Hà Nam mở rộng quy mô Dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao lên gần 182 ha

16:02 | 07/07/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Dự án “Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Nam Cao” tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (cũ) đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mở rộng với quy mô lên tới 181,86 ha và tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó chi phí hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng hơn 450 tỷ đồng.

Dự án được định hình từ sớm khi UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Đại học Nam Cao tại Quyết định số 1083/QĐ-UBND từ năm 2012. Đến năm 2022, quy hoạch này được điều chỉnh tại Quyết định số 1266/QĐ-UBND, cập nhật định hướng phát triển mới của thị xã Duy Tiên và mở đường cho các dự án cụ thể được triển khai. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao vào tháng 12/2022 với diện tích khoảng 101,48 ha, thuộc địa bàn xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội và phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên.

Hà Nam mở rộng quy mô Dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao lên gần 182 ha
Trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án sẽ bao gồm hàng loạt hạng mục chính như 451 căn nhà ở liền kề (xây thô, hoàn thiện mặt ngoài), và 414 lô đất giao lại cho người dân có nhu cầu.

Đến ngày 6/2/2024, tỉnh đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án. Theo đó, liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Phát Đạt (thành viên đứng đầu) và Công ty Cổ phần Đầu tư Amazon River trở thành nhà đầu tư trúng thầu. Hai bên đã thành lập Công ty TNHH Khu đô thị mới Duy Tiên (có vốn điều lệ 1.115 tỷ đồng) để thực hiện dự án. Công ty này có trụ sở tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, do bà Nguyễn Như Quỳnh làm Tổng Giám đốc, sẽ là pháp nhân trực tiếp nhận đất, đầu tư xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.

Ngày 25/6/2024, Hợp đồng số 01/2024/HĐ-SDĐ-HĐNC-DT được ký kết giữa UBND thị xã Duy Tiên và doanh nghiệp dự án, xác định tổng mức đầu tư (chưa tính chi phí bồi thường, tái định cư) là hơn 2.800 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng một khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo nền tảng thu hút đầu tư giáo dục, thương mại, dịch vụ, và góp phần hoàn chỉnh quy hoạch phát triển thị xã Duy Tiên đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị triển khai, UBND tỉnh Hà Nam đã có điều chỉnh quy mô dự án để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế, đặc biệt là nhu cầu thu hút các cơ sở đào tạo. Ngày 10/6/2025, Quyết định số 1178/QĐ-UBND được ban hành, điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng tổng diện tích dự án lên 181,86 ha, tăng hơn 80 ha so với diện tích ban đầu. Đây là một bước điều chỉnh quan trọng, nhằm mở rộng không gian phát triển và bổ sung các tuyến đường, hạ tầng khung cần thiết trong toàn khu đô thị.

Theo Quyết định số 1178/QĐ-UBND do ông Trần Xuân Dưỡng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký thì dự án có 5 nội dung lớn được điều chỉnh bao gồm: Điều chỉnh về diện tích sử dụng đất: Diện tích sử dụng đất của dự án được điều chỉnh tăng đáng kể so với quy định trước đó tại Quyết định số 2361/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh. Cụ thể, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch dự án được điều chỉnh từ 126,77 ha lên khoảng 207,15 ha. Trong đó, diện tích sử dụng đất thuộc phạm vi đề xuất dự án cũng được điều chỉnh tăng từ 101,48 ha lên khoảng 181,86 ha. Việc điều chỉnh này nhằm bổ sung thêm các ô đất có chức năng giáo dục – đào tạo và một số tuyến đường giao thông theo quy hoạch, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện san nền, hoàn thiện hạ tầng và bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, thu hút đầu tư.

Hà Nam mở rộng quy mô Dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao lên gần 182 ha
Theo Quyết định số 1178/QĐ-UBND do ông Trần Xuân Dưỡng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký thì dự án có 5 nội dung lớn được điều chỉnh...
Hà Nam mở rộng quy mô Dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao lên gần 182 ha

Bổ sung quy mô đầu tư: Quy mô đầu tư dự án được bổ sung ở cả hai hạng mục là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội – công cộng. Một là, về hạ tầng kỹ thuật, dự án sẽ hoàn thiện thêm một số tuyến đường theo quy hoạch đang thi công dang dở, bao gồm: Tuyến đường Trục 1 (từ nút giao đường N1 đến nút giao đường T3.3), dài khoảng 891,7m; Tuyến đường T3 (từ nút giao đường Trục 2 đến đường D2), dài khoảng 826,2m; Tuyến đường Trục 2 (từ nút giao đường N1 đến nút giao đường T3), dài khoảng 560,9m.

Hai là, về công trình hạ tầng xã hội, nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các trường mầm non tại các ô đất A.MG-01 và A.MG-02 với diện tích khoảng 9.617m², mật độ xây dựng khoảng 40% và dự kiến cao 2 tầng. Đồng thời, các hạng mục khác như trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (ô A.GD01), khu nghiên cứu và đào tạo (ô A.NC03), trung tâm điều hành và dịch vụ công cộng (ô A.TT02), bến xe và hạ tầng kỹ thuật (ô B-HTKT01), trường THPT (ô B.THPT01), nhà văn hóa, y tế và phòng cháy chữa cháy...

Điều chỉnh tổng vốn đầu tư: Tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng lên 3.859,236 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư là 450,564 tỷ đồng; chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) khoảng 3.361,645 tỷ đồng; và chi phí phát triển đất trồng lúa là 47,027 tỷ đồng. Việc điều chỉnh nhằm phù hợp với quy mô mở rộng và các hạng mục mới được bổ sung trong dự án.

Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án: Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh kéo dài từ năm 2022 đến năm 2030. Trong đó, thời điểm góp vốn và huy động vốn sẽ thực hiện theo tiến độ triển khai từng giai đoạn. Việc xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động, khai thác vận hành sẽ hoàn thành trong vòng 48 tháng kể từ ngày được giao đất, và chậm nhất phải hoàn tất vào ngày 31/12/2030.

Điều chỉnh phương thức giao đất, cho thuê đất, chuyển giao công trình: Về phương thức giao đất, dự án tiếp tục thực hiện hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các diện tích phục vụ hạ tầng kỹ thuật như giao thông, bãi đỗ xe, công viên cây xanh, xử lý nước thải… Đối với đất tái định cư, sau khi hoàn thiện hạ tầng, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại cho địa phương để bố trí tái định cư theo quy định. Tương tự, các ô đất thuộc khu chức năng cơ bản như trường đại học, khu nghiên cứu, trung tâm dịch vụ công cộng, bến xe, trường THPT, cơ sở y tế… cũng sẽ được bàn giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư theo ngành và lĩnh vực phù hợp. Riêng các ô đất giáo dục từ A.GD-02 đến A.GD-06, nhà đầu tư có trách nhiệm giải phóng và san lấp mặt bằng trước khi bàn giao lại cho cơ quan chức năng tiếp nhận.

Hà Nam mở rộng quy mô Dự án Khu đô thị Đại học Nam Cao lên gần 182 ha
Dự án xây dựng hai tòa chung cư hỗn hợp 15 tầng với tổng cộng 380 căn hộ.

Việc mở rộng quy mô đã khiến dự án thuộc nhóm I theo quy định tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP của Chính phủ, bắt buộc phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Báo cáo ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào tháng 12/2024 tại Quyết định số 4090/QĐ-BTNMT. Theo đó, các tác động đến môi trường trong giai đoạn xây dựng và vận hành được phân tích kỹ, đặc biệt là quá trình giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến người dân địa phương.

Dự án có phạm vi thực hiện trên địa bàn ba đơn vị hành chính gồm xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội và phường Hoàng Đông, với dân số quy hoạch khoảng 9.000 người. Trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án sẽ bao gồm hàng loạt hạng mục chính như 451 căn nhà ở liền kề (xây thô, hoàn thiện mặt ngoài), và 414 lô đất giao lại cho người dân có nhu cầu; hai tòa chung cư hỗn hợp 15 tầng với tổng cộng 380 căn hộ; hai trường mầm non; khu tái định cư với 71 lô đất; và hàng loạt khu chức năng phục vụ giáo dục – nghiên cứu, trung tâm điều hành, thương mại, văn hóa, y tế, giao thông... Các hạng mục công cộng như trường đại học, trung tâm nghiên cứu, bến xe, bệnh viện, trường trung học… sẽ được giải phóng mặt bằng và bàn giao lại cho các cơ quan chức năng để thu hút đầu tư ngành nghề phù hợp.

Về tiến độ, dự án dự kiến triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, chia thành ba giai đoạn: chuẩn bị hồ sơ pháp lý (tháng 6–11/2024), thi công hạ tầng kỹ thuật (12/2024–12/2026), và xây dựng công trình (1/2027–12/2030). Trong quá trình thực hiện, một trong những thách thức lớn là công tác giải phóng mặt bằng và đền bù. Dự án sẽ thu hồi tổng diện tích khoảng 181,86 ha, trong đó có hơn 101 ha là đất trồng lúa nước hai vụ trở lên – yếu tố đặc biệt nhạy cảm về môi trường và sinh kế của người dân.

Ngoài ra, dự án sẽ ảnh hưởng đến khoảng 55 hộ dân có đất ở phải di dời và hơn 1.250 ngôi mộ cần được di chuyển. Việc này đòi hỏi các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND thị xã Duy Tiên và chính quyền cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để xây dựng phương án đền bù hợp lý, đảm bảo quyền lợi người dân và tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài. Các phương án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân mất đất cũng cần được triển khai đồng bộ để tránh rủi ro về an sinh xã hội.

Trong bối cảnh Hà Nam đang định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp – dịch vụ – giáo dục của vùng Đồng bằng sông Hồng, việc hình thành một khu đô thị học thuật lớn như Nam Cao là bước đi chiến lược. Không chỉ góp phần chỉnh trang cảnh quan và tăng giá trị sử dụng đất, dự án còn mở ra không gian đô thị mới, thu hút lực lượng lao động trí thức, doanh nghiệp khởi nghiệp, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong tương lai.

Tuy vậy, để dự án phát huy hiệu quả và tránh “đô thị hoang”, việc triển khai cần gắn chặt với kế hoạch thu hút nhà đầu tư thứ cấp, các trường đại học, trung tâm công nghệ cao, đồng thời đảm bảo hạ tầng giao thông đối ngoại và các kết nối vùng đồng bộ.

Đình Khương