diện tốt nhất tại Việt Nam. Các giải thưởng do Visa trao tặng là những giải thưởng uy tín nhằm đánh giá và ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các ngân hàng thành viên trong hoạt động phát triển dịch vụ thẻ thương hiệu Visa trên thị trường.

HDBank làm gì để có thể tăng trưởng trên 25% mỗi năm?

HDBank hiện được đánh giá là doanh nghiệp điển hình trong kinh doanh bền vững, đã áp dụng tích cực Bộ chỉ số Doanh nghiệp Bền vững vào quá trình hoạt động ngân hàng, hoàn thiện mô hình kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, người lao động, cổ đông và cộng đồng xã hội.

Cuối 2021, HDBank đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá 700 triệu USD với các đối tác nước ngoài là Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp), DEG (định chế Tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức) và Quỹ Đầu tư Quốc tế Affinity về nội dung phát triển bền vững, tạo dựng các giá trị lâu dài cho nền kinh tế cũng như cộng đồng, xã hội. Gần đây nhất, HDBank và IFC tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

HDBank cho biết, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đa dạng hoá thu nhập, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, Ngân hàng đang tập trung vào 4 sáng kiến chiến lược chính gồm phát triển ngân hàng số, khai thác lợi thế hệ sinh thái, kinh doanh bảo hiểm và quản trị doanh nghiệp và rủi ro môi trường-xã hội.

Có thể thấy, bước đầu HDBank đã cho thấy năng lực triển khai hiệu quả và quyết tâm cao trong nỗ lực hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng trong giai đoạn phát triển mới.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tuấn Anh

vietinbank
ajinomoto