Hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland - MCK: NVL) bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/9 vì đã chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 15 ngày.
Ngay trong ngày nhận quyết định, Novaland đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch giải trình việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Công ty này cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Novaland đã và đang triển khai cùng lúc nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động khôi phục lại hoạt động kinh doanh như tái khởi động các dự án, hoàn thiện và bàn giao sản phẩm, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cư dân, tái cấu trúc tài chính…
Do số lượng giao dịch, hồ sơ chứng từ tăng cao nên các thủ tục kiểm toán và thu thập, đánh giá thông tin liên quan để hoàn thành báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 của đơn vị kiểm toán đòi hỏi nhiều thời gian hơn.
Công ty đã tích cực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH PwC Việt Nam nhằm hoàn tất và công bố thông tin. Với sự hỗ trợ của PwC Việt Nam, doanh nghiệp sẽ nỗ lực hoàn tất việc công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 trước ngày 28/9/2024.
Trong quý II vừa qua, doanh thu thuần của công ty đạt gần 1.550 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 945,5 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 684 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và khoản lỗ 600 tỷ đồng của quý I/2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Novaland ghi nhận doanh thu thuần 2.247 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 345 tỷ đồng, tăng mạnh so cùng kỳ.
Novaland được thành lập vào ngày 18/9/1992 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn. Đến tháng 12/2016, công ty chính thức được niêm yết và giao dịch trên HoSE với mã NVL. Tập đoàn Novaland có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, triển khai các dự án nhà ở và dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Ghi nhận NVL sáng 18/9 có giá 11.450 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu RDP của Công ty Cổ phần Rạng Đông Holding (Rạng Đông Holding) bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/9. Lý do cổ phiếu RDP bị đưa vào diện cảnh báo do tiếp tục chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.
Tại quý II/2024, doanh thu thuần của Rạng Đông Holding giảm 68,24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 98,1% so với cùng kỳ, thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 76,2%, chi phí bán hàng tăng 1,2%. Dẫn tới lợi nhuận sau thuế âm 61,8 tỷ đồng, giảm gần 1.130% so với năm trước.
Thách thức của Rạng Đông Holding là vô cùng lớn khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ tính đến quý II/2024 âm 60,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 266,4 tỷ đồng.
Rạng Đông Holding, tiền thân là Liên hiệp các xí nghiệp Cao su Viễn Đông, được thành lập vào những năm đầu của thập niên 60 thế kỉ XX. Công ty được cổ phần hóa năm 2005, là một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất nhựa, đặc biệt là PVC và tấm lợp tại Việt Nam. Công ty chiếm khoảng 65% thị phần sản phẩm tấm lợp PVC, 55% thị phần sản phẩm màng mỏng PVC, 35% thị phần PE. Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/9, RDP có giá 2.400 đồng/cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (MCK: DLG) cũng bị đưa vào diện bị cảnh báo với lý do tương tự hai công ty trên.
Trước đó, ngày 30/8, Đức Long Gia Lai đã thông báo xin hoãn công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét 2024.
DLG đã kinh doanh thua lỗ liên tục trong 2 năm 2022, 2023. Tuy nhiên, tình hình đã có sự khởi sắc tại quý II/2024, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt 594,7 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 45,4 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Đức Long Gia Lai đều tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, việc tiết giảm chi phí, thu hồi dần công nợ của đối tác và khách hàng là các nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận quý II/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm 2024, Đức Long Gia Lai tiếp tục kiên định tái cấu trúc toàn diện: Thoái vốn tại các công ty và dự án kém hiệu quả, thu hồi triệt để nợ của đối tác và khách hàng, xử lý trả hết nợ ngân hàng từ năm 2024-2026 nhằm đảm bảo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh được liên tục, ổn định và tăng trưởng bền vững.
Trong vụ bị Công ty Cổ phần Lilam 45.3 kiện phá sản lần 2, Đức Long Gia Lai đã được Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành quyết định ngày 5/8 không mở thủ tục phá sản, khẳng định doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán nợ.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai, tiền thân là Xí nghiệp tư doanh Đức Long, được thành lập năm 1995. Hiện 5 lĩnh vực trọng tâm của DLG gồm: cơ sở hạ tầng, bất động sản, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, nông nghiệp, xây dựng dân dụng - cầu đường và công nghiệp. Tại phiên giao dịch sáng 18/9, giá cổ phiếu DLG còn 1.660 đồng/cổ phiếu.
Diệu Phương
-
Novaland giảm vốn góp tại Nova Princess Residence và Nova Rivergate
-
Điểm tin ngân hàng ngày 10/8: MBBank cho Novaland vay gần 2.460 tỷ đồng ba dự án lớn
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 8/8: Nhóm dệt may, Dầu khí ngược dòng thị trường
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 31/7: Bank tăng, thép giảm, "xanh vỏ đỏ lòng"