Giữa đại dịch, "ông lớn" ngân hàng "rót tiền" mạnh vào ngành nào?

06:00 | 16/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nửa đầu năm 2021, Techcombank có tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất với 101.489 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 33% dư nợ.

Trước sự xuất hiện của dịch Covid-19, cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh của các ngân hàng đã có sự không có sự thay đổi đáng kể.

Chẳng hạn tại Sacombank, trong nửa đầu năm 2021, tỷ trọng cho vay hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cao nhất với hơn 163.270 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm và chiếm hơn 41% dư nợ cho vay theo ngành.

Tiếp đến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành được Sacombank cho vay nhiều thứ hai với gần 38.368 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 11% dư nợ. Kế tiếp là hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình... cũng được Sacombank cho vay hơn 36.642 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ so với đầu năm nhưng chiếm tỷ trọng 11% dư nợ.

Đáng chú ý, trong cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành tại Sacombank, không thấy mục cho vay bất động sản như nhiều nhà băng khác. Hoặc có thể, mảng cho vay bất động sản được gộp chung ở mục "hoạt động dịch vụ khác" ghi nhận hơn 15.577 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 5% dư nợ.

Giữa đại dịch,
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2021 (đã soát xét) tại Sacombank./https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngược lại Sacombank, "ông lớn" Techcombank lại cho vay bất động sản hơn 101.489 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng gần 33% dư nợ. Ngoài ra, Techcombank cho vay cá nhân nhiều nhất với hơn 218.873 tỷ đồng, tăng 16%, chiếm tỷ trọng 41% dư nợ. Kế đến là bán buôn, bán lẻ với 31.916 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10% và công nghiệp chế biến hơn 23.589 tỷ đồng,chiếm tỷ trọng 7,5% dư nợ.

Được biết, tính đến cuối tháng 6/2021, Techcombank tăng trưởng tín dụng đã vượt 11%.

Thực tế, ngân hàng vẫn thích cho vay ngành bất động sản nhiều hơn vì họ nắm giữ được tài sản thế chấp thật sự, còn doanh nghiệp cho vay thì cần phải có phân tích, đánh giá về nguy cơ, khả năng trả nợ…

Vậy nhưng chưa hẳn doanh nghiệp có tài sản thế chấp tốt bằng bất động sản. Cho nên, lĩnh vực cho vay bất động sản tại Techcombank tăng trong thời gian qua là chuyện dễ hiểu.

Giữa đại dịch, 'ông lớn' ngân hàng 'rót tiền' mạnh vào ngành nào?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2021 (đã soát xét) tại Techcombank/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như: TPBank đang cho vay hơn 67.745 tỷ đồng ngành hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất... chiếm tỷ trọng gần 50% dư nợ; kế tiếp là cho vay hơn 12.596 tỷ đồng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng 9% dư nợ.

Hay tại LienVietPostBank, tập trung cho vay vào xây dựng hơn 25.352 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 14% dư nợ; tỷ trọng cho vay bán buôn, bán lẻ chiếm 15% dư nợ với hơn 34.049 tỷ đồng. Hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình... mới là ngành LienVietPostBank tập trung cho vay với hơn 49.358 tỷ đồng, chiếm 27% dư nợ.

Có thể thấy, cho vay ngân hàng tập trung vào cá nhân, hộ gia đình nhiều nhất trong nửa đầu năm. Đây cũng là một trong những mảng chủ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các nhà băng trong thời gian tới.

Ngành nào được kỳ vọng thúc đẩy tín dụng trong nửa cuối năm?

Số liệu thống kê do NHNN, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 9,78 triệu tỷ đồng, tăng 6,44% so với đầu năm. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng cao nhất với mức 8,9%, dư nợ hơn 1,88 triệu tỷ đồng. Cho vay thương mại tăng 8,16%, đạt gần 2,28 triệu tỷ đồng; tiếp đến là cho vay các hoạt động dịch vụ khác (6,74%) với gần 3,72 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, thương mại đang là lĩnh vực có dư nợ cao nhất với hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tiếp theo là công nghiệp với hơn 1,88 triệu tỷ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện từ ngày 05-15/06/2021 cho thấy, về cuối năm, dòng vốn tín dụng ngân hàng dự kiến vẫn thắt chặt với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán; kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; và đầu tư kinh doanh du lịch. Ngoài nhóm lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các ngân hàng cũng dự kiến thắt chặt hơn đối với hoạt động cho vay mua bất động sản để ở.

Ngược lại, các khoản vay trong lĩnh vực tiêu dùng dự kiến được nới lỏng hơn trong nửa cuối năm nay và giữ ổn định với hoạt động cho vay qua thẻ tín dụng.

Trong khi đó, 3 lĩnh vực gồm: Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống - tiếp tục là 3 lĩnh vực được nhiều tổ chức tín dụng lựa chọn là động lực chính tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, cả năm 2021 và năm 2022.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long - Huy Tùng